22:01 12/03/2019

Sách giáo khoa: Dù ai soạn thì vẫn phải được Bộ trưởng phê duyệt

Nguyễn Lê

Hồi âm những băn khoăn về quy định sách giáo khoa tại dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Dù có ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn có hội đồng quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quyết định phê duyệt có cho sử dụng sách giáo khoa đó không.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định như thế khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), sáng 12/3 với nhiều băn khoăn về quy định mỗi môn học có một hoặc nhiều sách giáo khoa.

Không phải ai viết xong cũng đưa ra thị trường

Trước khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Phan Thanh Bình cũng nêu quan điểm của thường trực cơ quan thẩm tra về chương trình và sách giáo khoa.

Nhấn mạnh điểm quan trọng khi đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là chuyển từ giảng dạy kiến thức qua đánh giá và đào tạo năng lực cho học sinh, ông Bình nêu rõ, bây giờ chương trình giáo dục phổ thông là pháp lệnh, sách giáo khoa trở thành công cụ và tài liệu giảng dạy. Sách giáo khoa không phải là duy nhất. 

Có thể trên một kiến thức có nhiều nguồn, thậm chí không sử dụng sách giáo khoa mà sử dụng mạng internet để được kiến thức đó cũng sẽ là vấn đề đặt ra trong tình hình mới hiện nay, ông Bình phân tích.

Việc cực kỳ quan trọng, theo ông Bình là thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trong toàn quốc.

Bộ Giáo dục phải chịu trách nhiệm ban hành chương trình giáo khoa thống nhất trong cả nước và chương trình này khá chi tiết, quy định đến học kiến thức gì, thậm chí trong văn học là học tác giả nào, bài văn nào quy định cứng luôn, ông Bình nói tiếp.

Chủ nhiệm Bình cũng nhấn mạnh, không phải sách giáo khoa là quyết định chương trình mà chương trình quyết định sách giáo khoa.

Sách giáo khoa muốn được công nhận và đưa ra sử dụng phải được hội đồng quốc gia công bố, không phải ai viết xong cũng được đưa ra thị trường, ông Bình khẳng định.

"Dự thảo luật hiện nay quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm về chương trình giáo dục phổ thông và về chất lượng sách giáo khoa. Về cách chọn sách giáo khoa, luật cũng quy định Bộ trưởng phải quy định chọn như thế nào, không phải muốn chọn sao cũng được", Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra hồi âm những lo lắng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp thu rất uyển chuyển

Đăng đàn ngay sau đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tiếp thu dự luật lần này cho thấy rất uyển chuyển, về cơ bản đáp ứng được tất cả những ý kiến khác nhau trong phía Chính phủ.

Về vấn đề sách giáo khoa, Phó thủ tướng cho biết "lúc đầu tôi cũng không biết nhiều về vấn đề này, nhưng sau khi được phân công, tham gia tìm hiểu, nhất là gần đây làm luật thì cũng gặp nhiều chuyên gia, hỏi cả nước ngoài". 

"Dù có ai biên soạn sách giáo khoa thì vẫn có hội đồng quốc gia thẩm định và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải quyết định phê duyệt có cho sử dụng sách giáo khoa đó không. Về bản chất, tất cả sách giáo khoa sau này đều chính thống và tầm quốc gia hết, trách nhiệm thuộc về đồng chí Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Trước đây có một quyển hay một bộ thì bây giờ có nhiều quyển, nhiều bộ, nhưng cuối cùng vẫn là Bộ trưởng chịu trách nhiệm, điều đó rõ trong luật", Phó thủ tướng phát biểu.

Theo Phó thủ tướng, xu thế của thế giới cũng không nhất thiết dựa vào sách giáo khoa nữa mà như Chủ nhiệm Phan Thanh Bình đã nói, họ dựa vào chương trình chi tiết, giống như một đề cương chi tiết báo cáo, duyệt đề cương chi tiết rồi, còn lời văn ra thế nào có thể có nhiều cách viết khác nhau.

Cụ thể hơn, Phó thủ tướng nói, ban đầu Bộ vẫn muốn làm một bộ sách của Bộ. Nhưng khi bàn để ra nghị quyết 88 thì yêu cầu không được có một bộ sách của Bộ, như là độc quyền nên nghị quyết mới ghi cụ thể có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Quan điểm của Phó thủ tướng thì việc đó không sai, thế giới tiến tới không ấn định chỉ có một bộ sách giáo khoa. "Nó tương tự như chúng ta hiểu sáng tạo ra một bài văn mình chỉ duyệt đề cương chi tiết, còn lời lẽ bài văn tùy từng nơi, nhưng cuối cùng vẫn có người duyệt bài văn đó", Phó thủ tướng giải thích.

Hồi âm băn khoăn của Chủ tịch Quốc hội "lịch sử Việt Nam từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê, tiền Lê, hậu Lê,... không thể biên soạn khác được", Phó thủ tướng giải thích chương trình quy định rất chi tiết là phải dạy như thế nào. Người ta có thể sắp xếp thứ tự dạy người này trước, người này sau, hay về một nhân vật người ta có thể chọn nhiều câu chuyện khác nhau nhưng vẫn thể hiện đúng bản chất của nhân vật đó và Bộ trưởng vẫn duyệt.

Cho rằng những quy định về sách giáo khoa trong dự thảo luật đã rất đầy đủ, trách nhiệm, nhưng Phó thủ tướng nói cũng nên tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, quy định cứng hơn về trách nhiệm của Bộ trưởng liên quan đến sách giáo khoa.