15:37 29/09/2009

Nhân lực ngành gỗ mới chỉ được đào tạo trong nhà máy

Hà Lê

Trong khoảng 170.000 lao động trong ngành gỗ thì mới chỉ có 3% lao động có trình độ đại học, công nhân kỹ thuật chiếm 30%

Cả nước hiện có khoảng 2.600 doanh nghiệp chế biến gỗ, sử dụng khoảng 170.000 lao động.
Cả nước hiện có khoảng 2.600 doanh nghiệp chế biến gỗ, sử dụng khoảng 170.000 lao động.
Ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam trong những năm gần đây phát triển mạnh. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất đồ gỗ trong nước đang ngày càng được các bạn hàng quốc tế ưa chuộng; tạo ra nhiều công ăn việc làm và kim ngạch xuất khẩu cao.

Thế nhưng, nhân lực cho ngành này lại đang rất thiếu, nhất là thợ giỏi, thợ có tay nghề cao.

Doanh nghiệp “lùng” lao động

Cả nước hiện có khoảng 2.600 doanh nghiệp chế biến gỗ, sử dụng đến 170.000 lao động. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả nước một thời gian dài. Năm 1996, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ chỉ đạt 61 triệu USD, đến năm 2008 đã đạt tới 2,8 tỷ USD, tăng 459% và ngành chế biến xuất khẩu gỗ trở thành 1 trong 5 ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Đồ gỗ Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 2 trong khối ASEAN và có mặt trên thị trường hơn 120 nước trên thế giới.

Tuy nhiên, ngành chế biến gỗ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Bên cạnh công nghệ dây chuyền thiết bị, máy móc làm đồ gỗ lạc hậu; có tới 80% nguyên liệu cũng như các phụ liệu cho sản xuất như sơn, keo, các loại giấy... phải nhập khẩu thì điểm yếu lớn nhất khiến cho năng lực cạnh tranh của sản phẩm gỗ Việt Nam yếu thế hơn so với các sản phẩm gỗ của Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia vì năng suất lao đông thấp, thiếu đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề.

Theo Khoa chế biến lâm sản, trường Đại học Lâm nghiệp, trong khoảng 170.000 lao động trong ngành gỗ thì mới chỉ có 3% lao động có trình độ đại học, công nhân kỹ thuật chiếm 30%, còn lại là lao động phổ thông.

Chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, hiện toàn tỉnh có khoảng 507 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, thu hút khoảng 110.000 lao động. Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực ngành gỗ ở Bình Dương hàng năm tăng 11.000 - 15.000 người.

Riêng năm 2008, ở một số công ty đồ gỗ có quy mô lớn, máy móc hiện đại như Công ty TNHH Lode Star, Công ty TNHH RK ResoRees, Công ty TNHH River Wood Limbeer Việt Nam, Công ty Trường Thành... cần trên 10.000 lao động nhưng chỉ tuyển dụng được 4.200 người.

Còn theo Hiệp hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM, hiện gần như các doanh nghiệp gỗ trong thành phố đều đang thiếu lao động. Do nhu cầu đặc thù của ngành mộc và yếu tố xuất khẩu, các doanh nghiệp cần nhất là thợ mộc chạm trổ, vẽ, thiết kế mẫu, mộc trang trí nội thất, mộc xây dựng có nhiều kinh nghiệm, có trình độ từ trung cấp trở lên.

Theo ông Trần Tấn Dũng, trưởng phòng đào tạo, Trường kỹ thuật Cao Thắng, hiện ngành này chỉ gói gọn trong hình thức học theo truyền thống gia đình, do cha truyền con nối. Cho nên, để tìm được thợ giỏi, các doanh nghiệp phải xuống tận các tỉnh xa, hoặc lặn lội ra miền Trung, đến các làng nghề truyền thống để tìm.

Đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu

Hiện số các cơ sở có đào tạo nghề mộc rất ít, đa số là các khóa đào tạo ngắn hạn. Cả nước chỉ có 5 trường dạy nghề có liên quan đến ngành gỗ. Tuy nhiên, trong đó có tới 4 trường là đào tạo công nhân trồng rừng, khai thác gỗ từ rừng, duy nhất chỉ có 1 trường ở tỉnh Hà Nam dạy nghề chế biến gỗ nhưng lại chế biến gỗ mỹ nghệ, chạm khắc.

Như vậy, công nhân chế biến gỗ xuất khẩu hiện nay gần như chỉ được đào tạo ngay chính trong nhà máy của mình chứ không có trường đào tạo ban đầu.

Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), để ngành công nghiệp gỗ đứng vững, các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh trên cơ sở tăng cường đầu tư trang thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đi kèm với điều này phải là một đội ngũ lao động có tay nghề cao, kỹ thuật hiện đại có thể sử dụng được các thiết bị công nghệ mới.

Chính vì vậy, các địa phương cũng như các ngành liên quan cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, tăng cường cơ sở đào tạo thợ có tay nghề, trình độ cao cho ngành chế biến gỗ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp ngành gỗ cũng cần phải quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Theo khuyến cáo của Viforest, các doanh nghiệp chế biến gỗ cần chủ động liên kết với các trường, trung tâm đào tạo, gửi công nhân đi học để bảo đảm nguồn nhân lực có tay nghề ổn định lâu dài. Với trên 420 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này, cần quan tâm đào tạo tiếng Anh để công nhân có thể dễ dàng tiếp thu kiến thức khi làm việc cũng như tiếp thu được kỹ thuật và luật pháp nước ngoài.