12:15 24/12/2012

10 điểm nổi bật trong hoạt động ngân hàng 2012

Minh Đức

Nợ xấu, cú sốc tại ACB, nghịch cảnh tín dụng, "siết" thị trường vàng... là những dấu ấn trong hoạt động ngân hàng 2012

Năm 2012, hầu
 hết các nhà băng đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Tổng tài 
sản cả hệ thống nói chung và riêng nhiều thành viên dự tính sụt giảm 
mạnh.
Năm 2012, hầu hết các nhà băng đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Tổng tài sản cả hệ thống nói chung và riêng nhiều thành viên dự tính sụt giảm mạnh.
Năm 2012 đang khép lại với nhiều khác biệt. Lãi suất, tỷ giá và thanh khoản hệ thống ngân hàng không quá căng thẳng như trước. Song không vì thế mà việc điều hành chính sách, hoạt động của các nhà băng bớt đi chật vật.

VnEconomy cùng bạn đọc nhìn lại 10 điểm nổi bật nhất trong hoạt động ngân hàng một năm qua.

1. Nổi cộm nợ xấu

Ngày 7/6/2012, lần đầu tiên trong lịch sử, nợ xấu của các tổ chức tín dụng được “nói trắng” ra như vậy. Trả lời trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra con số gần 10%. Vài tháng trước đó, công chúng mới chỉ quen với con số khoảng 3,4%.

Sự đột biến trên được giải thích từ cơ chế giám sát từ xa của Ngân hàng Nhà nước, khác với báo cáo của các tổ chức tín dụng. Ngay sau đó, nợ xấu trở thành vấn đề nổi cộm trong các dòng chảy thông tin vĩ mô, mà một số chuyên gia gọi là “nút thắt”, “cục máu đông” của nền kinh tế.

Xử lý nợ xấu là yêu cầu bức thiết. Nhiều giải pháp đã và đang triển khai, đang tiếp tục nghiên cứu. Đáng chú ý nhất là phương án thành lập công ty quản lý tài sản (VAMC) với quy mô khoảng 100 nghìn tỷ đồng với nhiều tranh luận, mà cho đến nay vẫn chưa định hình cụ thể.

Tích tụ từ những năm trước, bắt đầu nổi cộm trong 2012 và nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục là khó khăn lớn trong 2013, thậm chí dự kiến phải đến 2015 mới có thể xử lý gọn gàng.

2. Cú sốc tại ACB

Ngày 21/8/2012, thị trường rúng động trước thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là “bầu” Kiên), nguyên là thành viên Hội đồng Sáng lập, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á Châu (ACB), bị bắt một ngày trước đó để “điều tra về một số sai phạm trong hoạt động kinh tế”.

Một loạt phiên đổ dốc là phản ứng trên thị trường chứng khoán. ACB phải gồng mình với khó khăn thanh khoản, từ phản ứng của người dân rút tiền…

Cú sốc tại ACB tiếp tục mở rộng khi ngày 23/8, ông Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc, bị bắt về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Và hơn một tháng sau đó 4 cựu lãnh đạo trong Hội đồng Quản trị bị khởi tố.

Khó khăn dồn dập đến với ACB. Tổng tài sản của ngân hàng này đến cuối quý 3/2012 giảm tới khoảng 67.000 tỷ đồng được cho là do ảnh hưởng từ các sự cố đó. Còn với thị trường, các tin đồn có một “cơ sở thực tế” để bùng phát và gây hoang mang trong công chúng.

3. Mất hút chỉ tiêu tín dụng

Năm 2012 mở đầu ồn ào với cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu tăng tín dụng. Bốn nhóm ứng với các giới hạn khác nhau. Quan trọng hơn, đó như là kết quả xếp hạng mà các ngân hàng nhóm 4 ban đầu là những ẩn số lo ngại.

