08:11 06/08/2019

Nhà đầu tư bán tháo, giá dầu sụt mạnh

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang mạnh.

Hoạt động bán tháo đã diễn ra trên khắp thị trường tài chính đối với hầu hết các tài sản có độ rủi ro cao hơn như cổ phiếu và dầu lửa sau khi tỷ giá Nhân dân tệ giảm mạnh - một diễn biến được cho là sự trả đũa của Bắc Kinh đối với việc Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế quan lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London sụt 2,08 USD/thùng, tương đương giảm 3,4%, còn 59,81 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau giảm 0,97 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 54,69 USD/thùng.

Theo giới phân tích, giá dầu WTI phiên này đã được hỗ trợ nhờ lượng dầu tồn kho giảm ở cảng dầu Cushing, bang Oklahoma của Mỹ, trung tâm lưu kho và giao hàng loại dầu này. Nếu không có sự hỗ trợ này, giá dầu WTI có thể đã giảm sâu hơn.

Dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Genscape cho thấy lượng dầu tồn kho ở Cushing giảm gần 2,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 2/8.

Vào hôm thứ Năm tuần trước, cả dầu Brent và dầu WTI cùng sụt giá hơn 7%, xuống mức thấp nhất trong 7 tuần, sau khi ông Trump đưa ra kế hoạch từ ngày 1/9 sẽ áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng Trung Quốc còn lại mà ông chưa áp thuế.

Sau đó, giá dầu phục hồi một phần trong phiên ngày thứ Sáu. Tính cả tuần trước, giá dầu Brent giảm 2,5% và giá dầu WTI giảm khoảng 1%.

Song song với việc bán tháo cổ phiếu, dầu và các tài sản rủi ro khác, nhà đầu tư trên toàn cầu đang mua mạnh những tài sản được xem là "vịnh tránh bão" như Yên Nhật, Franc Thụy Sỹ, trái phiếu chính phủ và vàng.

"Những diễn biến mới nhất của chiến tranh thương mại sẽ dẫn tới việc cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm nay và có thể cả năm tới. Có vẻ như châu Á sẽ là khu vực chứng kiến tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu suy yếu nhiều hơn cả", nhà phân tích Jim Ritterbusch thuộc Ritterbusch and Associates nhận định trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

Những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc tăng xuất khẩu dầu cũng là một nhân tố gây áp lực giảm lên giá dầu trong phiên đầu tuần. Theo Cục Thống kê Mỹ, lượng dầu xuất khẩu của nước này tăng thêm 260.000 thùng/ngày trong tháng 6, đạt mức kỷ lục tháng 3,16 triệu thùng/ngày.

Tuy nhiên, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ phần nào bởi tình hình căng thẳng ở Trung Đông - khu vực giữ vai trò "giếng dầu" của thế giới. Trong diễn biến mới nhất, Iran đã bắt giữ một tàu chở dầu của Iraq, một lần nữa làm dấy lên mối lo về sự gián đoạn nguồn cung ở khu vực này.

Phát biểu ngày 5/8, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif tuyên bố nước này sẽ không bỏ qua cho những "vi phạm hàng hải" trên eo biển Hormuz.

Trong khi đó, Anh tuyên bố gia nhập cùng Mỹ thực hiện một sứ mệnh an ninh hàng hải ở Vùng Vịnh để bảo vệ tàu bè di chuyển qua Hormuz - khu vực mà Iran mới đây bắt giữ một tàu chở dầu của Anh.