10:42 30/07/2021

Sacombank sẽ thoái toàn bộ vốn tại Chứng khoán SBS vào đầu tháng 8

Minh Tú

Việc thoái vốn nhằm thực hiện chiến lược cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu. Kể từ năm 2011, Sacombank đã không còn là công ty mẹ của SBS…

Việc thoái toàn bộ vốn tại SBS nhằm thực hiện chiến lược cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu.
Việc thoái toàn bộ vốn tại SBS nhằm thực hiện chiến lược cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố sẽ thoái toàn bộ vốn tại công ty chứng khoán SBS (Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín).

Theo đại diện Sacombank, việc thoái vốn nhằm thực hiện chiến lược cơ cấu lại các khoản đầu tư không hiệu quả và gia tăng nguồn thu. Kể từ năm 2011, Sacombank đã không còn là công ty mẹ của SBS.

 

Cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021, Sacombank dự kiến thoái toàn bộ số cổ phần còn lại tại SBS với giá bình quân dự kiến từ 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu.

Cụ thể, đầu năm 2010, Sacombank bắt đầu đợt chào bán cổ phần của mình tại SBS, giảm tỷ lệ nắm giữ của Sacombank xuống còn 64,9%. Ngân hàng lần lượt triển khai các đợt chào bán tiếp theo vào giai đoạn cuối 2010, 2011 và nhiều thời điểm khác, tiếp tục kéo giảm tỷ lệ cổ phiếu mà Ngân hàng sở hữu tại công ty này xuống còn 10,21%, tương đương 13.870.000 cổ phiếu.

Mới đây, trong 3 phiên giao dịch ngày 20, 21 và 22/7, Sacombank tiếp tục bán gần 3,24 triệu SBS, giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn Sacombank tại SBS từ 10,21% xuống còn 7,65%, tương ứng với gần 9,7 triệu cổ phiếu.

Cũng theo đại diện của Sacombank, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2021, Sacombank dự kiến thoái toàn bộ số cổ phần còn lại tại SBS với giá bình quân dự kiến từ 11.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu, thu và bảo toàn vốn để đưa vào kinh doanh, gia tăng hiệu quả hoạt động chính của ngân hàng.

Cùng với việc thoái vốn khỏi SBS, một loạt các hành động chiến lược khác của Sacombank như bán toàn bộ cổ phiếu quỹ, tập trung xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng, giảm phụ thuộc vào các nguồn vốn dễ biến động, tăng cường đầu tư công nghệ, tăng thu dịch vụ, tăng tiền gửi không kỳ hạn... được xem là những giải pháp quyết liệt của Ngân hàng trong việc đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, thực hiện hiệu quả và trước thời hạn đề án tái cơ cấu.

Được biết, trong bối cảnh tăng trưởng mạnh mẽ của toàn ngành, doanh thu hoạt động của SBS  trong quý 2 đạt xấp xỉ 57 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó mảng môi giới chứng khoán đóng góp nguồn thu gần 34 tỷ đồng, tăng trưởng 183% so với quý 2/2020. Kết quả, SBS báo lãi ròng quý 2 hơn 2,1 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ gần 5 tỷ đồng.

Lũy kế nửa đầu năm 2021, tổng doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính của SBS ghi nhận hơn 34 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng lên hơn 3,1 tỷ đồng. So với kế hoạch năm, công ty đã hòa thành được 39% chỉ tiêu doanh thu và 56% kỳ vọng lãi ròng.

Trên thị trường, cổ phiếu SBS đang ở những nhịp điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 7 cho đến hiện tại, tuy nhiên vẫn ghi nhận mức tăng xấp xỉ 140% so với thời điểm đầu năm 2021. Kết thúc phiên giao dịch sáng 30/7, thị giá SBS đang dừng ở mức 12.700 đồng/cổ phiếu, tăng 6,7% so với phiên trước đó. Vốn hóa thị trường đạt hơn 1.532 tỷ đồng.