08:41 30/10/2018

Phó thủ tướng sẽ trả lời chất vấn lĩnh vực thông tin và truyền thông

Nguyên Vũ

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông mới được bổ nhiệm nên chất vấn về lĩnh vực này sẽ được Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời

Hoạt động chất vấn của Quốc hội bắt đầu từ sáng 30/10
Hoạt động chất vấn của Quốc hội bắt đầu từ sáng 30/10

Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông mới được bổ nhiệm nên chất vấn về lĩnh vực này sẽ được Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực trả lời.

Sáng 30/10 Quốc hội bắt đầu hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, kéo dài trong ba ngày.

Như thường lệ, điều hành hoạt động giám sát quan trọng này là Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4 đã được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Đánh giá khái quát, Chủ tịch Quốc hội nói, kết quả thực hiện các nghị quyết nói trên đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, từng lĩnh vực có chuyển biến tích cực.

Song có nội dung cần có lộ trình để thực hiện, một số nội dung chậm triển khai hoặc thực hiện chưa có hiệu quả nên cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị, cần thiết có sự đánh giá tổng thể làm rõ khó khăn vướng mắc từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Theo Chủ tịch Quốc hội, đây cũng là thể hiện thái độ giám sát đến cùng của Quốc hội và thể hiện sự đồng hành với Chính phủ. 

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, lần này chất vấn không theo nhóm vấn đề như thông lệ mà chất vấn các vấn đề liên quan đến các nghị quyết về chất vấn của Quốc hội và giám sát chuyên đề.  Chất vấn lĩnh vực nào thì trước hết trưởng ngành đó có trách nhiệm trả lời, liên quan đến điều hành chung thì các phó thủ tướng trả lời. 

Riêng với lĩnh vực Bộ Thông tin truyền thông phụ trách  do phó Thủ tướng phụ trách trả lời. Người đang phụ trách lĩnh vực này là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

Cuối phiên chất vấn Thủ tướng sẽ làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về cách thức chất vấn, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các đại biểu chất vấn không quá 1 phút và trả lời không quá 3 phút, tranh luận không quá 2 phút, không quá hai lần. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị trả lời đi thẳng vào vấn đề, làm rõ giải pháp khắc phục thời gian tới .

Trước khi chất vấn trực tiếp, Quốc hội nghe Phó thủ tướng Trương Hoà Bình báo cáo tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư của Quốc hội.

Phó thủ tướng cho biết, xác định những nhiệm vụ đã cam kết tại các phiên chất vấn qua các kỳ họp có ảnh hưởng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ với kế hoạch rõ ràng, phân công cụ thể, thống nhất hành động, sâu sát thực tiễn, giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm và vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, đề cao vai trò của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, tạo sự thống nhất, thông suốt, minh bạch trong thực hiện nhiệm vụ.

Báo cáo của Chính phủ  cũng nêu rõ, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế, tồn tại mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận để có giải pháp kịp thời khắc phục. Như, chất lượng xây dựng thể chế còn một số hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn chậm. Công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan chưa hiệu quả, công tác quản lý, điều hành một số ngành, lĩnh vực còn bất cập nhưng chậm được khắc phục.

 Những tồn tại, hạn chế có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, thiếu quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ, kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao, chưa làm hết trách nhiệm, tổ chức bộ máy một số cơ quan chưa thực sự tinh gọn, thể chế về công tác cán bộ còn bất cập nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, chính quyền địa phương một số nơi chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, công tác thông tin tuyên truyền định hướng dư luận xã hội còn hạn chế.