11:47 22/04/2019

Nhà băng “rập rình” mãi kế hoạch lên sàn

Hoàng Nguyên

Kế hoạch lên sàn còn dang dở lại tiếp tục được nhiều nhà băng đưa vào mục tiêu năm 2019, dù vẫn không rõ bao giờ thành

Năm 2018 vừa qua vốn được dự báo là một năm dồn dập lên sàn của các ngân hàng thương mại cổ phần, tuy nhiên chỉ có 3 ngân hàng niêm yết thành công là Techcombank, HDBank và TPBank. Kế hoạch lên sàn còn dang dở lại tiếp tục được nhiều nhà băng đưa vào mục tiêu năm 2019, dù vẫn không rõ bao giờ thành.

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) ngày 27/4 tới sẽ tiếp tục đưa nội dung về niêm yết cổ phiếu lên lấy ý kiến.

Nội dung này không còn mới khi liên tục đưa ra trình đại hội từ năm 2016 nhưng vẫn chưa hoàn tất. Hội đồng quản trị OCB cho biết từ quý 2/2018 trở đi, tình hình huy động vốn và giao dịch cổ phiếu ngành ngân hàng không đươch thuận lợi nên việc niêm yết cổ phiếu OCB vẫn chưa được hoàn tất trong năm vừa qua.

Kế hoạch đưa cổ phần OCB lên giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HOSE) trình cổ đông để tiếp tục được triển khai trong năm 2019.

Năm 2019, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 20% lên 120.000 tỷ, vốn điều lệ tăng lên 9.083 tỷ đồng (tương ứng tăng 38%), huy động vốn tăng 21%, lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 3.200 tỷ, tăng 45%.

Với kế hoạch này, OCB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2.484 tỷ đồng trong năm nay qua hình thức phát hành cổ phiếu trả cổ tức (tỷ lệ 20%) và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư.

Đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank), vấn đề niêm yết cổ phần không được trình rõ ràng tại đại hội, song khâu thủ tục niêm yết vẫn đang còn gặp vướng tại kế hoạch phát hành cổ phiếu chia cổ tức.

Cụ thể, ABBank đã nộp hồ sơ phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ để chia cổ tức cho Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên do có sự thay đổi về nội dung hồ sơ tăng vốn nên ngân hàng phải thực hiện lại hồ sơ, hiện đang chờ văn bản chấp thuận.

Trước đó, Ngân hàng đã lên phương án phát hành gần 39,4 triệu cổ phiếu để chia cổ tức, tương ứng tỷ lệ 7,4%, phần lợi nhuận để lại chưa phân phối dành cho việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức này giá trị hơn 393 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị ABBank cho biết, ngay sau khi hoàn tất việc phát hành cổ phiếu chia cổ tức, ABBank sẽ tiến hành chốt danh sách cổ đông để lưu ký tập trung cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và nộp hồ sơ niêm yết cho HOSE.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Nam Á (SeABank) đã họp và thông qua lộ trình niêm yết của ngân hàng. Trước đó, SeABank cũng lỡ hẹn lên sàn do việc phát hành tăng vốn vào cuối năm 2018, hiện hồ sơ đăng ký, lưu ký chứng khoán của VSD phải sửa đổi, bổ sung thêm.

Nhằm phù hợp với định hướng và chiến lược phát triển của Ngân hàng trong giai đoạn 2018 - 2022 và thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ tại Đề án tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm giai đoạn 2012 và định hướng đến năm 2025, hội đồng quản trị trình đại hội và đã được thông qua kế hoạch đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE thay vì lên UPCoM như hồ sơ năm 2018. Trong thời gian cổ phiếu SeABank chưa niêm yết trên HOSE, hội đồng quản trị có thể xem xét quyết định việc giao dịch trên UPCoM nếu cần thiết.

Cũng đưa ra mục tiêu niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán như Nam Á Bank, Maritimebank, VietBank... hoặc một số ngân hàng đã đăng ký giao dịch trên UPCoM tiếp tục trình kế hoạch lên niêm yết trên sàn chính là HOSE như Liên Việt Post Bank (LPB), VIB... tuy nhiên thời điểm thực hiện vẫn đang được các ngân hàng này bỏ ngỏ.

Không ít ngân hàng thậm chí còn khá im hơi lặng tiếng với vấn đề này như Bảo Việt Bank, PVComBank, Viet Capital Bank,...

Hiện mới chỉ có 17 cổ phiếu ngân hàng đang được niêm yết và đăng ký giao dịch trên UPCoM trong tổng số hơn 30 ngân hàng thương mại cổ phần. Theo đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025", đến hết năm 2020, các ngân hàng thương mại cổ phần phải thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu trên thị trường chính thức (sàn UPCoM).