07:09 06/06/2018

Phó thủ tướng: Bảo vệ trẻ em không được "yêu cho roi cho vọt"

Hà Vũ

Con số 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hằng năm, đấy chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Quang Phúc
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Quốc hội - Ảnh: Quang Phúc

Con số 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hằng năm, đấy chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhận xét.

Chiều 5/6, phát biểu cuối phiên chất vấn của Quốc hội với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với bức xúc của các đại biểu về tình trạng xâm hại trẻ em.

Theo Phó thủ tướng, phải xử lý nghiêm minh những vụ việc vi phạm, đúng người, đúng tội, không để oan, không để sai, không để lọt và quan trọng nhất phải đặt yêu cầu bảo vệ quyền lợi của trẻ em lên trên.

Tuy nhiên, vấn đề bảo vệ, giáo dục, chăm sóc trẻ em không chỉ có câu chuyện xử lý các vụ việc. Ngay các vụ việc bạo hành trong đó có dâm ô với trẻ em thì luật cũng quy định rõ phải từ ba cấp độ là phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, Phó thủ tướng nói.

Luật Trẻ em đã có hiệu lực thi hành một năm, nhưng Phó thủ tướng cho rằng, đến giờ phút này còn rất nhiều điều được quy định cụ thể trong luật nhưng chưa triển khai được đúng như luật quy định.

Chẳng hạn điều 72 quy định về người được phân công trách nhiệm bảo vệ trẻ em ở cấp xã, thì phải chỉ định người đó là ai, chỉ định xong rồi thì tập huấn 5 kỹ năng mà luật quy định. Nhưng đến giờ phút này thì số tỉnh thực hiện được điều đó còn rất ít.

Nhận định xâm hại tình dục là vấn đề quốc tế, Phó thủ tướng nhắc lại con số Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã dẫn là trên thế giới hiện nay 1 năm có khoảng 150 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai bị xâm hại. Trong xâm hại này có xâm hại về tình dục, có xâm hại về sức khỏe.

Phó thủ tướng cũng lưu ý là các tổ chức quốc tế thống kê xâm hại từ lời nói, thái độ chứ không chỉ là hành vi đánh đập, dâm ô bằng hành động.

"Điều này đúng là chúng ta chưa quen", Phó thủ tướng nhận xét.

Vẫn theo Phó thủ tướng thì con số 2.000 trường hợp trẻ em bị xâm hại, 1.300 đến 1.500 trẻ em bị xâm hại tình dục hằng năm chỉ là phần nổi rất nhỏ của tảng băng chìm. Bởi vì ngay các tổ chức quốc tế làm điều tra ở Việt Nam (hỏi bằng ngôn ngữ của chuyên gia, không hỏi là có bị bạo hành không mà hỏi có bị quát thế này không, có bị mắng thế này không hay khi lầm lỗi có bị tét vào mông không) thì là 62% số trẻ em Việt Nam nói rằng có. 

Nhưng theo Phó thủ tướng thì con số này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi công bố điều tra ở Mỹ cho thấy, 83% bé gái và 79% bé trai khi được hỏi bằng những câu hỏi chuyên gia như vậy thì đều công nhận là có bị xâm hại. Ở Hàn Quốc là 67% số trẻ em được hỏi công nhận bị xâm hại.

"Năm 2016 vừa qua kết quả cuộc điều tra ở trường cấp 1 và cấp 2 của Nhật Bản một năm có 224.540 vụ trẻ em bị xâm hại. Tính ra một ngày học có 831 vụ. còn ở chúng ta có 2.000 vụ/năm. Đấy là tảng rất nhỏ của tảng băng chìm", Phó thủ tướng phân tích.

Và, điều quan trọng nhất theo Phó thủ tướng là phải có các giải pháp đồng bộ để không chỉ là 2.000 mà các vụ xâm hại đã xảy ra rồi thì được báo và được xử lý.

Muốn như vậy thì thứ nhất là phải có quy trình điều tra xét xử thực sự thân thiện để người bị hại mạnh dạn trình bày, dám tố cáo. Thứ hai, phải có các quy định để tất cả các chuyên gia tâm lý và các nhà hoạt động xã hội được tham gia ngay từ đầu khi có vụ việc xảy ra, Phó thủ tướng phát biểu.

"Chúng tôi rất mong bằng các giải pháp đồng bộ một mặt chúng ta phải thay đổi cách nghĩ, cách làm không được coi trẻ em giống như ngày xưa "yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Bây giờ văn minh, những trẻ em bị xâm hại thì cần lên tiếng và cần được bảo vệ một cách đúng đắn", Phó thủ tướng nói.