15:19 12/01/2018

Sử dụng năng lượng: Thách thức từ thực tiễn

P.V

Công tác triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tuy đã đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với các chính sách khuyến khích mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp hiện nay.
Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với các chính sách khuyến khích mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp hiện nay.

Công tác triển khai việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tuy đã đạt được một số thành công nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tuy nhiên, triển khai Luật trong bối cảnh cần thêm khung pháp lý, thể chế, cơ chế chính sách về tài chính, thiếu những kinh nghiệm xây dựng mô hình tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp là một trong những trở ngại khi thực thi tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp còn nhận thức chưa cao về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nên chưa quan tâm cao đến việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng cũng như xây dựng kế hoạch hàng năm và năm năm về tiêu thụ năng lượng, chưa báo cáo đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng. Nhiều doanh nghiệp còn chú trọng đến việc tìm kiếm khách hàng, hợp đồng hơn mà rất ít quan tâm đầu tư tiết giảm chi phí năng lượng.

Tăng cường tư vấn, chuyển giao công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, Nguồn: GIZ Việt Nam

Ông Mã Khai Hiền - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm năng lượng (Enerteam) cho rằng: "Thách thức đầu tiên đối với các doanh nghiệp là nhận thức của lãnh đạo bởi còn ngại thay đổi sẽ dẫn đến ảnh hưởng sản xuất".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn gặp khó khăn về tài chính, không có điều kiện tiếp cận và lựa chọn công nghệ mới phù hợp với điều kiện doạnh nghiệp; nguồn nhân lực tư vấn, chuyển giao công nghệ và quản lý năng lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu cho doanh nghiệp.

"Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn nguồn vốn đầu tư hoặc có thể có nhưng họ chưa sẵn sàng, cùng với đó là thiếu sự phối hợp giữa chuyên gia lĩnh vực đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ chuyên môn và chuyên gia về tiết kiệm năng lượng dẫn đến hiệu quả chưa cao", ông Mã Khai Hiền cho biết thêm.

Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện chương trình chưa thật sự chủ động, tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ được giao. Nguồn lực tài chính, lực lượng các chuyên gia còn hạn chế, do vậy, việc thực hiện kiểm toán năng lượng cho các doanh nghiệp để xác định các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tư vấn xây dựng dự án, tìm nguồn tài chính cho các dự án tiết kiệm năng lượng còn yếu và thiếu.

Ông Markus Bissel, chuyên gia tư vấn hiệu quả năng lượng của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) chia sẻ: "Thách thức chính của công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả tại Việt Nam là người quản lý năng lượng không có kiến thức cụ thể về hiệu quả năng lượng, không chắc chắn về việc ưu tiên thực hiện các giải pháp và những mặt cần hỗ trợ. Các công ty không thực sự nhận được sự giúp đỡ và nhà cung cấp dịch vụ chỉ tập trung vào kiểm toán năng lượng mà không phải là kế hoạch và giải pháp thực hiện".

Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với các chính sách khuyến khích mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương trong công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp hiện nay.

Kèm theo đó là các nguồn tài chính hỗ trợ cùng với chuyên gia từ các tổ chức nước ngoài tham gia đào tạo và chuyển giao công nghệ cũng là động lực và cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm năng lượng.

Ông Mã Khai Hiền cho biết: "Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp các doanh nghiệp tiếp cận được các công nghệ phù hợp với giá cả, tài chính. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được hỗ trợ chính sách, nghị định thông tư hướng dẫn, có định hướng kĩ thuật để tham khảo".

Hơn nữa, theo đánh giá từ các chuyên gia tiềm năng tiết kiệm năng lượng của Việt Nam lớn hơn nhiều so với thế giới, từ 15 - 40%. Chính vì vậy, việc triển khai hoạt động tiết kiệm năng lượng tại các doanh nghiệp là khả thi.

Là một sáng kiến nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hướng tới phát triển bền vững, Giải thưởng quốc gia về hiệu quả năng lượng trong công nghiệp năm 2017 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Công Thương và Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) diễn ra từ ngày 20/11/2017 đến cuối tháng 1/2018.

Đối tượng tham gia là các doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, có mức tiêu thụ năng lượng từ 300 TOE một năm và đã thực hiện các giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2011 - 2016.

* Thông tin chi tiết:

http://vecea.vn/tin-tuc/t171/thu-moi-tham-du-giai-thuong-quoc-gia-ve-hieu-qua-nang-luong-trong-cong-nghiep-nam-2017.html