22:17 19/01/2021

Quỹ Dragon Capital trở thành cổ đông lớn tại KBC

Hà Anh

Vietnam Enterprise Investments Limited đã mua thành công 636.300 cổ phiếu, nâng số lượng nắm giữ lên 23,97 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng tỷ lệ 5,1021% vào ngày 19/1/2021

Sơ đồ giá cổ phiếu KBC từ ngày 1/10/2020 đến nay.
Sơ đồ giá cổ phiếu KBC từ ngày 1/10/2020 đến nay.

Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc (mã KBC-HOSE) báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan là cổ đông lớn Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc – Công ty Cổ phần.

Theo đó, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý vừa công bố trở thành cổ đông lớn tại Tổng Công ty Phát triển Kinh Bắc (KBC) sau khi Vietnam Enterprise Investments Limited đã mua thành công 636.300 cổ phiếu, nâng số lượng nắm giữ lên 23,97 triệu cổ phiếu KBC, tương ứng tỷ lệ 5,1021% vào ngày 19/1/2021.

Trên thị trường, KBC đã có sự bứt phá ngoạn mục từ vùng giá 14.300 đồng/cổ phiếu (chốt ngày 1/10/2020) và tăng lên 36.800 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Trước đó, KBC và các công ty trực thuộc KBC đã ký được hàng loạt hợp đồng cho thuê lại đất với tổng diện tích lên tới 150 ha, tổng giá trị đạt trên 150 triệu USD. Lĩnh vực thu hút chủ yếu là công nghệ cao, công nghệ điện tử.

Được biết, trong 9 tháng năm 2020, KBC đạt 930 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 62,6% so với cùng kỳ. Doanh thu sụt giảm mạnh này là do cho thuê đất khu công nghiệp giảm -76% so với cùng kỳ và không có doanh thu bán nhà xưởng trong 9 tháng năm 2020 và lợi nhuận sau thuế đạt 96,45 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ (645 tỷ đồng).

Mới đây, SSI Research đã có báo cáo triển vọng ngành Bất động sản Khu Công nghiệp với nhận định là nhu cầu thuê đất tăng mạnh do việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động dịch chuyển trong vài năm trở lại đây và Việt Nam được cho là một trong những quốc gia hưởng lợi từ xu hướng này. Trong khi năm 2020 đặt ra nhiều thách thức lớn, chúng tôi tin rằng một khi dịch bệnh lắng xuống nhu cầu đối với các khu công nghiệp Việt Nam sẽ tăng đáng kể do nhiều công ty quốc tế trước đó đã chuẩn bị chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam.

Việc chuyển địa điểm sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam là một xu hướng lớn có khả năng tăng tốc thời kỳ hậu Covid. Có một số công ty lớn đang có kế hoạch chuyển một phần hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, như Microsoft, Google, Panasonic, Sharp, Foxconn, ... Trong quý 1/2021, Oppo có kế hoạch thuê 62,7 ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, và Pegatron sẽ thuê đất trong Deep C. IP.

Cũng theo SSI Research, công ty dự kiến năm 2021, lợi nhuận ròng của KBC đạt 608 tỷ đồng, tăng 107% so với cùng kỳ là do công ty giả định KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh và Khu đô thị Phúc Ninh sẽ mang lại nguồn thu lớn kể từ năm 2021, khi các vấn đề về pháp lý có thể hoàn thành trong ngắn hạn.