13:34 21/04/2019

Quảng Ninh đang làm du lịch "chưa hợp lý"?

Nguyên Hà

Chuyên gia cho rằng, Quảng Ninh đang quá lệ thuộc vào Hạ Long trong phát triển du lịch

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy thừa nhận, tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng về phát triển du lịch mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương này.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy thừa nhận, tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng về phát triển du lịch mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương này.

"Một cuộc khảo sát nhanh cho thấy, có đến 61% ý kiến cho rằng, Quảng Ninh là điểm đến du lịch ấn tượng nhất trong số các điểm du lịch nổi tiếng trên cả nước. Song tôi cho rằng, có những điểm Quảng Ninh chưa phải là số 1, cách quảng bá du lịch của tỉnh chưa được hợp lý".

Quan điểm trên được TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại cuộc Hội thảo "Du lịch Quảng Ninh - Vươn tầm Di sản", do UBND tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội các Tổ chức Dịch vụ Phát triển Kinh doanh Việt Nam (VABO) cùng một số đơn vị truyền thông tổ chức, ngày 19/4.

Lãng phí tiềm năng?

Có mặt tại hội thảo, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, du lịch Quảng Ninh trong thời gian qua có kết quả khá ấn tượng. Chẳng hạn như trong năm Du lịch quốc gia 2018, tỉnh đón 12,2 triệu lượt khách trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế.

Còn trong quý 1/2019, tổng số lượt khách đến Quảng Ninh đã đạt 5,4 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, lượt khách quốc tế ghi nhận 1,6 triệu lượt, tăng 14%. Tổng doanh thu du lịch đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, tăng 21%, chiếm xấp xỉ 10% tổng thu ngân sách.

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cũng thừa nhận, tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng về phát triển du lịch mà thiên nhiên ban tặng cho địa phương này.

Đồng quan điểm này, Đại biểu Quốc hội – Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, du lịch Quảng Ninh dường như vẫn khá đơn điệu khi chỉ có mỗi Vịnh Hạ Long, quá lệ thuộc vào Hạ Long mà bỏ quên các di sản khác.

Dẫn chứng về Ninh Bình, ông Dương Trung Quốc cho biết, có thời kì Ninh Bình là tỉnh nông nghiệp, duy nhất công nghiệp là xi măng, chỉ có Bái Đính mà Ninh Bình đã biến thành một tỉnh du lịch, biến thành điểm du lịch của thế giới, trong khi Quảng Ninh có gì ngoài khai thác Vịnh Hạ Long.

 "Sau này tôi muốn chúng ta phát triển thêm các hạng mục khác. Hiện Quảng Ninh có rất nhiều, ví dụ như tâm linh khai thác Yên Tử rất tốt chúng ta cần mở rộng ra nhưng chỉ chú trọng xây chùa mà chưa chú trọng xây đền. Tín ngưỡng thờ những người có công như ở Việt Nam không phải nước nào cũng có mà chúng ta chưa khai thác, khai thác các địa danh lịch sử, các đảo…", ông Dương Trung Quốc nói.

Đặc biệt, theo chuyên gia này, ngay cả việc quy hoạch và khai thác Vịnh Hạ Long, dường như Quảng Ninh cũng làm chưa hợp lý. Cụ thể, nhiều năm trước, tỉnh đã cho di dời tất cả các tàu thuyền đánh cá, cuộc sống sinh hoạt của người dân ra khỏi khu vực Vịnh vì sợ ô nhiễm môi trường.

Theo ông Dương Trung Quốc, như vậy là vô tình Quảng Ninh đã "vô nhân xưng", làm mất đi tính sống động của Hạ Long. Thay vào đó, Quảng Ninh có thể cho người dân sinh sống tại các hòn đảo trong Vịnh, tạo nên những quần thể sống sinh động để du khách có thể tham qua, giao lưu trực tiếp với người dân bản địa ngay trên Vịnh. Điều đó mới tạo ra được nét đặc sắc khi tham quan Vịnh Hạ Long.

Còn về biểu tượng cho Quảng Ninh, ông Dương Trung Quốc cho rằng, đến nay tỉnh vẫn chưa làm được điều này. Ngoại trừ Vịnh Hạ Long là di sản của thế giới, khi đến Quảng Ninh, du khách cần được thấy một biểu tượng của tỉnh đặt ở khu vực trung tâm, một công trình mang tính "riêng có" của Quảng Ninh.

Chia sẻ ý kiến này, TS. Võ Trí Thành thừa nhận, về quảng bá du lịch, Quảng Ninh đang thua Ninh Bình.

