12:07 03/06/2019

Phòng chống xâm hại trẻ em vào chương trình giám sát của Quốc hội

Nguyên Vũ

88/426 đại biểu chọn chuyên đề về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em

Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.
Đại biểu Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Quốc hội xin ý kiến bằng biểu quyết điện tử với hai chuyên đề được Thường vụ Quốc hội đề xuất. Kết quả, 388/426 đại biểu chọn chuyên đề 1: việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Tiếp tục kỳ họp thứ 7, sáng 3/6 Quốc hội nghe tờ trình và thảo luận về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Về số lượng chuyên đề giám sát năm sau, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, 2020 là năm các địa phương sẽ tiến hành tổ chức Đại hội đại biểu Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13. Đồng thời, 2020 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14. Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và hội đồng nhân dân, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Vì vậy, sau khi cân nhắc nhiều mặt, để tập trung cho các nội dung nêu trên và bảo đảm chất lượng, tính khả thi của chương trình giám sát năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội giám sát 1 chuyên đề tại kỳ họp thứ 9.

Tuy nhiên, lý do này chưa nhận được sự đồng tình cao tại phần thảo luận.

Nói rõ là không thống nhất với lý do được nêu tại tờ trình, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) cho rằng không nên bớt đi một chuyên đề vì thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề. Nếu Quốc hội nhiệm kỳ này không tiến hành giám sát thì sẽ dồn trách nhiệm cho Quốc hội khoá mới.

Đồng tình với đại biểu Xuân, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng vẫn nên giữ hai chuyên đề giám sát tối cao như các năm trước, bởi kết quả giám sát còn là cơ sở cho hoạch định chính sách cho nhiệm kỳ tới.

Ông Hồng cũng nêu các nhiệm kỳ trước vẫn thực hiện như vậy và thực tiễn làm được, "còn đặt vấn đề do Đại hội Đảng thì không ổn lắm".

Phân tích của đại biểu Xuân và đại biểu Hồng được đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) bày tỏ đồng tình.

Với nội dung giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 1 trong 2 chuyên đề.

Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (dự kiến giao Ủy ban Tư pháp chủ trì về nội dung).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt nam là thành viên (dự kiến giao Ủy ban Đối ngoại chủ trì về nội dung.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) và một số vị khác nhất trí chọn chuyên đề 1.

Ngoài hai nội dung trên, đại biểu Xuân, đại biểu Dũng và một số vị khác đề nghị giám sát tối cao về bảo vệ môi trường giai đoạn 2015 - 2020 còn nhiều diễn biến phức tạp, gây ra nhiều sự cố môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng rất nặng nề đến sức khoẻ của nhân dân.

Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong hoạt động báo chí. 

Bên cạnh nội dung, một số vị còn góp ý về cách thức giám sát. Đại biểu Hồng cho rằng có đoàn giám sát đi rất đông, đến hơn 10 xe ô tô, còi ủ, mà cách thức tiến hành thì chưa tương xứng với tính chất của giám sát tối cao.

Nhận xét công cụ giám sát còn khiêm tốn, đại biểu Vân nêu ví dụ, việc huy động chuyên gia, phương tiện thậm chí trưng cầu giám định để làm rõ nghi vấn đại biểu Quốc hội đưa ra để đánh giá chính xác diễn biến thực tiễn còn yếu. Khi xem xét tác động của chính sách pháp luật đối với đất đai đô thị các thành viên đoàn giám sát chỉ tiếp cận được các báo cáo, nội dung chuyên sâu trong đánh giá như bảng giá đất cần trưng dụng chuyên gia đánh giá cho sát thì còn hạn chế.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội xin ý kiến bằng biểu quyết điện tử với hai chuyên đề được Thường vụ Quốc hội đề xuất. Kết quả, 388/426 đại biểu chọn chuyên đề 1: việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.