08:44 03/07/2009

Xuất khẩu lao động: Tăng cơ hội, giảm chi phí

Việt Hùng - Xuân Nghi

Thị trường lao động ở nhiều nước đang ấm dần với nhu cầu phong phú và mức lương ổn định

Sau thời gian đình trệ vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, một số thị trường lao động nước ngoài đã có dấu hiệu hồi phục. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động  đang nhận được nhiều đơn hàng chất lượng với những cam kết bảo đảm việc làm và thu nhập từ phía đối tác.

Tăng cơ hội

Trung tâm xuất khẩu lao động thuộc Công ty Tracimexco quận Tân Bình, Tp.HCM vừa nhận đơn hàng tuyển dụng 60 tu nghiệp sinh làm việc tại Công ty điện tử Maruai (Nhật Bản). Đây là đơn hàng lớn nhất mà doanh nghiệp này nhận được trong vòng hơn một năm qua. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Thời gian trước, rất nhiều đơn hàng tuyển tu nghiệp sinh đi Nhật Bản bị đình trệ do thiếu việc làm. Lần này, đối tác đã cam kết đảm bảo đầy đủ việc làm và thu nhập tối thiểu 700USD/tháng cho tu nghiệp sinh làm năm đầu. Đó là tín hiệu đáng mừng, cho thấy thị trường lao động tại Nhật Bản đang dần ổn định trở lại”.

Đợt tuyển dụng sẽ tiến hành vào cuối tháng 7 và dự kiến tu nghiệp sinh sẽ xuất cảnh vào tháng 10, tiến độ nhanh hơn hẳn so với các năm trước. Được biết, hiện Tracimexco đang có 200 tu nghiệp sinh làm việc tại Công ty Maruai. Trong thời điểm kinh tế khủng hoảng, toàn bộ số tu nghiệp sinh này vẫn được duy trì việc làm và thu nhập, không trường hợp nào phải về nước trước thời hạn.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác như Suleco, Sovilaco còn nhận được nhiều đơn hàng yêu cầu tuyển dụng tổng số hàng trăm tu nghiệp sinh đưa sang Nhật Bản dự kiến sẽ xuất cảnh vào cuối năm nay.

Tại thị trường Đài Loan, Công ty điện tử Kính Bằng cũng vừa chuyển tới Công ty xuất khẩu lao động Emis quận 3, Tp.HCM, đơn hàng tuyển 80 lao động. Ông Huang Kai Ming, Tổng giám đốc Công ty môi giới lao động quốc tế Forward (Đài Loan), khẳng định: “Với nền kinh tế Đài Loan, thời điểm khó khăn nhất đã qua. Nếu như vài tháng trước, nhiều lao động nước ngoài bị trả về nước vì không có việc làm, thì hiện nay, nhiều cty đã rầm rộ tuyển dụng lao động để chuẩn bị cho kế hoạch sản xuất sau khi nền kinh tế hồi phục. Đó là cơ hội tốt cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Đài Loan”.

Tại thị trường Malaysia, trong khi hoạt động cung ứng lao động nước ngoài cho các nhà máy công nghiệp còn vướng phải một số khó khăn, thì hướng đưa lao động sang làm các ngành dịch vụ lại khá sáng sủa. Ông Lê Việt Hưng, Giám đốc chi nhánh Công ty xuất khẩu lao động Isalco, quận 12, Tp.HCM, cho biết, một đơn hàng yêu cầu tuyển 50 lao động làm việc tại các nhà hàng ở Kuala Lumpur với mức lương tối thiểu 350 USD/tháng đang được triển khai. Đặc biệt, lao động được cam kết đảm bảo điều kiện ăn ở và không phải đóng thuế chính phủ, được hưởng các chế độ như lao động bản địa.

 Điều đáng lưu ý, là chi phí đi xuất khẩu lao động hiện đang trong xu hướng giảm mạnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động. Những người tham gia chương trình tu nghiệp sinh của Công ty Tracimexco sẽ được giảm khoản tiền thế chấp bảo đảm hợp đồng từ 7.000-8.000 USD trước đây xuống còn 5.000 USD. Chi phí đi Nhật Bản tại các công ty khác cũng điều chỉnh giảm từ 10-20%.

Giảm chi phí

Theo ông Lê Văn Đại, Phó giám đốc Công ty Emis, lao động làm việc tại Công ty Kính Bằng nói riêng, các công ty Đài Loan do Emis đưa sang nói chung, ngoài khoản tiền lương cơ bản được đảm bảo (9 triệu VND), còn được đảm bảo thời gian làm thêm giờ để có thu nhập khoảng 10 triệu VND sau khi trừ hết các chi phí. Cũng theo ông Đại, với tốc độ tuyển dụng như hiện nay, nhiều khả năng Công ty Emis sẽ đưa được khoảng 1.000 lao động sang Đài Loan trong 6 tháng cuối năm, nếu nguồn lao động trong nước được chuẩn bị tốt.

Chi phí đi làm việc tại Đài Loan hiện nay cũng được điều chỉnh giảm đáng kể so với trước. Hiện Công ty Emis có nhiều đơn hàng với mức chi phí từ 3.500-5.000 USD, thấp hơn đến 30% so với trước. Riêng đơn hàng làm việc tại Công ty Kính Bằng, tổng chi phí mà người lao động phải đóng trước khi đi là 4. 930 USD. Như vậy, người lao động có thể thu hồi vốn chỉ trong vòng 6 tháng đầu làm việc, nhanh gấp đôi so với trước đây. Đơn hàng đi làm việc tại các nhà hàng ở Malaysia cũng có mức giá thấp “bất ngờ”: 350 USD, tương đương 1 tháng lương cơ bản. Đây là đơn hàng mà người lao động không phải chịu phí môi giới, chủ sử dụng chịu tiền vé máy bay cả lượt đi và về.

Ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh và xã hội) nhận định: “Việc các doanh nghiệp tiếp nhận ngày một nhiều các đơn hàng tuyển dụng lao động có chất lượng, thu nhập khá là tín hiệu tích cực. Cục sẽ tiếp tục theo sát tình hình, chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện tốt các đơn hàng để tạo niềm tin cho người lao động và các đối tác. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy nhằm phục hồi nhanh chóng hoạt động xuất khẩu lao động trên cả nước”.

Mặc dù ở các thị trường Đài Loan, Malaysia có những đơn hàng tốt, chi phí thấp, nhưng tâm lý của nhiều người lao động vẫn muốn đổ xô sang Hàn Quốc, Nhật Bản, trong khi chưa đáp ứng được trình độ tay nghề, văn hóa, ngoại ngữ và cả tài chính. Vì thế, tình hình tuyển dụng lao động cho các thị trường khác vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, muốn thúc đẩy hoạt động xuất khẩu lao động phát triển lành mạnh, cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc chuyển tải thông tin, vận động, giáo dục, đào tạo nghề, tuyển chọn, để người lao động có thể chuẩn bị đầy đủ những yếu tố cần thiết, lựa chọn đúng thị trường, không bỏ lỡ cơ hội, ông Hải nhấn mạnh.