20:38 30/05/2009

Đổi mới tài chính giáo dục: Học phí đại học tăng dưới 33%/năm

Minh Thúy

Mức tăng học phí tại đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục vẫn gây nhiều tranh cãi

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đọc báo cáo thẩm tra đề án - Ảnh: TTXVN.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đọc báo cáo thẩm tra đề án - Ảnh: TTXVN.
Thay vì “nhảy vọt” từ 180.000 đồng lên 800.000 đồng (mức tối đa), học phí đại học sẽ  tiến từ từ, năm 2009 chỉ là 255.000 đồng. Còn mức tăng từ năm 2010 so với năm 2009 và của các năm sau so với năm trước liền kề dưới 33%.

Đây là điểm khác biệt lớn của đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình Quốc hội sáng 30/5, so với dự kiến ban đầu.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục gồm 8 nội dung thì 7 nội dung là nhằm làm cho việc sử dụng ngân sách và đóng góp của người dân cho giáo dục có hiệu quả ngày càng cao. 7 loại giải pháp này cần triển khai ngay mà không phụ thuộc vào mức học phí là bao nhiêu”

Tại tờ trình đề án này, Chính phủ cũng đã giải trình một số ý kiến còn khác nhau trong quá trình góp ý cho đề án.

6% có khả thi?

Theo đề án, đối với giáo dục mầm non và phổ thông, mức học phí cụ thể do hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định trên nguyên tắc học phí và các khoản chi cần thiết khác cho con em đi học không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình.

Cơ quan thẩm tra - Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội chưa đồng thuận. Vì 6% là mức chi trả khá cao trong tương quan so sánh chung và không phù hợp với thực tế thu nhập của các hộ dân hiện nay.

Mặt khác, ghép “các khoản chi cần thiết khác” mà gia đình học sinh tự chi tiêu chung với học phí người học phải đóng cho cơ sở giáo dục là không rõ ràng, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện khi xác định mức học phí cụ thể.

Bởi vậy, ủy ban này đề nghị tách riêng học phí và quy định khoản này không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình để giảm bớt phần đóng góp của người dân, đồng thời tạo điều kiện chủ động cho địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo đề án cho rằng 6% là khả thi, không gây gánh nặng tài chính cho gia đình. Đây là mức phù hợp với mức bình quân của các nước, vừa dễ dàng chi trả hơn là các mức học phí tối đa năm 1988 so sánh với thu nhập hộ dân lúc bấy giờ.

Dù vậy, cơ quan thẩm tra vẫn cho rằng, đối với giáo dục mầm non và phổ thông, nếu áp dụng ngay từ đầu mức học phí trần như đề án đề xuất thì mức tăng quá lớn và đột ngột đối với một số địa phương và một bộ phận học sinh. Bởi vậy, nên có lộ trình tăng dần từng năm và mức học phí trần dự kiến chỉ nên áp dụng vào năm cuối của đề án.

Nhiều ý kiến trong ủy ban cũng lo ngại, việc xác định thu nhập của hộ gia đình là rất phức tạp. Vì quản lý thu nhập hiện nay chủ yếu dựa vào lương và bằng tiền mặt nên việc tính toán thu nhập bình quân của hộ gia đình khó đảm bảo chính xác và công bằng.

Hơn nữa, hiện nay mới chỉ tính được mức thu nhập bình quân ở cấp tỉnh mà chưa tính được ở cấp huyện, xã. Ủy ban này lo ngại sẽ xảy ra tình trạng sau khi đã xác định mức thu, học sinh sẽ dồn vào vùng học phí thấp.

Học phí cần tương xứng với chất lượng

Tại đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội, khung học phí đại học của các nhóm ngành đào tạo đại trà giai đoạn 2008 - 2012 từ 200.000 -  800.000 đồng. Đối với trung cấp nghề và cao đẳng nghề có khung học phí từ 200.000 - 700.000 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng mức tính này vừa không công bằng vừa đột ngột, có thể gây sốc cho người nộp.

Trong đề án trình Quốc hội, khung học phí đã có lộ trình tăng theo từng năm, nhằm “không tạo ra sự tăng đột ngột, mức độ lớn của việc đóng học phí, gây khó khăn cho người học”, theo giải trình của Chính phủ.

Riêng năm học 2009 - 2010, học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000. Học phí đại học tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 255.000 đồng/tháng, học phí học nghề tăng từ 120.000 đồng/tháng lên 170.000 đồng/tháng, Chính phủ đề xuất.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra chỉ chấp nhận tăng không quá 1/3 mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2000 đến 2009. Cụ thể là tăng mức trần học phí đại học từ 180.000đ/tháng lên 230.000đ/tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần đại học) và đối với cao đẳng nghề từ 120.000 đ/tháng lên 155.000đ/tháng.

Cạnh đó, cơ quan thẩm tra còn băn khoăn vì mỗi năm chỉ có một mức học phí trần duy nhất khá cao và có khoảng cách rất lớn so với mức học phí hiện hành.

Ủy ban đề nghị coi đây là mức trần học phí của từng năm và chia nhỏ khoảng chênh lệch giữa mức học phí hiện hành và mức trần học phí của năm cuối đề án thành một số mức tương ứng với các mức chất lượng khác nhau và quy định các cơ sở giáo dục chỉ được thu học phí ở mức tương ứng với chất lượng đã được kiểm định công nhận.

Việc áp dụng nghiêm túc, công khai, minh bạch cơ chế này sẽ tạo động lực khuyến khích cơ sở giáo dục chủ động tham gia kiểm định chất lượng và tích cực phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, chủ nhiệm Đào Trọng Thi nhấn mạnh.
.
Một điều khác khiến nhiều ý kiến trong ủy ban “khó chấp nhận” là mức học phí của trung cấp nghề và cao đẳng nghề bằng nhau. Mức học phí của trung cấp nghề quá chênh lệch so với cấp trung học phổ thông là không hợp lý, không công bằng đối với các đối tượng cùng lứa tuổi và không khuyến khích học sinh sau trung học cơ sở đi học nghề.

Theo Chủ nhiệm Đào Trọng Thi, sau khi áp dụng chế độ học phí mới trong các cơ sở giáo dục công lập, dễ xảy ra tình trạng nâng học phí đồng loạt tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là hệ cao đẳng, đại học), Vì vậy  ủy ban cho rằng nên công bố mức “trần” học phí đối với chương trình giáo dục đại trà tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập để các trường căn cứ vào đó tính mức học phí hợp lý, tránh tình trạng thu học phí tuỳ tiện.

Mức trần học phí này có thể xác định trên cơ sở tham khảo mức trần học phí tương ứng của các cơ sở giáo dục công lập cộng với mức hỗ trợ của ngân sách Nhà nước cho các cơ sở giáo dục công lập. Ngoài ra, cần kịp thời ban hành quy chế sử dụng học phí trong các trường ngoài công lập và có biện pháp để kiểm tra giám sát việc thực hiện.