Tuy nhiên, các chỉ tiêu 17%, 15%, 8% đến nay đã mất hút tại hầu hết các ngân hàng thương mại, thậm chí một số thành viên tăng trưởng âm. Tín dụng tăng trưởng khó khăn là khác biệt và là một vấn đề nổi bật trong năm 2012.

Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15 - 17%, nhưng thực tế có thể chỉ được trên dưới 5%. Phía sau đó là nghịch cảnh: ngân hàng dư thừa vốn, nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì thiếu vốn.

4. Lãi suất dịu sóng

Ngày 21/12/2012, lần thứ 6 trong năm Ngân hàng Nhà nước giảm các lãi suất điều hành, hạ các trần lãi suất huy động và cho vay. Khác biệt ở đây là thời điểm, khi nhiều năm trước lãi suất chỉ có tăng, đua và căng thẳng vào cuối năm. Khác biệt đó gắn với trạng thái thanh khoản của hệ thống tương đối ổn định, và là một kết quả nổi bật trong công tác điều hành.

Ở bình diện chung, lãi suất cho vay cũng giảm khá nhanh và xuống thấp so với năm 2011. Trong đó, sự kiện ngày 15/7 là một dấu ấn của năm 2012 - các ngân hàng thương mại “phải” xem xét hạ lãi suất cho các khoản nợ cũ xuống dưới 15%/năm theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.

Lãi suất giảm mạnh, thanh khoản hệ thống cải thiện là thành công trong điều hành. Song, đi cùng với đó là sự can thiệp mạnh hơn, sâu hơn của các biện pháp hành chính.

5. Tỷ giá bình yên

Ngày 24/12/2012, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND hoàn tất một năm đứng yên ở mốc 20.828 VND. Sau những năm bất ổn, nhiều xáo trộn từ 2008 - 2011, thị trường ngoại hối mới lại có một năm bình yên của tỷ giá USD/VND.

Trong năm 2012, một vài thời điểm tỷ giá USD/VND biến động, song vẫn nằm trong biên độ cho phép. Và lần thứ hai liên tiếp, định hướng như cam kết về khoảng biến động của tỷ giá mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra được giữ vững.

Phía sau sự ổn định của tỷ giá là thành công của việc cắt bỏ những xáo trộn và lôi kéo từ thị trường vàng; chênh lệch lãi suất VND với USD hấp dẫn; kinh tế khó khăn hạn chế nhu cầu nhập khẩu; cán cân tổng thể thặng dư lớn; và đặc biệt là dự trữ ngoại hối nhà nước đã tăng gấp đôi so với đầu năm…

6. Ồn ào chấm dứt huy động vàng

Ngày 27/10/2012, lần thứ hai Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra quyết định nới thời hạn các ngân hàng thương mại phải tất toán trạng thái vàng; trước đó là nới từ tháng 5/2012 đến 25/11/2012; thời hạn mới đã được ấn định là 30/6/2013.

Mốc hẹn ngừng hẳn huy động và đóng trạng thái ngày 25/11 khi chưa được nới trở nên ồn ào, khi gắn với khó khăn thanh khoản vàng ở một số thành viên, sự leo thang của giá vàng trong nước cùng chênh lệch lớn với giá thế giới. Rủi ro lớn, có liên quan, cũng đã thể hiện khi lần đầu tiên thị trường chứng kiến có ngân hàng lỗ đến cả nghìn tỷ đồng…

Ngừng hẳn huy động và cho vay vàng cũng là hướng đi mà Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định trong năm 2012, nhằm thực hiện lộ trình quản lý kinh doanh vàng, chuyển hẳn các quan hệ sang mua - bán.

7. Tiến độ tái cơ cấu không như kỳ vọng

2012 được kỳ vọng là năm trọng điểm của tái cơ cấu hệ thống. Công chúng chờ đợi các cuộc “hôn nhân” nối tiếp sau 3 ngân hàng cuối năm 2011. Chờ đợi bởi kế hoạch dự tính là Ngân hàng Nhà nước sẽ cho hợp nhất, mua bán lại khoảng 5 - 8 ngân hàng ngay trong quý 1.

Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có sự kiện Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) sáp nhập vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) là kết quả thành công cụ thể trong năm. Các thành viên trong diện phải tái cơ cấu, hay khả năng PVFC hợp nhất với Western Bank, vẫn chưa cho điểm đến cuối cùng.

Tiến độ tái cơ cấu hệ thống theo đó được cho là không như kỳ vọng. Song, kết quả chung ít nhiều cũng đã thể hiện khi tình hình sức khỏe của các thành viên nhóm này đã cải thiện, nguy cơ đổ vỡ được đẩy lùi; một số trường hợp như TienPhong Bank đã tự tái cơ cấu, hay gần đây là thông tin TrustBank cũng dự tính là sẽ tự vượt qua…

8. “Đánh động” sở hữu chéo

Hình thành từ nhiều năm trước, nhất là trong giai đoạn 2005 - 2007, song vấn đề sở hữu chéo trong các ngân hàng thương mại mới thực sự được đặt ra đậm nét trong năm 2012.

Nhiều chuyên gia, cơ quan chuyên trách, tổ chức chuyên môn… lần lượt có phân tích và khuyến cáo về những bất cập, hạn chế của sở hữu chéo. Và lần đầu tiên trong nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ (tháng 10/2012), giảm sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng là yêu cầu chính thức đặt ra.

Trên thực tế, năm 2012 cũng đã chứng kiến những cuộc rời bỏ, hay phản ứng co lại. Điển hình như loạt thoái vốn quy mô lớn của ACB tại một số nhà băng, hay thay đổi cổ đông lớn tại Navibank, Western Bank… Hầu hết những sự kiện đó đều diễn ra âm thầm, hoặc thông tin không dành cho số đông.

9. Thay đổi lớn tại Sacombank

Ngày 11/12/2012, ông Đặng Hồng Anh xin từ nhiệm chức danh thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Đây là thành viên cuối cùng trong cơ cấu ban quản trị cũ từ nhiệm, trong đó đáng chú ý là sự ra đi của ông Đặng Văn Thành - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, người hơn 20 năm gắn bó, gây dựng và chèo lái ngân hàng này.

Sự kiện trên gắn với kế hoạch “thâu tóm” Sacombank của một nhóm nhà đầu tư ròng rã hơn một năm trước, thu hút sự chú ý đặc biệt của thị trường. Cơ cấu quản trị và ban điều hành mới chủ yếu là người đến từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank).

Những sự ra đi tại Sacombank có thể xem là một điển hình khắc nghiệt của thị trường, vốn đang ngày càng chuyên nghiệp. Vấn đề còn lại, việc mà nhiều người vẫn gọi là “thâu tóm” có thực hiện đúng pháp luật hay không mà thôi.

10. Một năm sa sút của các nhà băng

Hiện chưa có các con số liên quan chốt lại, nhưng có thể khẳng định 2012 là năm sa sút nhiều mặt của các ngân hàng thương mại.

Hầu hết các nhà băng đều không đạt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh. Tổng tài sản cả hệ thống nói chung và riêng nhiều thành viên dự tính sụt giảm mạnh. Tăng trưởng tín dụng thấp là đa số, thậm chí cả năm vẫn âm; lợi nhuận kém và có cả trường hợp lỗ; nợ xấu tăng cao, chi phí dự phòng lớn và có trường hợp ăn cả vào vốn chủ sở hữu…

Đi cùng với thực tế trên là nhiều đợt cắt giảm và xáo trộn nhân sự, cắt giảm lương thưởng ghi nhận trong năm 2012. Sự sa sút đó còn phản ánh thực tế năng lực dự báo hay tham vọng chủ quan mà các ông chủ ngân hàng đưa ra hồi đầu năm.