07:07 10/12/2019

Số hóa các giao dịch tài chính tại bệnh viện

Mỹ Phương

Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt là một yêu cầu hết sức cấp thiết

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức điện tử trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chính là số hóa các giao dịch tài chính tại bệnh viện, góp phần thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong bệnh viện hướng tới bệnh viện thông minh...

Thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt là một yêu cầu hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay tại các bệnh viện, các cơ sở khám, chữa bệnh khi tình trạng quá tải, mất nhiều thời gian xếp hàng thanh toán chi phí khám, chữa bệnh luôn là vấn đề bức xúc đối với bệnh nhân.

Dễ dàng kiểm soát các nguồn thu 

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, đến nay trong toàn ngành y tế đã có khoảng 30 bệnh viện triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan. Một số bệnh viện đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt, giảm quá tải tại khu vực xếp hàng chờ thanh toán viện phí, góp phần tăng sự hài lòng của người bệnh. 

Tuy nhiên, phương thức thanh toán điện tử trong ngành y tế còn nhiều hạn chế như: Tỷ lệ các bệnh viện triển khai phương thức thanh toán này còn thấp; việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện (HIS) còn gặp nhiều khó khăn; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử trong hầu hết các giao dịch thanh toán. 

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, hiện nay có 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ thanh toán điện tử; chưa có nhiều giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt cho các cơ sở y tế ở vùng sâu, vùng xa, miền núi; cán bộ bệnh viện nhận thức chưa đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa thanh toán không dùng tiền mặt nên tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay còn thấp; phí thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt còn cao và bệnh viện chưa có các cơ chế tài chính để chi trả phí giao dịch điện tử.

Theo Bộ Y tế, việc triển khai thành công thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt sẽ giúp các cơ sở khám, chữa bệnh rút ngắn được thời gian, quy trình thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, góp phần rút ngắn thời gian khám, chữa bệnh cho người dân. 

Đồng thời, cán bộ y tế của đơn vị không phải làm thêm giờ, ngoài giờ hoặc thông giờ trưa cho việc giải quyết các thủ tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh. Giúp các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ dễ dàng kiểm soát các nguồn thu thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, giảm áp lực về số lượng tiền mặt phải quản lý, xử lý và thanh khoản, lưu giữ cuối ngày, góp phần tiết kiệm chi phí hoạt động của đơn vị.

Bên cạnh đó, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt sẽ giúp cải thiện hình ảnh quá tải xếp hàng tại các cơ sở khám, chữa bệnh, góp phần nâng cao chất lượng thăm khám và ứng xử, giao tiếp giữa người dân và nhân viên y tế, đem lại sự hài lòng của người bệnh. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin và các phương thức điện tử trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt chính là số hóa các giao dịch tài chính tại bệnh viện, thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong bệnh viện hướng tới bệnh viện thông minh...

Phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực 

Nhận thức rõ lợi ích của thanh toán điện tử và để đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong ngành y tế theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ và Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018), Bộ Y tế triển khai kế hoạch thực hiện thanh toán các chi phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt với một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Quán triệt trong toàn ngành về ý nghĩa và lợi ích của phương thức thanh toán điện tử không dùng tiền mặt; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đơn vị và vai trò của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo quyết liệt triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt. 

Bộ Y tế cũng yêu cầu, các đơn vị trong toàn ngành phải có kế hoạch hành động, bố trí nguồn lực và các điều kiện cần thiết để triển khai các giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt phù hợp với điều kiện của đơn vị; các cơ sở y tế phải chủ động phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hợp pháp để thanh toán chi phí dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...