15:51 07/12/2018

Pháp đóng cửa tháp Eiffel vì lo bạo động trở lại

Bình Minh

Giới chức Pháp cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại của “bạo lực nghiêm trọng” vào ngày thứ Bảy tuần này

Lực lượng cảnh sát bảo vệ tháp Eiffel trong cuộc bạo loạn tuần trước ở Paris - Ảnh: Reuters/BBC.
Lực lượng cảnh sát bảo vệ tháp Eiffel trong cuộc bạo loạn tuần trước ở Paris - Ảnh: Reuters/BBC.

Tháp Eiffel ở thủ đô Paris của Pháp sẽ đóng cửa vào ngày thứ Bảy tuần này do nhà chức trách lo ngại tình trạng bạo động quay trở lại trong phong trào biểu tình cuối tuần chống Chính phủ.

89.000 cảnh sát sẽ được huy động trên toàn nước Pháp và xe bọc thép sẽ được triển khai trên đường phố Paris để phòng ngừa hành động quá khích của những người biểu tình - hãng tin BBC dẫn tuyên bố của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho hay.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Paris chứng kiến vụ bạo loạn tồi tệ nhất ở thành phố này trong nhiều thập niên, khi hàng nghìn người biểu tình của phong trào "áo vàng" đụng độ với cảnh sát chống bạo động, đập phá, phóng hỏa nhiều xe cộ và tòa nhà.

Đầu tuần này, Chính phủ Pháp đã tuyên bố tạm hoãn kế hoạch tăng thuế xăng dầu gây mất lòng dân - nguyên nhân chính dẫn tới phong trào biểu tình. Tuy nhiên, sự bất mãn với các chính sách của chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron đã lan rộng và biểu tình còn rộ lên vì các vấn đề khác.

Trao đổi với truyền thông Pháp, giới chức nước này cho biết đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại của "bạo lực nghiêm trọng" vào ngày thứ Bảy tuần này, khi các nhà hoạt động của cả phe cực hữu và cực tả dự kiến sẽ xuống đường ở thủ đô.

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình TF1, ông Philippe nói 8.000 cảnh sát cùng hơn 10 xe bọc thép sẽ được triển khai ở Paris vào ngày thứ Bảy. Vị Thủ tướng kêu gọi người biểu tình giữ bình tĩnh, nhưng nói thêm: "Chúng tôi sẽ đối mặt với những người đến đây không phải để thể hiện sự bất bình mà để đập phá, và chúng tôi sẽ có đầy đủ phương tiện để không cho phép họ muốn làm gì thì làm".

Pháp đóng cửa tháp Eiffel vì lo bạo động trở lại - Ảnh 1.

Hôm thứ Bảy tuần trước, Paris chứng kiến vụ bạo loạn tồi tệ nhất ở thành phố này trong nhiều thập niên - Ảnh: Inpho/BBC.

Trước đó, ông Philippe phát tín hiệu Chính phủ có thể có thêm những nhượng bộ với người biểu tình. Ông nói với Thượng viện Pháp rằng Chính phủ để ngỏ khả năng có thêm những biện pháp mới để hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp.

Nhà vận hành tháp Eiffel nói nguy cơ bạo lực trong cuộc biểu tình vào cuối tuần này khiến họ không thể đảm bảo "điều kiện an ninh đầy đủ".

Nhà chức trách thành phố thì cho biết đang tăng cường bảo vệ cho các địa điểm nổi tiếng, sau khi Khải hoàn môn bị người biểu tình phun sơn và vẽ bậy vào cuối tuần trước.

Cảnh sát đã kêu gọi các cửa hiệu và nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysees của Paris đóng cửa và đóng hết các đồ đạc ngoài trời như bàn ghế. Một loạt trận đấu bóng đá dự kiến diễn ra vào thứ Bảy cũng bị hoãn.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Pháp Franck Riester nói các bảo tàng Louvre và Orsay, các nhà hát opera và khu Grand Palais sẽ là vài trong số những khu vực được đóng cửa vào ngày thứ Bảy. "Chúng tôi không thể mạo hiểm khi đã biết trước nguy cơ", ông Riester nói với đài RTL.

Hôm thứ Năm, thanh niên Pháp đã đổ ra đường ở nhiều thành phố để biểu tình phản đối cải cách giáo dục. Học sinh Pháp nổi giận vì kế hoạch của Tổng thống Macron về thay đổi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Họ cho rằng những cải cách của ông Macron sẽ giới hạn cơ hội và gây ra tình trạng bất bình đẳng.

Hơn 140 người đã bị bắt khi cuộc biểu tình xảy ra gần một ngôi trường ở Yvelines biến thành một cuộc đụng độ với cảnh sát. Hàng chục trường học khác bị người biểu tình phong tỏa ở các thành phố như Marseille, Nantes và Paris.

Tuần trước, phong trào biểu tình "áo vàng" đã đưa ra một danh sách gồm 40 yêu cầu đối với Chính phủ Pháp, bao gồm tiền lương tối thiểu, thay đổi sâu rộng hệ thống thuế, và giảm tuổi nghỉ hưu. Phong trào biểu tình này đã gia tăng sức mạnh thông qua mạng xã hội, thu hút sự tham gia của mọi tầng lớp chính trị pháp, từ cực tả tới cựu hữu và những người trung lập.