12:26 15/02/2018

Những "nhà máy không đèn"

Phan Anh

Cách mạng công nghiệp 4.0 với tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo (AI) ứng dụng trong sản xuất là một xu hướng tất yếu trên toàn cầu

Nếu doanh nghiệp không có sự quan tâm đầu tư tự động hóa, không có sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế thì không thể theo kịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 .
Nếu doanh nghiệp không có sự quan tâm đầu tư tự động hóa, không có sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế thì không thể theo kịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 .

Cho dù không muốn, cách mạng công nghiệp 4.0 vẫn len lỏi vào nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp phải theo. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp quyết liệt, đột phá. Nếu không, khi chúng ta chưa kịp cảm nhận được cuộc cách mạng này đã có thể bị bỏ lại phía sau, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam nêu quan điểm.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu. Vậy theo ông, đâu là thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt? Để giải quyết thách thức này, Việt Nam cần làm gì?

Theo tôi, cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại nhiều cơ hội lớn. Việt Nam là nước mới phát triển ở trình độ trung bình thấp, nhiều ngành công nghiệp còn đang ở thời kỳ 2.0 hoặc 3.0. 

Nếu bắt kịp nhịp sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa, tiếp cận với các công nghệ cao và đuổi kịp xu hướng phát triển thế giới, góp phần nâng cao trình độ sản xuất. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tận dụng được ưu thế của mình.

Tuy nhiên, thách thức của cuộc cách mạng này cũng rất lớn, đòi hỏi hạ tầng cho AI và robot phải hoàn chỉnh. Cùng với đó, nguồn nhân lực phải được đào tạo ở trình độ nhất định. 

Do Việt Nam đi sau thế giới về trình độ phát triển khoa học công nghệ và công nghiệp nên sự đáp ứng của nguồn nhân lực, đầu tư, hạ tầng còn hạn chế.

Thách thức này đặt ra bài toán cho cơ quan quản lý phải có giải pháp đồng bộ giữa đầu tư phát triển nguồn nhân lực trình độ cao với đầu tư phát triển hạ tầng tương xứng. 

Đặc biệt, Việt Nam phải chú trọng phát triển hài hòa, đồng bộ nền kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp còn đang ở tình trạng lạc hậu và manh mún. 

Nếu quá chú trọng vào mảng công nghiệp công nghệ cao, AI... có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới những ngành đang giữ trọng số lớn của nền kinh tế như nông nghiệp.

Bên cạnh đó, những ngành sản xuất còn mang tính thủ công và dịch vụ của Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0. 

Thực tế nguồn nhân lực các lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp... vẫn ở trình độ thấp, chưa được đào tạo để thích ứng với công nghiệp 4.0. 

Vì vậy việc đưa các giải pháp công nghệ 4.0 vào nền kinh tế Việt Nam phải cân nhắc trên nhiều khía cạnh để phát triển hài hòa, để "không ai bị bỏ lại phía sau".

Tôi cho rằng, trước mắt, Nhà nước phải đầu tư cho hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực. Chỉ khi nào đạt đến mức độ nhất định thì mới có thể ứng dụng rộng rãi các công nghệ, sản phẩm của công nghiệp 4.0.

Hiện nay, trong dây chuyền sản xuất của nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng robot, tự động hóa, thậm chí đã có những "nhà máy không ánh đèn". Quan điểm của ông về những xu hướng này?

Cách mạng công nghiệp 4.0  đưa tự động hóa, trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng là một xu hướng tất yếu. Cho dù không muốn nó vẫn len lỏi vào nền kinh tế, buộc các doanh nghiệp phải đi theo. 

Muốn có nền kinh tế tạo ra năng suất lao động cao, có giá trị gia tăng lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh thì bắt buộc phải đưa tự động hóa, robot, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất kinh doanh.

Hiện nay nhiều người đã nói đến những "nhà máy không ánh đèn" bởi toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất tự động hóa cao với sự tham gia của robot thay thế con người, góp phần tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm tốt nhất, có độ chính xác cao, giá trị gia tăng sản phẩm lớn.

Nếu điều này xảy ra ở Việt Nam có ảnh hưởng đến lực lượng lao động không? Nếu có, chúng ta phải giải quyết thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng nếu điều này xảy ra ở Việt Nam, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lực lượng lao động. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải hài hòa mối quan hệ khi đưa dây chuyền tự động hóa, robot vào thay thế con người thì phải giải quyết được việc làm cho lao động dôi dư. 

Hiện nay, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo và có chứng chỉ ở Việt Nam còn thấp, nhất là lao động phổ thông, lao động nông nghiệp.

Ngay cả trong lĩnh vực công nghiệp, mặc dù số lượng lao động chưa quá đông nhưng nếu đưa robot và dây chuyền tự động vào thì đối tượng này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, nhiều người sẽ thất nghiệp; đặc biệt là những ngành công nghiệp còn nặng về lao động giản đơn như: dệt may, da giầy hoặc một số ngành thủ công nghiệp. 

Đây sẽ là bài toán khó khi ứng dụng tự động hóa, robot vào sản xuất kinh doanh ở Việt Nam.

Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã đề cập đến vấn đề này. Việt Nam đang chuyển dần lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng nhiều lao động sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. 

Ngay cả lao động trong lĩnh vực công nghiệp sử dụng chủ yếu lao động giản đơn cũng phải dần chuyển sang khu vực dịch vụ.

Tôi cho rằng, để chuyển được thì việc đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động và tạo ra thị trường sử dụng lao động là vấn đề lớn mà Việt Nam phải rất nỗ lực, khẩn trương thực hiện trong mấy năm tới. 

