09:58 12/04/2019

Sửa đổi luật để thực thi Hiệp định CPTPP

Nguyên Mẫn

Những đạo luật cần sửa đổi ngay nhằm nội luật hóa cam kết quốc tế là Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội vào tháng 5 tới

Nội luật hóa các cam kết quốc tế.
Nội luật hóa các cam kết quốc tế.

Thể hiện tính tích cực của Việt Nam trong thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Quốc hội sửa đổi hàng loạt luật. 

Để có được dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ  trình tại phiên họp 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc với tinh thần đặc biệt khẩn trương. 

Tháng 1/2019, CPTPP chính thức có hiệu lực thì ngay trong tháng này, Thủ tướng ban hành Quyết định 121 phê duyệt kế hoạch thực hiện CPTPP, giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ tổng rà soát.

Đến cuối tháng 1, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo thẩm định về đề nghị xây dựng dự án luật. Chính phủ đã xem xét và thông qua dự án luật theo trình tự, thủ tục rút gọn tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được xây dựng vừa giúp Việt Nam mở cửa thị trường một cách chủ động, vừa thể hiện tinh thần thực hiện cam kết một cách chặt chẽ và hiệu quả.

Ở phía cơ quan thẩm tra, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã bám sát quá trình soạn thảo dự thảo luật, cũng như thực hiện các quy trình, thủ tục được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định. 

Đầu tháng 4/2019, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tổ chức phiên họp mở rộng để thẩm tra, kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, dù phạm vi rà soát rộng, phức tạp, mang tính chuyên môn sâu. 

Nhiều vấn đề chưa phù hợp với điều kiện áp dụng, quy định pháp luật hiện hành, cũng như chưa tương thích với cam kết trong CPTPP liên quan đến kinh doanh bảo hiểm, sở hữu trí tuệ được Thường trực Ủy ban Pháp luật chỉ ra cụ thể và thuyết phục.

Đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan liên quan, song các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn nhiều băn khoăn về tính pháp lý cho quá trình sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ, không chỉ quan tâm đến việc nội luật hóa các cam kết trong CPTPP, mà đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có cái nhìn toàn diện, soi chiếu với các cam kết quốc tế khác nước ta đã và sẽ tham gia. Có như vậy, quá trình ký kết và nội luật hóa cam kết quốc tế mới có sự thống nhất, tạo thuận lợi cho Việt Nam trong triển khai áp dụng.

Như ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi để thực hiện các cam kết của CPTPP đối với 11 nước thành viên, song cần đánh giá tác động của các sửa đổi để nội luật hóa cam kết CPTPP đối với các quốc gia khác đang tiến hành đầu tư và hợp tác ở nước ta. Tạo thuận lợi, chưa tạo thuận lợi cho các quốc gia thành viên, cho Việt Nam, và ngược lại là cho các quốc gia khác như thế nào chứ không chỉ nhìn vào tác động đối với CPTPP. Khi sửa đổi hai luật này có tính tới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới Việt Nam đang đàm phán, ký kết, hoặc sắp tiến hành đàm phán trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu, cần tiến hành rà soát tất cả các nội dung được sửa đổi trong hai luật, để bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký. Vì rằng, quy định pháp luật đã được sửa đổi không thể để có ý kiến phản hồi về sự không tương thích với quy định tại hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Giải trình về những vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định, các cam kết trong CPTPP tương đồng với cam kết liên quan của Việt Nam đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), những cam kết này cũng đang được áp dụng cho tất cả quốc gia thành viên WTO.

Là cơ quan thẩm tra dự luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng các chính sách trong dự án luật là những chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. 

Do đó, đề nghị trong quá trình hoàn thiện dự án luật từ nay đến khi trình Quốc hội thông qua, cơ quan soạn thảo có hình thức phù hợp để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động của dự án luật.

Để thực thi Hiệp định CPTPP, tổng số luật cần phải sửa đổi, bổ sung là 8 luật, gồm Bộ luật Lao động; Luật Phòng, chống tham nhũng (đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội Khóa XIV và nội dung đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP); Luật Tố cáo (đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ năm, Quốc hội Khóa XIV và nội dung đã đáp ứng được yêu cầu của Hiệp định CPTPP); Bộ luật Hình sự; Bộ luật Tố tụng hình sự; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật An toàn thực phẩm.