17:04 16/05/2019

Nhật Bản tài trợ, Hà Nội bắt đầu làm sạch sông Tô Lịch

Nguyên Hà

Các chuyên gia phía Nhật Bản cho biết, với máy sục khí công nghệ bio-nano, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ giảm đáng kể

Trước mắt, các chuyên gia sẽ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật.
Trước mắt, các chuyên gia sẽ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật.

Sáng 16/5, các chuyên gia Nhật Bản và thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai phương án thí điểm xử lý ô nhiễm, làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Bioreactor.

Đây là dự án do đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp với Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt thực hiện bằng nguồn tài trợ của Nhật Bản. Trước mắt, các chuyên gia sẽ thí điểm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng Công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật.

Theo đó, việc xử lý ô nhiễm sẽ sử dụng hệ thống máy sục khi Nano là hệ thống sử dụng công nghệ bộ lọc được thiết kế đặc biệt để lấy không khí trực tiếp từ môi trường rồi khuếch tán vào trong môi trường nước dưới dạng các bọt khí kích thước micro/nano.

Sự khuếch tán của các bọt khí micro/nano trong nước làm tăng hàm lượng oxi hòa tan trong khu vực nước xử lý, bao gồm cả vùng nước ngầm. Kết quả là các vi sinh vật hiếu khí sẽ được kích hoạt và các quá trình chuyển hóa tự nhiên sẽ được nuôi dưỡng, chuỗi dinh dưỡng cuối được cải thiện. Việc lấy lại chuỗi dinh dưỡng sẽ cải thiện chất lượng nước của ao hồ, sông biển trong thời gian ngắn.

Các chuyên gia phía Nhật Bản cho biết, với máy sục khí công nghệ bio-nano, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm ở sông Tô Lịch sẽ giảm đáng kể.

Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14 km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Sông Tô Lịch cùng với sông Kim Ngưu, sông Lừ và sông Sét đã tạo nên hệ thống tiêu thoát nước chính của Thủ đô.

Tuy nhiên, hàng chục năm qua, nước sông đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do mỗi ngày có khoảng 150.000 m³ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp chưa qua xử lý xả trực tiếp xuống hệ thống sông này.