Khi có nguồn nhân lực tốt, Nhà nước phải đầu tư hệ thống hạ tầng cho nền công nghiệp 4.0. Sau khi có nguồn nhân lực và hạ tầng, tôi tin các công nghệ cao và AI có thể phát triển ở Việt Nam, phát huy tác dụng với các ngành công nghiệp và cả nền kinh tế.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng ứng dụng tự động hóa ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay? Liệu chúng ta có theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp này không?

Trong các doanh nghiệp FDI thì mức độ tự động hóa tương đối cao. Việt Nam đã có một số doanh nghiệp đầu tư dây chuyền có mức tự động hóa tương đối tốt, kể cả doanh nghiệp tư nhân như Công ty sữa TH True Milk, Công ty gốm sứ Minh Long 1, Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, Công ty cơ khí Bùi Văn Ngọ (Long An)... 

Tuy nhiên, qua khảo sát, trên 90% dây chuyền sản xuất của Việt Nam vẫn là các hệ thống chưa tự động hóa. Xét tổng thể, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn rất thấp, hầu hết vẫn là công nghệ cũ của giai đoạn 2.0 và đầu 3.0, có ứng dụng công nghệ thông tin và điều khiển, cơ khí, tự động hóa một số công đoạn nhưng ở trình độ đơn giản. 

Một số doanh nghiệp đã quan tâm và tự đầu tư nhưng cũng chỉ tự động hóa một vài khâu trong dây chuyền sản xuất. 

Do đó, nếu doanh nghiệp không có sự quan tâm đầu tư tự động hóa, không có sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế thì không thể theo kịp được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 . 

Khi nhân lực và trình độ công nghệ còn hạn chế, tư duy chưa theo kịp thì nền sản xuất cũng khó theo kịp nếu Việt Nam không có giải pháp đột phá, nhất là khi một số doanh nghiệp vẫn còn tư duy "tận dụng" nhiều lao động giá rẻ để giảm giá thành và tiết kiệm vốn đầu tư.

Trong cuộc cách mạng 4.0, tự động hóa, robot hóa nếu lợi thế nhân lực lao động giá rẻ không còn thì đâu là lợi thế lớn nhất của Việt Nam, thưa ông?

Theo tôi, lợi thế lớn nhất của Việt Nam chính là trí tuệ và tư duy mà nhiều người đánh giá là không thua kém các dân tộc khác. Nhiều sản phẩm trí tuệ Việt Nam đã đi ra thế giới. Trên 90% doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ thông tin và AI. 

Tuy nhiên, bất lợi lớn nhất của chúng ta chính là hạ tầng còn nghèo nàn và nhận thức về cuộc cách mạng này còn thấp, chưa thấy hết mức độ cạnh tranh dữ dội trong hội nhập quốc tế. 

Sản phẩm của doanh nghiệp không thể cạnh tranh với thế giới nếu chất lượng kém, không đồng bộ, giá thành không hợp lý. Tôi cho rằng, việc thay đổi nhận thức của hệ thống quản lý phải đi trước một bước, sau đó tới những người trực tiếp sản xuất kinh doanh.

Ông có nhìn nhận thế nào về viễn cảnh bức tranh sự thay đổi các ngành sản xuất Việt Nam trong những năm tới khi ứng dụng tự động hóa, robot, về những "nhà máy không ánh đèn"?

Đây là xu hướng mà Việt Nam không thể cưỡng lại. Vấn đề chúng ta có quyết liệt làm và thúc đẩy phát triển sớm hay không thôi.

Tôi nghĩ, một trong những động lực quan trọng để Việt Nam phải làm đó là hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại Tự do VN-EU (EVFTA), các sản phẩm của chúng ta phải cạnh tranh bình đẳng với các nước. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đưa tự động hóa và robot vào sản xuất.

Tôi hình dung trong 5-10 năm tới, các Tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam và một số doanh nghiệp quy mô vừa, có tiềm lực sẽ có trình độ tự động hóa tương đối cao, ngang ngửa doanh nghiệp FDI hiện nay. 

Còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ trở thành công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vệ tinh cho các doanh nghiệp lớn. 

Các doanh nghiệp này sẽ có hệ thống tự động ở quy mô nhỏ nhưng trình độ phải tương đối cao để sản xuất các linh kiện, phụ tùng, sản phẩm trung gian cho các doanh nghiệp lớn. Có như vậy, Việt Nam mới đặt chân vào được cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 . Nếu không có giải pháp quyết liệt thì chúng ta chưa thể cảm nhận được cuộc cách mạng này trong 5-10 năm tới.

Hội Tự động hóa Việt Nam sẽ làm gì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 , thúc đẩy ứng dụng robot, tự động hóa trong sản xuất, thưa ông?

Hội xác định phải là đơn vị nòng cốt trong Liên hiệp các Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, hướng tới các mục tiêu của cuộc cách mạng 4.0. 

Hội đã tham gia tuyên truyền các nội dung của cuộc cách mạng 4.0 với các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu; tăng cường hợp tác, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong ứng dụng công nghệ tự đông hóa, robot vào sản xuất; ký hợp tác với một số đơn vị như Hiệp hội robot Hàn Quốc, Nhật Bản, các Viện Nghiên cứu của Ukraine, Israel, Trung Quốc... 

goài ra, hội hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên tham gia các chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ tự động hóa. Hội cũng yêu cầu các doanh nghiệp thành viên phải thành lập bộ phận nghiên cứu phát triển, đưa tự động hóa vào sản xuất và quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh...