20:25 23/04/2019

Samsung thiệt hại gì khi hoãn bán điện thoại gập giá gần 2.000 USD?

Diệp Vũ

Samsung có vẻ như đã quá vội trong việc đưa Galaxy Fold đến tay người tiêu dùng, khiến chiếc điện thoại có vấn đề

Một chiếc Galaxy Fold.
Một chiếc Galaxy Fold.

Quyết định của hãng điện tử Hàn Quốc Samsung hoãn bán lẻ chiếc điện thoại gập có giá gần 2.000 USD có thể ảnh hưởng đến uy tín của hãng, nhưng chỉ trong ngắn hạn, và hãng hoàn toàn có khả năng giải quyết vấn đề - hãng tin CNBC dẫn nhận định của giới phân tích cho hay.

Lẽ ra Samsung sẽ chính thức bán lẻ Galaxy Fold từ ngày 26/4. Tuy nhiên, sau khi một số nhà đánh giá sản phẩm (reviewer) gặp vấn đề khi dùng thử chiếc điện thoại này, Samsung ngày 22/4 tuyên bố chiếc điện thoại "cần có thêm một số cải tiến" trước khi được đưa đến tay người tiêu dùng. Trong một tuyên bố, Samsung nói ngày lên kệ mới của Galaxy Fold sẽ được công bố "sau một vài tuần nữa".

Tuy nhiên, thông tin này không có nhiều ảnh hưởng đến giá cổ phiếu Samsung. Giá cổ phiếu của hãng giảm hơn 0,3% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, trong khi chỉ số Kospi của thị trường chứng khoán Hàn Quốc gần như đi ngang.

Nếu việc trì hoãn diễn ra quá lâu, đó sẽ là một mối lo của các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu Samsung - theo ông Daniel Yoo, trưởng bộ phận chiến lược và nghiên cứu toàn cầu thuộc Kiwoom Securities.

Ông Yoo cho rằng chiếc Galaxy S10 của Samsung được đánh giá là một thiết bị mang lại sự thỏa mãn cho người dùng, nhưng Galaxy Fold mới là chiếc điện thoại quyết định liệu hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới có thể giữ vai trò đi đầu về doanh số và tiếp tục đóng một vai trò quan trọng về tiến bộ công nghệ trong ngành công nghiệp smartphone.

"Tôi dự báo Samsung sẽ giải quyết được tất cả mọi vấn đề trước khi công bố ngày lên kệ mới của Galaxy Fold. Và thời hạn này nhiều khả năng nhất sẽ vào cuối quý 2/2019", ông Yoo nói.

Ông Bob O’Donnell, nhà sáng lập kiêm trưởng bộ phận phân tích của Technalysis Research, nói việc trì hoãn bán lẻ Galaxy Fold sẽ ảnh hưởng bất lợi đến thương hiệu Samsung.

"Chắc chắc là việc đó sẽ tác động xấu đến thương hiệu, nhưng tôi không cho rằng ảnh hưởng sẽ ở mức cao. Vấn đề không nghiêm trọng như sự cố pin của Galaxy Note 7", ông O’Donnell nhấn mạnh.

Hồi năm 2016, Samsung gặp một trong những sự cố công nghệ tồi tệ nhất của những năm gần đây, sau khi một số chiếc Note 7 gặp vấn đề về pin và bất ngờ bốc cháy.

Một số nhà đánh giá sản phẩm nói rằng hàng thử Galaxy Fold mà họ trải nghiệm có vấn đề về ở bộ phận bản lề. Số khác nói thiết bị dừng hoạt động sau khi họ vô tình gỡ miếng dán bảo vệ trên màn hình. Thiết bị mà phóng viên của CNBC dùng thử thì chập chờn sau đó ngừng hoạt động hoàn toàn sau hai ngày dùng, mặc dù miếng dán không bị gỡ.

Theo ông O’Donnell, Samsung có vẻ như đã quá vội trong việc đưa Galaxy Fold đến tay người tiêu dùng.

"Tôi không chắc vì sao họ phải vội. Huawei cũng công bố một chiếc điện thoại gập, nhưng phải một thời gian nữa mới bán", ông nói. "Tôi cứ nghĩ là với tầm quan trọng của thiết bị này, về mặt dài hạn, thì Samsung phải đảm bảo chắc chắn về tất cả mọi thứ. Nhưng điều đó đã không xảy ra".

Tại Đại hội Thế giới Di động (MWC) tại Barcelona hồi đầu năm nay, Huawei trình làng chiếc điện thoại gập Mate X và tuyên bố đến giữa năm 2019 sẽ chính thức bán lẻ. Giá của Mate X đắt hơn so với Galaxy Fold, khoảng 2.600 USD.

Công nghệ màn hình gập đã được các hãng smartphone nghiên cứu một thời gian khá dài, ông O’Donnell cho hay. Ngoài việc giới thiệu mô hình, thách thức trước đây là sản xuất hàng loạt màn hình gập - điều mà Samsung có thể là công ty đầu tiên làm được. Theo vị chuyên gia, cho dù Samsung trì hoãn bán lẻ Galaxy Fold, tình hình vẫn "có thể cứu vãn được".

"Nên nhớ rằng Samsung đã nghiên cứu công nghệ màn hình này trong nhiều năm. Đây không phải là việc họ vừa bắt tay vào. Chẳng qua đây chỉ là việc phải gói ghém mọi thứ lại sao cho cẩn thận, họ chỉ cần phải xử lý một vài vấn đề nhỏ nữa mà thôi", ông O’Donnell nhận định.

Ngành công nghiệp smartphone toàn cầu đang phải đối mặt với sự suy giảm doanh số do nhiều yếu tố, bao gồm việc người dùng kéo dài thời gian sử dụng mỗi thiết bị. Hồi tháng 3, một báo cáo của IDC dự báo 2019 sẽ là năm thứ ba liên tiếp doanh số smartphone toàn cầu giảm sút, với mức giảm 0,8% so vói năm ngoái.

Theo các nhà phân tích, điện thoại màn hình gập có thể tạo ra một cú huých cần thiết để ngành công nghiệp smartphone đảo ngược sự suy giảm doanh số.