Ông Trump dọa đánh thuế Harley-Davidson cao “chưa từng thấy”

Thăng Điệp
Ông Trump cảnh báo Harley-Davidson sẽ “bị đánh thuế cao chưa từng thấy” nếu hãng chuyển sản xuất ra nước ngoài
Xe mô tô phân khối lớn của Harley-Davidson vốn được xem là một biểu tượng của văn hóa Mỹ.
Xe mô tô phân khối lớn của Harley-Davidson vốn được xem là một biểu tượng của văn hóa Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 26/6 cảnh báo Harley-Davidson sẽ "bị đánh thuế cao chưa từng thấy" nếu hãng chuyển sản xuất ra nước ngoài. Ông Trump cho rằng Harley-Davidson lấy căng thẳng thương mại làm cái cớ cho việc dịch chuyển sản xuất đã được lên kế hoạch từ trước.

"Xe Harley-Davidson không bao giờ nên được sản xuất ở một quốc gia khác, không bao giờ! Công nhân và khách hàng của họ đã rất bực với họ. Nếu họ chuyển sản xuất, thì đó sẽ là sự khởi đầu của kết thúc… Họ sẽ bị đánh thuế cao chưa từng thấy", hãng tin CNBC dẫn một dòng trạng thái (tweet) của ông Trump trên mạng xã hội Twitter.

Xe mô tô phân khối lớn của Harley-Davidson vốn được xem là một biểu tượng của văn hóa Mỹ.

Hôm thứ Hai tuần này, Harley-Davidson tuyên bố sẽ dời hoạt động sản xuất xe để xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ Mỹ sang một số quốc gia khác. Mục đích của việc chuyển sản xuất này là tránh tác động của hàng rào thuế quan mà Liên minh châu Âu (EU) dựng lên đối với xe mô tô có nguồn gốc từ Mỹ.

Việc đánh thuế cao xe mô tô xuất khẩu từ Mỹ nằm trong chương trình đánh thuế hàng Mỹ mà EU triển khai để trả đũa hàng rào thuế thép và nhôm của ông Trump.

"Đầu năm nay, Harley-Davidson nói rằng họ sẽ chuyển phần lớn hoạt động của nhà máy ở thành phố Kansas tới Thái Lan", ông Trump viết trong một dòng tweet khác. "Điều đó diễn ra từ lâu trước khi thuế quan được công bố. Bởi vậy, họ chỉ dùng thuế quan/chiến tranh thương mại như một cái cớ".

Ngoài nhà máy ở Thái Lan, Harley-Davidson hiện còn có nhà máy sản xuất ở Brazil, Ấn Độ và Australia.

Tháng 5/2017, Harley-Davidson tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy ở Thái Lan để tiếp cận tốt hơn với thị trường Đông Nam Á. Hồi tháng 4 năm nay, Giám đốc điều hành (CEO) Matt Levatich của Harley-Davidson nói với hãng tin Bloomberg rằng quyết định xây nhà máy ở Thái Lan được đưa ra sau khi ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Sản xuất ở Thái Lan giúp Harley-Davidson tránh được thuế quan lên tới 60% đối với xe mô tô nhập khẩu vào nước này, đồng thời được hưởng mức thuế thấp khi xuất khẩu sang các nước láng giềng trong khu vực. Tháng 1/2018, Harley-Davidson tuyên bố đến năm 2017 sẽ tăng hoạt động ở nước ngoài thêm 50%.

Hiện nay, Harley-Davidson đang tiến hành đóng cửa nhà máy ở thành phố Kansas và chuyển phần hoạt động còn lại của nhà máy này tới York, Pennsylvania. Giới công đoàn Kansas nói một phần việc làm của nhà máy tại đây đã bị chuyển sang Thái Lan, trong khi Harley-Davidson phủ nhận.

Cổ phiếu Harley-Davidson đóng cửa với mức giảm 0,6% trong phiên ngày thứ Ba, sau khi giảm gần 6% hôm thứ Hai.

Cổ phiếu hãng mô tô này đã giảm hơn 25% trong 12 tháng qua. Năm ngoái, doanh số của hãng giảm cả ở thị trường Mỹ và nước ngoài, với mức giảm tương ứng 8,5% và 3,9%.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới đã tăng mạnh trong những tháng gần đây. Tuyên bố của Harley-Davidson về chuyển một phần hoạt động sản xuất khỏi Mỹ là tuyên bố đầu tiên của một công ty lớn cho thấy ảnh hưởng tiêu cực của xung đột thương mại gia tăng.

Theo các chuyên gia, ông Trump dùng thuế quan như một công cụ để bảo vệ việc làm cho người Mỹ, nhưng động thái của Harley-Davidson cho thấy cách làm này có thể phản tác dụng.

"Harley-Davidson phải biết rằng họ sẽ không thể xuất khẩu xe từ nước khác vào Mỹ mà không phải trả thuế cao", ông Trump viết trong một dòng tweet khác vào ngày thứ Ba.

Tin mới

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Xe điện "chất đống" ở các cảng Châu Âu: Điều gì đang xảy ra với các hãng xe Trung Quốc?

Các nhà sản xuất Trung Quốc đang gửi nhiều xe điện đến châu Âu hơn mức họ có thể bán, dẫn đến hàng nghìn chiếc trong số đó phải “tạm trú” ở các bến cảng. Tình trạng này khiến các nhà khai thác cảng không hài lòng vì tình trạng dư thừa ô tô của Trung Quốc đang cản trở các hoạt động khác của cảng. Một số người nói rằng chúng không còn là cảng nữa mà là bãi đậu xe cho xe điện Trung Quốc mới đến.
Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Những xu hướng của pin xe điện trong tương lai

Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu đang trải qua quá trình chuyển đổi cơ bản từ động cơ đốt trong sang hệ truyền động điện khí hóa. Quá trình này hiện đang trải qua một số khó khăn ngày càng tăng, nhưng sự phát triển của công nghệ pin xe điện (EV) thế hệ tiếp theo vẫn tiếp tục tiến triển không suy giảm.
Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thời điểm phù hợp để áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ ô tô

Thị trường ô tô Việt Nam được xác định đã “tạo đáy” trong ngắn hạn. Một số chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm phù hợp cân nhắc áp dụng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và gia tăng sản lượng. Trong đó, giảm lệ phí trước bạ luôn là chính sách được nhà sản xuất, đại lý phân phối và người tiêu dùng mong đợi.
Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Sắp hết ưu đãi 100% lệ phí trước bạ, cơ hội nào cho xe điện tại Việt Nam?

Thị trường ô tô điện tại Việt Nam có thể gặp thách thức vào năm 2025, khi ưu đãi về lệ phí trước bạ giảm xuống một nửa. Khoảng thời gian còn lại chỉ vừa đủ để các nhà sản xuất ô tô ra mắt những mẫu xe mới, phát triển hệ thống đại lý phân phối và gia tăng nhận diện thương hiệu tới người tiêu dùng.