Ông Thành cho biết, chỉ cần vào mạng xã hội hay vào các kênh truyền hình quốc tế đã thấy Ninh Bình có những Video clip, những thước phim ấn tượng về du lịch, được quốc tế biết đến và đánh giá cao. Còn Quảng Ninh thì rất ít.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Quốc Hưng đặt câu hỏi: Tại sao du lịch Quảng Ninh đa số là dòng khách đến lưu trú ngắn hạn, trong khi sản phẩm du lịch của Quảng Ninh rất phong phú đa dạng hiếm nơi có. Tôi mong muốn Quảng Ninh tập trung phát triển dòng khác du lịch nghỉ dưỡng, tập trung xây dựng resort, thu hút dòng khách từ Nga, Đông Bắc Á…

Cần tạo quỹ đất cho nhà đầu tư

Theo TS. Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ninh đã chứng minh hoàn toàn có thể làm được và đã làm rất tốt về đột phá hạ tầng. Việc đầu tư sân bay Vân Đồn đã mang đến nhiều điểm khác biệt.

Đầu tư ở đây tất nhiên là có sự mạo hiểm, đầu tư vào hạ tầng tốn kém kinh khủng, nhưng nếu không đầu tư sẽ khó phát triển. Theo đó, tỉnh phải đồng hành cùng doanh nghiệp nếu không doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Quảng Ninh đang làm du lịch chưa hợp lý? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết phát biểu tại hội thảo.

Nói về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong xây dựng hạ tầng du lịch, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tin rằng nhiều việc chỉ có doanh nghiệp tư nhân mới triển khai được thực sự hiệu quả. 

"Quảng Ninh là tỉnh giàu, thu ngân sách lớn từ dịch vụ du lịch, nhưng như chúng ta đã nói tại đây hôm nay, có cơ sở vật chất rồi, nhưng cũng cần có con người. Chẳng hạn, nhân lực du lịch của Quảng Ninh còn thiếu và yếu, trong một năm chúng tôi có thể xây khách sạn 1-2 nghìn phòng, cần 3 nghìn lao động, thế nhưng lao động lấy ở đâu? Hay như ở Thanh Hóa, chúng tôi được cấp phép 5 sao cho hạ tầng nhưng nhân lực nói thực mới chỉ 3 sao đổ lại", ông Quyết nói.

Đề xuất được Chủ tịch FLC đưa ra là Quảng Ninh cần mở các khóa đào tạo, cần mời chuyên gia về đào tạo của Việt Nam để đào tạo nhân lực 5 sao để thu tiền được 5 sao, chứ không chỉ thu tiền được 3 sao. 

Về chính sách, giải pháp để tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư vào hạ tầng du lịch, Quảng Ninh cần có nhiều chính sách, cơ chế hơn nữa để doanh nghiệp có thể tiếp cận với quỹ đất vì hiện nhiều dự án ở Hạ Long gần như không triển khai được vì không còn quỹ đất.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy cho biết, vừa qua tỉnh đã có điều chỉnh lại quy hoạch các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, trong đó mục tiêu kết thúc 2020 tỷ trọng dịch vụ du lịch Quảng Ninh sẽ chiếm 48 - 49%.

Trong quy hoạch 2030-2050, 4 không gian du lịch của Quảng Ninh, Hạ Long gắn với du lịch Vịnh Hạ Long; Móng Cái - Trà Cổ gắn với du lịch biên giới; Vân Đồn - Cô Tô gắn với du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng chất lượng cao có casino; Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên gắn với du lịch văn hóa, tâm linh di tích danh thắng Yên Tử.

Về giải pháp mở rộng không gian du lịch, đại diện lãnh đạo Quảng Ninh cho biết, tỉnh luôn đồng hành cùng nhà đầu tư chiến lược như Tập đoàn FLC chẳng hạn, với tất cả các dự án đã đầu tư, đang đầu tư, tỉnh sẽ cùng phối hợp để các dự án sớm được triển khai, có thế không gian du lịch mới mở rộng.

"Doanh nghiệp nói Quảng Ninh cần quan tâm đến thể chế, đầu tư – chúng tôi đang làm rất tốt, ngoài ra chúng tôi đang nỗ lực phát triển đầu tư cho trường đào tạo nghề cao đẳng, đại học ngành du lịch, FLC có đề xuất trường đào tạo nghề hàng không, du lịch. Vai trò của tư nhân trong phát triển du lịch chính là bàn tay thuận tạo nên thành công của ngành", bà Thủy nói.