16:12 26/09/2019

Sửa Bộ luật Lao động: Trước mắt chưa tính giảm giờ làm

Nguyễn Lê

Một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên giữ như hiện hành

Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp thuộc hiệp hội ngành hàng đều chưa thực hiện tuần làm việc dưới 48 giờ
Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp thuộc hiệp hội ngành hàng đều chưa thực hiện tuần làm việc dưới 48 giờ

Một số vị đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần, song Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên giữ như hiện hành.

Bộ luật Lao động hiện hành, tại điều 104 quy định:

"1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định làm việc theo giờ hoặc ngày hoặc tuần; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày, nhưng không quá 48 giờ trong 01 tuần .

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ.

3. Thời giờ làm việc không quá 06 giờ trong 01 ngày đối với những người làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành".

Thảo luận tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về thời giờ làm việc giữa khu vực công (40 giờ/tuần - PV) với người lao động khu vực sản xuất đang không bình đẳng, đề nghị nghiên cứu để quy định người lao động làm việc theo chế độ 44 giờ/tuần.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích, vấn đề này chưa được Chính phủ trình trong hồ sơ dự án bộ luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo tổng kết thi hành việc thực hiện quy định khuyến khích áp dụng chế độ làm việc không quá 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần của bộ luật hiện hành.

Tài liệu gửi bổ sung cho thấy, quan điểm của cơ quan soạn thảo cũng như giới chủ, người sử dụng lao động chưa đồng thuận về việc quy định theo hướng giảm thời giờ làm việc bình thường.

Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa đồng tình với việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Chính phủ đề xuất, do vậy, trước mắt, xin phép Quốc hội cho giữ quy định về thời giờ làm việc bình thường như bộ luật hiện hành.

Tại báo cáo chuyên đề về tình hình thực hiện tuần làm việc 40 giờ tại điều 104 Bộ luật Lao động hiện hành, Bộ lao động, Thương binh và xã hội cho biết, qua nghiên cứu 176 quốc gia cho thấy 53% các quốc gia quy định tuần làm việc 40 giờ; 26% các quốc gia quy định tuần làm việc 48 giờ; 14% quy định tuần làm việc 44-45 giờ; 6% không quy định hoặc quy định thấp hơn 40 giờ/tuần.

Tại Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp thuộc hiệp hội ngành hàng đều chưa thực hiện tuần làm việc dưới 48 giờ vì quy định tuần làm việc 40 giờ trong Bộ luật Lao động là khuyến khích, không bắt buộc áp dụng. Hơn nữa do nhu cầu sản xuất, đảm bảo tiến độ theo đơn hàng và những khó khăn trong tuyển dụng thêm nhân lực nên các doanh nghiệp thuộc các hiệp hội ngành hàng đều đang thực hiện việc sử dụng người lao động tuần làm việc 48 giờ.

Cơ quan soạn thảo cũng cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước thực hiện quy định giờ làm việc theo tuần thành các nhóm là 48 giờ/tuần, 40 giờ/ tuần và một số bộ phận nhỏ thực hiện 44 giờ/tuần. Bộ phận lao động trực tiếp thực hiện tuần làm việc 48 giờ.

Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc 48 giờ, chỉ dưới 10% các doanh nghiệp thực hiện tuần làm việc dưới 48 giờ. Các doanh nghiệp chưa thực hiện tuần làm việc 40 giờ/tuần là do đa số hoạt động kinh doanh ở ngành nghề thâm dụng lao động, năng suất lao động thấp hoặc muốn tận dụng tối đa nguồn nhân lực nên thường xuyên tăng ca để đảm bảo tiến độ sản xuất theo yêu cầu của khách hàng, cơ quan soạn thảo khái quát.

Báo cáo của cơ quan soạn thảo cũng nêu khá nhiều tác động tích cực của chính sách khuyến khích tuần làm việc 40 giờ. Như, giúp người lao động có thời gian nghỉ trong tuần dài giúp tái tạo sức lao động, giải tỏa áp lực công việc. Đặc biệt đối với những nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Người lao động có nhiều thời gian để có thể giao kết hợp đồng lao động người sử dụng lao động khác để làm thêm.

Kích cầu mua sắm, sản xuất, dịch vụ do sức mua tăng trong những thời gian người lao động nghỉ làm.

Quy định của pháp luật "khuyến khích" người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc bố trí thời gian làm việc của người lao động cho phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh...

Tác động không tích cực duy nhất là, quy định hiện hành là khuyến khích nên nhiều doanh nghiệp chưa chủ động cải tiến công nghệ để tăng năng suất lao động nhằm giảm giờ làm cho người lao động.

Tóm lại, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phản ánh, đa số các địa phương, doanh nghiệp cho rằng quy định hiện hành phù hợp, không nên quy định cứng, không có doanh nghiệp phản ánh khó khăn, vướng mắc khi triển khai chính sách này.

Việc quy định "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ" tại điều 104 Bộ luật Lao động là phù hợp với thực tiễn. Quy định này có hướng mở, linh hoạt cho doanh nghiệp áp dụng. Các doanh nghiệp căn cứ theo đặc thù để áp dụng cho phù hợp mà vẫn đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật, cơ quan soạn thảo nêu quan điểm.

Theo dự kiến, Bộ luật Lao động sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 khai mạc ngày 21/10 tới.