16:17 23/01/2007

1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp điều

Minh Đức thực hiện

Năm 2007, Techcombank dự kiến sẽ dành 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ngành điều vay vốn sản xuất kinh doanh

"Chúng tôi sẽ cho vay có chọn lọc, dựa trên năng lực sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp".
"Chúng tôi sẽ cho vay có chọn lọc, dựa trên năng lực sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp".

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cho biết ngân hàng dự kiến sẽ dành 1.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp ngành điều vay vốn trong năm 2007.

Con số trên cao gấp 3 lần lượng tín dụng mà Techcombank hỗ trợ cho ngành này trong năm 2006.

Tuy nhiên, những năm gần đây nhiều doanh nghiệp ngành điều làm ăn thua lỗ, hoạt động cho vay này có gặp nhiều rủi ro không, thưa bà?

Hiện nay, nhờ giá trị kinh tế cao, hạt điều là một mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược của Việt Nam, các nước trên thế giới đều khẳng định hạt điều Việt Nam chiếm vị thế số 1 trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, ngành điều lại liên tục thua lỗ, năm 2005 ước tính lỗ đến 1.000 tỷ đồng, năm 2006 tuy tình hình có cải thiện nhưng vẫn tiếp tục lỗ.

Để “xốc” lại ngành điều trong năm 2007, bên cạnh việc cải tổ lại phương thức kinh doanh, quan tâm nhiều hơn đến việc cải tiến công nghệ và nhất là khâu thu mua nguyên liệu thì ngành điều cũng rất cần có sự hỗ trợ của ngân hàng. Trong đó Techcombank dự kiến sẽ dành 600 tỷ đồng cho doanh nghiệp điều vay vốn và nếu có chiều hướng tiến triển tốt chúng tôi có thể hỗ trợ đến 1.000 tỷ đồng. Mức cho vay là 70% trị giá hàng tồn kho.

Theo nhận định của chúng tôi, năm 2007 sẽ là năm phục hồi của ngành điều vì các doanh nghiệp điều đã ý thức về việc cần phải cải tổ cách thức làm việc, đặc biệt là các yếu tố để cạnh tranh khi Việt Nam là thành viên chính thức của WTO.

Đặc biệt quan trọng, ngành điều trước nay thua lỗ một phần cũng vì thiếu vốn và chưa có sự hỗ trợ đắc lực từ phía ngân hàng. Chính vì thế, việc có thêm sự cam kết cung cấp vốn cho ngành điều sẽ là nhân tố quan trọng để tạo lực cho ngành điều khai thác các lợi thế sẵn có thể phát triển.

Về yếu tổ rủi ro của khoản vay, Techcombank sẽ có các biện pháp kiểm soát phù hợp như chú trọng xem xét tài trợ các doanh nghiệp có giá mua nguyên liệu điều thô nhập vào dưới 11.000 - 11.500 đồng/kg để đảm bảo không bị thua lỗ khi xuất khẩu, xếp hạng doanh nghiệp, thẩm định chặt chẽ kế hoạch sản xuất kinh doanh và năng lực chế biến của doanh nghiệp xin tài trợ vốn, cho vay theo giá khuyến cáo của hiệp hội điều…

So với số vốn 360 tỷ trong năm 2006, lượng tín dụng Techcombank cho vay năm nay tăng vọt như vậy có phải triển vọng của ngành điều đã tốt hơn, doanh nghiệp và ngân hàng đã hiểu nhau hơn?

Techcombank chỉ mới bắt đầu tài trợ các doanh nghiệp điều trong khoảng 2 - 3 năm gần đây với dư nợ khá khiêm tốn là 350 tỷ so với tổng nhu cầu vốn hơn 4.000 tỷ để thu mua hết nguyên liệu đầu vụ.

