10:25 18/06/2018

Ông Trump: Mỹ “được quá nhiều” từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử

An Huy

Tổng thống Mỹ Donald Trump bác bỏ sự chỉ trích cho rằng ông nhượng bộ quá nhiều trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời câu hỏi cuối cùng tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore hôm 12/6 - Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời câu hỏi cuối cùng tại cuộc họp báo sau thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore hôm 12/6 - Ảnh: Getty.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/6 bác bỏ sự chỉ trích cho rằng ông nhượng bộ Triều Tiên quá nhiều trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tuần trước. Ông Trump nói Mỹ "dược quá nhiều" từ cuộc gặp này, bao gồm việc Triều Tiên phóng thích công dân Mỹ - Bloomberg đưa tin.

Ông Trump cũng bảo vệ quyết định của ông về dừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn ở khu vực bán đảo Triều Tiên, nói rằng các cuộc tập trận đó có thể được khởi động trở lại nếu Washington và Bình Nhưỡng không thể đạt thỏa thuận.

"Tạm dừng các cuộc tập trận chung trong thời gian đàm phán là đề nghị của tôi, vì các cuộc tập trận đó rất tốn kém và tạo ra một bối cảnh xấu cho một cuộc đàm phán thiện chí", ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter. "Ngoài ra, các cuộc tập trận đó cũng có tính chất gây hấn. Tập trận có thể được nối lại ngay lập tức nếu đàm phán đổ vỡ, điều mà tôi hy vọng sẽ không xảy ra".

Thỏa thuận mà ông Trump với ông Kim Jong Un ký kết vào tuần trước không vạch ra được một lộ trình cụ thể cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, và cũng không nêu chi tiết Mỹ sẽ kiểm chứng việc Triều Tiên tuân thủ thỏa thuận như thế nào.

Các nghị sỹ thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mới chỉ xem thỏa thuận này như một bước đi đầu tiên cho việc đàm phán một thảo thuận hòa bình lâu dài. Tuy nhiên, ông Trump coi thỏa thuận mà ông ký với nhà lãnh đạo Triều Tiên như một thành tựu lớn.

"Trước khi tôi nhậm chức, mọi người đều cho rằng chúng ta sắp có chiến tranh với Triều Tiên", ông Trump viết trên Twitter hôm 13/6, một ngày sau cuộc gặp lịch sử ở Singapore. "Tổng thống Obama nói Triều Tiên là vấn đề lớn nhất và nguy hiểm nhất của chúng ta. Nhưng điều đó giờ không còn nữa - chúc ngủ ngon đêm nay!".

Một số nghị sỹ Dân chủ, bao gồm thủ lĩnh phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer, cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều chẳng qua là một dịp để chụp ảnh chứ chẳng có thực chất gì. Ông Trump đã đáp trả lại đánh giá đó của ông Schumer vào ngày Chủ nhật.

"Chuck Schumer nói rằng ‘cuộc gặp thượng đỉnh chính là điều mà người Texas gọi là ‘toàn gia súc và không có cái mũ nào’. Cảm ơn Chuck, nhưng ông có chắc là ông hiểu đúng không?" ông Trump viết trên Twitter. Có vẻ như ông Trump đang chế nhạo ông Schumer vì ông Schumer đã nói nhầm câu nói của người Texas "toàn mũ và không có con gia súc nào" - một thành ngữ để chỉ những người thích khoe khoang quá đà về những gì mình có.

"Không còn thử hạt nhân và tên lửa bay trên đầu, khu thử hạt nhân được phá dỡ. Các con tin được trở về, hài cốt binh sỹ trở về, và nhiều hơn thế", ông Trump nhấn mạnh.

Ông Trump dường như cũng đang đáp trả công chúng Mỹ khi mà người Mỹ có vẻ dè dặt khi đánh giá về kết quả dài hạn của cuộc gặp thượng đỉnh. Kết quả một cuộc khảo sát do Washington Post/ABC News công bố ngày Chủ nhật cho thấy 55% người Mỹ được khảo sát nói "còn quá sớm" để khẳng định cuộc gặp lịch sử này có phải là một thành công đối với nước Mỹ hay không.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người được khảo sát cho rằng cuộc gặp này là một thành công đối với Triều Tiên lớn hơn tỷ lệ cho rằng cuộc gặp này là một thành công đối với Mỹ.

Ông Trump vốn xem Washington Post là một tờ báo có quan điểm kém thân thiện với ông.

Có vẻ như "bực" vì cuộc khảo sát trên, ông Trump đã nhắc đến cuộc tranh chấp lao động đang diễn ra ở tờ báo này. Ông viết trên Twitter rằng "một cuộc đình công thực sự dài sẽ là một ý tưởng tốt. Nhân viên sẽ được trả cao hơn và chúng ta sẽ loại bỏ được tin giả trong một thời gian dài".