10:42 24/06/2021

Ông Trần Văn Dũng: Xử lý nghẽn lệnh cho HOSE là tình huống khẩn cấp quốc gia

An Nhiên - Đào Hưng

Nỗ lực cải tiến kỹ thuật cho HOSE nhằm nâng năng lực xử lý lệnh, thanh khoản lên cao....đây là tình huống khẩn cấp quốc gia...

Ông  Trần Văn  Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước.
Ông  Trần Văn  Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước.

Phát biểu tại toạ đàm “Nghẽn lệnh HOSE: Thực trạng và Giải pháp” sáng  nay 24/6, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước nhấn mạnh: "Cải tiến kỹ thuật thuật HOSE nhằm nâng được năng lực xử lý lệnh, tăng  thanh khoản thị  trường  lên cao là tình huống khẩn cấp quốc gia".

KHÔNG CÓ TRỤC LỢI KHI HUỶ SỬA LỆNH

Mở  đầu toạ đàm, ông Lê Hải Trà – Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, thực trạng của HOSE liên quan đến tham số cơ bản là số lượng lệnh, từ khoá là “số lượng lệnh”. Số  lượng lệnh hệ thống có thể xử lý trong một ngày giao dịch tối đa 900.000 lệnh/ngày trong thời gian qua.

"Vì sao xảy ra tình trạng nghẽn lệnh? Chúng ta nói về số lượng nhà đầu tư tăng trưởng, dòng tiền đổ vào nhiều…", theo ông Trà, những câu chuyện đó nói lên một thực tế rằng số lượng lệnh tham gia giao dịch thị trường vượt quá 900.000 lệnh, vì vậy, xảy ra tình trạng nghẽn lệnh. "Điều này giống như con đường của chúng ta thiết kế sử dụng 900 nghìn xe tham gia giao thông nhưng lượng xe vượt quá nên tắc nghẽn như thời gian qua", Tổng giám đốc HOSE giải thích.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của hoạt động giao dịch này so với giao thông là mỗi lệnh giao dịch không giống xe mà khác nhau ở tham số lệnh giao dịch. Anh đặt mua 100 cổ phiếu là 1 lệnh, 10.000 cổ phiếu cũng là 1 lệnh giao dịch, mỗi lệnh huỷ/sửa cũng là một lệnh giao dịch và được tính vào con số 900.000 lệnh. Cùng một số lượng lệnh được khớp nhưng giá trị giao dịch hoàn toàn khác. Điều này lý giải tại sao các phiên giao dịch xảy ra nghẽn  lệnh tại nhiều ngưỡng khác nhau về  giá trị giao  dịch.

Về tình trạng sửa, huỷ lệnh thời gian vừa qua, tất cả đều là nỗ lực của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, công ty chứng khoán... nhằm xử lý số lượng lệnh tham gia hệ thống giao dịch gây nghẽn. Ví dụ, nâng lô giao dịch từ 10 lên 100 cổ phiếu, với dữ liệu HOSE có được thì giảm được 15-18% số lệnh, nhiều lệnh được khớp hơn, giá trị giao dịch tăng lên nhưng những giải pháp này không được bao lâu vì tài khoản mới nhà đầu tư vẫn được dự báo gia tăng.

 
Đặt mua 100 cổ phiếu là 1 lệnh, 10.000 cổ phiếu cũng là 1 lệnh, mỗi lần huỷ/sửa cũng là một lệnh giao dịch. Cùng một số lượng lệnh được khớp nhưng giá trị giao dịch hoàn toàn khác. Điều này lý giải tại sao các phiên giao dịch xảy ra nghẽn  lệnh tại nhiều ngưỡng khác nhau về  giá trị giao  dịch.