Năm 2007, Techcombank sẽ dành khoảng 600 đến 1.000 tỷ đồng tài trợ cho các doanh nghiệp điều. Đây là mức tài trợ được tính toán dựa trên năng lực và triển vọng của ngành điều. Hiện nay, nhu cầu về hạt điều tại các nước phát triển ngày càng tăng lên, thị trường xuất khẩu của ngành điều lại đang ngày càng mở rộng, hạt điều Việt Nam đã có vị thế trên thị trường thế giới… Đây sẽ là các yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của ngành điều trong năm 2007.

Một điều quan trọng hơn đã được Techcombank tính tới là do đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Hiệp hội điều và các ngân hàng, tạo ra cơ chế mở về mặt thông tin, từ đó ngân hàng có thể nắm được tình hình cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Tuy nhiên, việc gia tăng dư nợ phát vay của Techcombank sẽ tiến hành đồng thời với việc cho vay có chọn lọc, dựa trên năng lực sản xuất kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng một trong những nguyên nhân thua lỗ của doanh nghiệp điều cũng chính là từ ngân hàng như thúc nợ “trái mùa”, giải ngân chậm… Ý kiến của bà thế nào?

Đúng là trong những năm qua, ngành điều thua lỗ một trong những nguyên nhân cũng vì từ phía ngân hàng thúc nợ “trái mùa”, giải ngân chậm…

Nhu cầu vốn ngành điều hàng năm khoảng 5.000 tỷ (năm cao nhất 7000 tỷ), vốn tự có từ 10 - 30% và hiện nay vốn để thu mua nguyên liệu của ngành điều chủ yếu dựa vào vốn của ngân hàng, việc giải ngân chậm, thúc nợ,… sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp điều.

Để giải quyết thực trạng này, năm 2007, cùng với việc cho vay, chúng tôi sẽ cam kết là nhà tư vấn tài chính cho các doanh nghiệp, bắt tay cùng doanh nghiệp giải quyết vấn đề để hai bên cùng có lợi chứ không chỉ là đơn vị cho vay vốn như trước nữa.

Vậy điều kiện nào để doanh nghiệp điều tiếp cận nguồn tín dụng của Techcombank? Ngoài tín dụng, ngân hàng có những hỗ trợ khác cho doanh nghiệp không?

Để đảm bảo sự phát triển hiệu quả của ngành điều, về phía Techcombank khi cho vay sẽ có những điều chỉnh hợp lý về quy định vay vốn, kiên quyết không giải ngân khi thị trường chưa bình ổn ở mức hợp lý, đảm bảo ngân hàng giữ được vai trò “giám đốc điều hành” của ngành điều, vừa làm chỗ dựa, vừa làm cái van điều tiết cho sự phát triển đó.

Hiện nay, Techcombank đang tài trợ cho ngành điều với tổng mức tài trợ khoảng 350 tỷ đồng, phương thức tài trợ từ cho thu mua nguyên liệu dự trữ đến tài trợ thương mại, ở mức vay là 70% - 80% giá trị lô hàng và mức chiết khấu bộ chứng từ tối đa lên tới 95%.

Ngoài tín dụng, Techcombank còn hỗ trợ các dịch vụ khác cho doanh nghiệp như: vận tải, kho vận, nhờ sự phối hợp với các công ty logistics như Gemadept, Vinalink, Vinafco; từ đó, hỗ trợ việc nhập cũng như giữ điều thô nguyên liệu, cụ thể đó là hỗ trợ về chi phí lưu kho.

Chúng tôi cũng đề xuất các giải pháp tài chính khác như áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp có mức tham gia vào phương án trên 30% và tập trung trên 80% doanh số giao dịch qua Techcombank hoặc khi công ty có nhu cầu về nguyên liệu sản xuất hoặc xuất khẩu thành phẩm thì chúng tôi cũng sẽ tạo điều kiện hoán chấp tài sản từ điều thô sang điều nhân, hoặc điều nhân với giá trị cầm cố tương đương.

Ngoài ra, Techcombank còn cung cấp giải pháp phòng ngừa rủi ro và các công cụ tài chính với hợp đồng kỳ hạn (forward), quyền lựa chọn (option), giao dịch hoán đổi ngoại tệ (swap), hợp đồng tương lai hàng hoá (future contract)…