10:28 23/09/2009

Miền Trung thiếu trầm trọng nhân lực dự án

Vũ Quỳnh

Cùng với việc phát triển các dự án, nhiều địa phương đang phải đối mặt với thực trạng thiếu nguồn nhân lực cho các dự án trọng điểm

Dự báo Hà Tĩnh cần khoảng 119 nghìn lao động kỹ thuật cho các dự án trọng điểm.
Dự báo Hà Tĩnh cần khoảng 119 nghìn lao động kỹ thuật cho các dự án trọng điểm.
Thiếu lao động qua đào tạo, thiếu lao động lành nghề  đang là khó khăn chung cho việc tìm kiếm nhân lực của nhiều doanh nghiệp khi đầu tư vào các tỉnh miền Trung

Dự án nào cũng thiếu

Tại hội nghị phát triển nhân lực khu vực miền Trung vừa diễn ra, ông Lê Văn Chất, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, khi các dự án lớn được triển khai thì nhu cầu lao động chưa đáp ứng được, chất lượng nguồn nhân lực rất thấp, lao động phổ thông, lao động chưa qua đào tạo chiếm đa số. Vì thế đã tồn tại nghịch lý, lao động thừa nhưng vẫn thiếu.(thừa lao động phổ thông, thiếu lao động có tay nghề, có trình độ kỹ thuật).

Nguyên nhân của vấn đề trên theo ông Chất  là đầu tư cho công tác đào tạo của khu vực miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng còn nhiều bất cập,
hệ thống đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu nguồn nhân lực dự án.

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh, đến năm 2015 nhu cầu về số lao động qua đào tạo, có thể đáp ứng được cho các ngành kinh tế tỉnh này khoảng 378 nghìn người. Trong đó: Nông lâm ngư 89 nghìn người; công nghiệp xây dựng178 nghìn người; thương mại dịch vụ 111 nghìn người.

Riêng các dự án trọng điểm nhu cầu sử dụng lao động đến năm 2015 được dự báo cần khoảng 119 nghìn người được đào tạo có tay nghề kỹ thuật và trình độ chuyên môn cao. Điển hình như Mỏ sắt thạch Khê dự kiến năm 2015 sẽ cần tới 12.000 lao động. Luyện thép Formosa cần đến 20.000 người,  khu công nghiệp Vũng Áng 1 cần 42.000 người....

Tại Thanh Hóa, cũng có tình trạng tương tự. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp của tỉnh, điển hình là khu kinh tế Nghi Sơn đã đi vào hoạt động, thu hút được nhiều dự án lớn trong nước và nước ngoài nhưng nhu cầu nguồn nhân lực vẫn lớn mà lao động địa phương chưa đáp ứng được.

Ông Chu Ngọc Hiền, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp đã đi vào hoạt động có hiệu quả và đang tiếp tục mở rộng sản xuất như các máy xi măng Bỉm Sơn, Nghi Sơn, Công Thanh, nhà máy bia Thanh Hoá; nhiều cơ sở sản xuất lớn đang được triển khai thực hiện như: Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn, nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn, nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, nhà máy đóng sửa tàu thuyền Nghi Sơn, nhà máy xi măng Thanh Sơn, nhà máy ô tô VEAM, nhà máy lắp ráp ô tô Vinaxuki, 3 nhà máy sản xuất ferocrom, nhà máy gang thép Thanh Hà....

Song song với việc phát triển các nhà máy, dự án, dự báo nhu cầu lao động của tỉnh đến năm 2015 tăng thêm khoảng 140.000 người, đến năm 2020 tăng thêm khoảng 337.000 người so với năm 2009. Riêng các khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh đến năm 2015 cần khoảng 80.000 lao động; đến năm 2020 cần trên 120.000 lao động.

“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các cơ sở đào tạo còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa sát với nhu cầu xã hội; chất lượng đào tạo còn thấp và không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ lao động xã hội qua đào tạo chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển”, ông Hiền nói.

Đại diện các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Nghệ An cũng cho biết, họ đang có chung thực trạng nói trên.

Tránh bị động trong đào tạo

Theo ông Hồ Đức Phước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, nguồn nhân lực chất lượng cao là động lực, đóng vai trò quan trọng trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội. Ngoài ra, đó còn là giải pháp cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập và sự cạnh tranh. Vì thế, ông Phước cho rằng, khi nội lực không phát huy được khả năng, phải vận dụng ngoại lực là điều tất yếu.

Đấy cũng là lý do để Nghệ An Tăng cường  liên kết, hợp tác chuyên môn giữa các trường dạy nghề trong tỉnh với các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước để nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm ứng dụng công nghệ mới trong quá trình đào tạo.

Điển hình là địa phương đã liên kết với Hàn Quốc, Nhật Bản... để mở cơ sở đạo tạo, hàng năm cung cấp được khối lượng lớn nguồn nhân lực kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu của các khu công nghiệp và xuất khẩu lao động.

Hà Tĩnh cũng áp dụng nhiều chính sách để phát triển đào tạo nguồn nhân lực. UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa phương này luôn bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho dạy nghề; miễn thu thuế trong thời gian đầu mới thành lập; ưu tiên trong các chính sách về đất đai; sử dụng các nguồn vốn ưu đãi.

Ngoài ra, các doanh nghiệp các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm phối hợp trong công tác đào tạo, bố trí sử dụng hợp lí nguồn nhân lực lao động kĩ thuật theo nguyên tắc: Tiếp nhận, tuyển dụng lao động kĩ thuật theo các ngành nghể, trình độ đào tạo phù hợp hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và phải đóng góp một phần chi phí đào tạo.

Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Lê Quang Trung, Phó cục trưởng Cục việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, việc điều tiết, bố trí lao động để đáp ứng được nhu cầu của các dự án tại các địa phương không phải là không làm được. Tuy nhiên, với thực trạng chung hiện nay, khâu dự báo nguồn nhân lực yếu, cơ sở đào tạo thì thô sơ và thiếu đã dẫn đến tình trạng lao động dồi dào nhưng vẫn thiếu.

Theo ông Trung, vấn đề cốt lõi vẫn là sự khâu nối giữa lực lượng lao động và nhu cầu lao động của địa phương. Ngoài những chính sách mà các địa phương vẫn áp dụng như thu hút ngoại lực, liên kết đào tạo, hỗ trợ dạy và học nghề...quan trọng là đia phương phải biết phối hợp dự báo nhu cầu nhân lực hàng năm tại các khu công nghiệp. Các dự án lớn chuẩn bị đầu tư phải xây dựng kế hoạch ngành nghề rõ ràng cần tuyển dụng để đăng ký với địa phương, tránh để tình trạng bị động trong khâu đào tạo và chuẩn bị nguồn lực.