09:00 19/12/2007

2008: “Ngành giao thông cần 11.000 tỷ đồng”

Công Lý

Hỏi chuyện ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

"Nếu không được bổ sung vốn, tất cả các dự án dở dang của kế hoạch năm 2007 sẽ phải đình hoãn".
"Nếu không được bổ sung vốn, tất cả các dự án dở dang của kế hoạch năm 2007 sẽ phải đình hoãn".
Hỏi chuyện ông Hồ Nghĩa Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Xin ông cho biết tình hình giải ngân vốn đầu tư phát triển của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2007?

Năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải được Nhà nước giao 7.572 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước, trong đó vốn nước ngoài 3.600 tỷ đồng. 6 tháng cuối năm, Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động điều hoà điều chỉnh vốn đã được phân bổ cho các dự án trong kế hoạch 2007 không có khả năng thực hiện trong năm 2007 cho các dự án có nhu cầu cấp thiết, đủ điều kiện giải ngân. Đến nay về cơ bản đã điều hoà xong.

Bộ Giao thông Vận tải đang chỉ đạo các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đôn đốc nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh thi công, hoàn chỉnh các thủ tục nghiệm thu thanh toán, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Nhà nước giao năm 2007. Riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cố gắng bám chỉ tiêu đã đăng ký.

Đầu năm 2007 Bộ Giao thông Vận tải đăng ký khối lượng vốn trái phiếu Chính phủ là 12.656 tỷ đồng, nhưng đến tháng 8/2007 lại xin điều chỉnh xuống còn 6.291 tỷ đồng. Nguyên nhân chính của vấn đề này là gì?

Việc giải ngân chậm vốn trái phiếu Chính phủ năm 2007 là tình hình chung của cả nước. Riêng ngành giao thông vận tải có một số nguyên nhân như: Năm 2006 và 2007 Chính phủ, các bộ ngành ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu với những thay đổi căn bản liên quan đến trình tự thủ tục triển khai dự án đầu tư, phân công phân cấp, hình thức tổ chức quản lý thực hiện dự án...

Việc phân bổ trái phiếu Chính phủ chậm, sau khi có thông báo vốn Chính phủ chủ trương chỉ được phép triển khai trong phạm vi nguồn vốn cho phép (khoảng 54.000 tỷ đồng) nên mất nhiều thời gian để cắt giảm quy mô, phân kỳ đầu tư, cắt giảm đối tượng đầu tư mới phê duyệt được dự án để triển khai các bước tiếp theo, làm chậm tiến độ, nhiều dự án đến nay vẫn chưa khởi công. Hầu hết các dự án đều phải điều chỉnh do chế độ chính sách, giá cả thay đổi liên tục, kéo dài thời gian phê duyệt điều chỉnh.

Có nhiều gói thầu đã đấu thầu trước đó 1 đến 2 năm, giá cả tăng vọt nhà thầu không có khả năng thực hiện hợp đồng phải tổ chức đấu thầu lại. Công tác giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục khó khăn phức tạp. Các địa phương chưa thực sự sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ chủ đầu tư tiểu dự án giải phóng mặt bằng...

Từ những nguyên nhân nêu trên, dựa vào kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm, 6 tháng cuối năm 2007, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát từng dự án cân đối lại chỉ bố trí vốn cho những dự án đủ thủ tục có khả năng giải ngân đăng kí lại với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để chủ động sắp xếp nguồn trái phiếu Chính phủ cho 6 tháng cuối năm và cả năm 2007.

Vậy năm 2008 Bộ Giao thông Vận tải sẽ đăng ký khối lượng vốn đầu tư phát triển là bao nhiêu để đảm bảo tính khả thi?

Về nguồn ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải đã xây dựng kế hoạch 2008 trình Thủ tướng Chính phủ, theo đó nhu cầu năm 2008 cần 11.000 tỷ đồng, trong đó vốn cho các dự án ODA 6.000 tỷ đồng; cho các dự án chuyển tiếp trong nước 2.800 tỷ đồng; cho các dự án khởi công mới quan trọng cấp bách 1.800 tỷ đồng; còn lại cho các nhiệm vụ khác như y tế, giáo dục, chương trình mục tiêu quốc gia...

Tuy nhiên đến nay Thủ tướng Chính phủ mới giao kế hoạch vốn cho các dự án ODA 5.666,7 tỷ đồng, so với nhu cầu còn thiếu khoảng 5.000 tỷ đồng và chỉ đạt 74% của kế hoạch năm 2007. Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung vốn hoặc ứng trước vốn trái phiếu Chính phủ để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ bản năm 2008.

Nếu không được bổ sung tất cả các dự án dở dang của kế hoạch năm 2007 sẽ phải đình hoãn, trong đó có nhiều dự án rất cấp bách như nạo vét luồng vào cảng Cái Lân, xây dựng nhà ga cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Đường cất hạ cánh cảng hàng không Đà Nẵng...

Về vốn trái phiếu Chính phủ, ngày 05/12/2007 Chính phủ đã định hướng phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2008 cho giao thông vận tải (gồm các dự án của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng và các địa phương quản lí) là 19.000 - 22.000 tỷ đồng.

Bên cạnh hai nguồn vốn này, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai rất nhiều dự án theo hình thức BOT, trong đó lực lượng thi công chủ yếu cũng từ các doanh nghiệp thuộc Bộ. Từ năm 2004 đến 2007 bình quân Bộ Giao thông Vận tải chỉ giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, trên cơ sở đó và căn cứ vào tình hình thực tế Bộ đăng ký với Chính phủ giải ngân nguồn trái phiếu Chính phủ khoảng 10.000 tỷ đồng trong năm 2008.

Ông cho biết hướng khắc phục của Bộ Giao thông Vận tải trong năm 2008 để không rơi vào tình trạng giải ngân như hiện nay?

Chỉ tiêu giải ngân năm 2008 do Chính phủ giao là rất lớn nên Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong tổ chức thực hiện. Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Chính phủ coi các công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ là các công trình cấp bách vì lợi ích quốc gia để được áp dụng cơ chế đặc biệt theo Nghị quyết số 59/2007/NQ-CP ngày 30/11/2007 về một số giải pháp xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các bộ ngành phối hợp chặt chẽ giải quyết nhanh các đề xuất, các khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai, các địa phương tổ chức thực hiện nhanh tiểu dự án giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thi công.