11:43 03/01/2019

Ông Tập Cận Bình: Đài Loan và Trung Quốc đại lục “phải và sẽ được thống nhất”

An Huy

Chủ tịch Trung Quốc nói Trung Quốc đại lục "không cam kết không sử dụng vũ lực” trong vấn đề Đài Loan

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty/Bloomberg.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Getty/Bloomberg.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 2/1 nói rằng Trung Quốc đại lục và vùng lãnh thổ Đài Loan cần phải có "sự tham vấn dân chủ có chiều sâu" và tiến tới thống nhất.

"Trung Quốc phải và sẽ được thống nhất. Đây là đòi hỏi tất yếu đối với sự đổi mới lịch sử của dân tộc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới", hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Tập Cận Bình phát triển tại Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 40 năm cải thiện quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan sau khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình cũng lên tiếng cảnh báo những người ủng hộ Đài Loan độc lập, trong đó có những người ủng hộ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.

"Sự thật hợp pháp là cả hai bờ eo biển (Đài Loan) đều thuộc về một Trung Quốc, và sự thật đó không thể được thay đổi bởi bất kỳ cá nhân hay lực lượng nào", ông Tập nhấn mạnh. 

Ông cũng nói rằng "người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc", nhưng Trung Quốc đại lục "không cam kết không sử dụng vũ lực".

Bài phát biểu gắn kết chặt chẽ vấn đề Đài Loan với lời hứa của ông Tập Cận Bình về đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050. 

Tuy không đưa ra một thời hạn cụ thể nào, bài phát biểu này của ông Tập là một bước tiến xa hơn tuyên bố mà ông đưa ra hồi năm 2013 rằng thế bế tắc chính trị giữa Trung Quốc đại lục và Đài Loan "không thể được chuyển mãi từ đời này sang đời khác".

Từ khi lên cầm quyền cách đây 6 năm, ông Tập đã sử dụng song song cả biện pháp khuyến khích và sức ép nhằm đưa Đài Loan thống nhất với Trung Quốc. 

Năm 2015, ông đã có một cuộc gặp chưa từng có tiền lệ với nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó là ông Mã Anh Cửu. 

Sau khi bà Thái Anh Văn - thủ lĩnh Đảng Dân chủ tiến bộ, một chính đảng muốn Đài Loan độc lập - được bầu làm nhà lãnh đạo mới của vùng lãnh thổ này vào năm 2016, Bắc Kinh đã gia tăng áp lực.

Bài phát biểu ngày 2/1 của ông Tập gợi ý rằng mô hình "một quốc gia, hai chế độ" áp dụng đối với Hồng Kông hiện nay cũng có thể được áp dụng đối với Đài Loan. 

"Sự khác biệt về hệ thống không phải là một trở ngại đối với thống nhất, và cũng không phải là một cái cớ cho sự chia cắt", ông nói, đồng thời đề xuất "các chính đảng và người dân hai bờ eo biển bầu đại diện" để đàm phán về mối quan hệ tương lai.

Phản ứng sau bài phát biểu trên của ông Tập Cận Bình, bà Thái Anh Văn nói rằng Đài Loan và Trung Quốc đại lục cần có sự trao đổi có trật tự, và người dân Đài Loan phản đối mô hình "một quốc gia, hai chế độ".

"Chúng tôi sẵn sàng ngồi xuống và nói chuyện, nhưng với tư cách là một đất nước dân chủ, tất cả mọi cuộc đàm phán chính trị liên quan đến quan hệ giữa hai bờ eo biển cần phải được thực hiện dựa trên sự cho phép và giám sát của nhân dân Đài Loan và phải được thực thi theo mô hình giữa chính phủ với chính phủ", bà Thái nói. "Dựa trên những nguyên tắc này, không một cá nhân hay nhóm nào có quyền đại diện cho nhân dân Đài Loan trong đàm phán chính trị".

Chỉ số Taiex của thị trường chứng khoán Đài Loan có lúc giảm 1,9% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, trong bối cảnh bán tháo trên toàn thị trường châu Á do dữ liệu ngành sản xuất của Trung Quốc đại lục và Đài Loan gây thất vọng, cộng thêm mối lo tiếp diễn về chiến tranh thương mại.

"Lúc đầu, thị trường không mấy để ý đến sự kiện ở Bắc Kinh, nhưng chúng tôi cho rằng thông điệp của ông Tập đã mạnh hơn dự kiến", một báo cáo của Citibank nhận định. "Mối quan hệ giữa hai bờ eo biển có thể trở thành một nguồn gây biến động thị trường trong năm nay".

Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình được đưa ra một ngày sau khi bà Thái Anh Văn - người phản đối chính sách "một Trung Quốc" - nhân bài phát biểu năm mới bác bỏ những lời cảnh báo từ Bắc Kinh. 

Động thái này là một tín hiệu cho thấy bà Thái sẽ tiếp tục giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc đại lục, cho dù đảng của bà bị thua trong cuộc bầu cử gần đây trước Quốc dân đảng - một đảng có chính sách thân thiện với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một số chuyên gia không cho rằng bài phát biểu của ông Tập là điều đáng ngại.

"Tôi không xem bài phát biểu là một tín hiệu tiêu cực", chuyên gia David Lu thuộc Taishin International Bank ở Đài Bắc phát biểu. "Bà Thái Anh Văn có lập trường cứng rắn, trong khi ông Tập Cận Bình khá mềm mỏng. Chẳng hạn, ông ấy nói người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc và hai bên cần xây dựng một cơ chế trao đổi kinh tế".