HOSE cũng đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước nếu nâng lô lên 1.000 thì giảm lượng lệnh 50% nữa hay hạn chế sửa huỷ lệnh. Sửa huỷ lệnh chiếm tỷ lệ một phần ba lệnh trong một ngày giao dịch, tức là 900.000 lệnh giao dịch thì 300.000 lệnh chỉ để sửa hoặc huỷ lệnh đặt trước đó. Số lượng lệnh thực tế được khớp chỉ 600.000 lệnh. Có những cái kiểm soát liên quan đến sửa huỷ lệnh thì số lượng lệnh được khớp tăng lên.

Sau sự kiện ngày 1/6 các công ty chứng khoán kiểm soát sửa huỷ lệnh thì lượng lệnh thực tế được khớp có thêm 200.000 lệnh, giá trị những phiên này tăng thêm đạt 30.000 tỷ đồng  vì có thêm lệnh được khớp.

Liên quan đến câu hỏi của nhiều nhà đầu tư có hay không việc trục lợi khi  các công ty chứng khoán hạn chế huỷ, sửa  lệnh, dưới góc nhìn chuyên gia công nghệ, ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch Công ty CP Hệ thống thông tin FPT (FPT IS) cho rằng khi ứng dụng được đưa vào vận hành như HOSE được kiểm tra cẩn thận, liên quan đến bảo mật, hệ thống được thiết kế để phần cứng này hỏng sang phần khác chạy... không có trục lợi khi giao dịch nghẽn.

Toạ đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh HOSE: Thực trạng và Giải pháp” diễn ra sáng  nay 24/6
Toạ đàm trực tuyến "Nghẽn lệnh HOSE: Thực trạng và Giải pháp” diễn ra sáng  nay 24/6

"SỬA NGHẼN HOSE LÀ TÌNH HUỐNG KHẨN CẤP QUỐC GIA"

Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước nhấn mạnh, nỗ lực cải tiến kỹ thuật thuật HOSE nhằm  nâng được năng lực xử lý lệnh, thanh khoản lên cao là tình huống khẩn cấp quốc gia.

"Nghẽn lệnh xảy ra từ ngày  21/12/2020, lãnh đạo Bộ Tài Chính từ đó đến nay đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE, để xử lý nhanh nhất hiệu quả nhất. Từ Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng (trước  đây), và bây  giờ là Bộ trưởng  Hồ Đức Phớc, từ tháng 4 đã coi sự cố nghẽn lệnh và quán triệt với chúng tôi đó  là trường hợp khẩn cấp quốc gia cần phải tập trung mọi nguồn lực, nỗ lực để xử lý", Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước cho biết.

Bộ Tài chính chỉ đạo tất cả đơn vị liên quan vào cuộc, HOSE, Uỷ ban Chứng khoán nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng… tạo điều kiện hết sức nguồn lực, công nghệ. Bộ Tài chính cũng nhận thức trường hợp này là khẩn cấp quốc gia, lập ban chỉ đạo do Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải làm trưởng ban, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nhà nước làm Phó Trưởng ban, các đơn vị liên quan Bộ Tài chính đều tham gia. 

Một trong những phương án rất gần với phường án FPT triển khai. Nâng lô hay Uỷ ban Chứng khoán nhà nước kêu gọi công ty chứng khoán huỷ sửa lệnh nhưng kết quả không được nhiều.

"Đối với phần mềm KRX khi ký xong với Hàn Quốc thì một cấu phần quan trọng là công ty bù trừ lại huỷ bỏ không theo nữa. Rồi khi xong hệ thống phần cứng, phần mềm thì Covid-19 lại diễn ra. Chúng tôi cũng đồng cảm với bên Hàn Quốc. Tuy nhiên, từ ngày 14/6 đã tiến hành thử nghiệm hệ thống, dự kiến đến cuối năm sẽ đưa hệ thống vào hoạt động chính thức", ông Trần  Văn Dũng  nhấn  mạnh.

Dự án KRX: Vì sao quá chậm?

Ông Lê Hải Trà: “Chiều nay sẽ họp để công bố thời điểm triển khai hệ thống FPT”

Ông Nguyễn Duy Hưng: "Nghẽn lệnh HOSE, chúng ta nợ nhà đầu tư một lời xin lỗi"