05:15 17/11/2009

4 lý do không quy định lãi suất cơ bản

Minh Đức

Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4 lý do chính để không quy định lãi suất cơ bản trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi

Ngân hàng Nhà nước cho rằng thực tiễn cho thấy việc quy định trần lãi suất quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí hoạt động - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng thực tiễn cho thấy việc quy định trần lãi suất quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí hoạt động - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngân hàng Nhà nước đưa ra 4 lý do chính để không quy định lãi suất cơ bản trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi.

Chiều 16/11, Quốc hội thảo luật tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi. "Điểm nóng" về lãi suất cơ bản đã tập trung thảo luận trong buổi sáng trong những góp ý về nội dung dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi tiếp tục được một số đại biểu đề cập.

Trong phần thảo luận của mình, đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) dẫn lại 4 lý do chính từ bản thuyết minh của Ngân hàng Nhà nước về việc không quy định lãi suất cơ bản trong dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi. Cụ thể:

Thứ nhất, Ngân hàng nhà nước cho rằng việc áp dụng cơ chế lãi suất thỏa thuận trong hoạt động ngân hàng là phù hợp với định hướng, đường lối, chính sách của Đảng tại báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Khóa IX về nhiệm vụ kinh tế xã hội 5 năm là “Thực hiện chính sách lãi suất thỏa thuận theo nguyên tắc thị trường”.

Đại biểu Luật cho rằng ở đây mới chỉ viện dẫn chứ chưa giải thích rõ hiểu như thế nào cho đúng tinh thần nghị quyết của Đảng.

Thứ hai, theo Ngân hàng Nhà nước, thực tiễn cho thấy việc quy định trần lãi suất quy định tại Điều 476 Bộ luật Dân sự có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, tức là chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí hoạt động.

“Nêu như thế này chưa thuyết phục và chưa thấy báo cáo việc áp dụng lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự nó ảnh hưởng tiêu cực đến bao nhiêu tổ chức tín dụng và ảnh hưởng đến khả năng chi trả”, đại biểu Luật bình luận.

Thứ ba, hiện nay có 120 tổ chức tín dụng nên mức độ cạnh tranh trong ngân hàng là rất lớn, dù không quy định nhưng có thể kiểm soát được lãi suất. Dẫn lại lý do này, ông Luật khẳng định: “Chúng tôi thấy trong thời gian vừa qua càng nhiều tổ chức tín dụng đua nhau, cạnh tranh nhau mức lãi suất thì không thể kiểm soát được”.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước có nêu việc áp dụng trần lãi suất có thể làm cho lãi suất cho vay của các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng không phản ánh đúng và đầy đủ tình trạng thanh toán của các ngân hàng, vô hiệu hóa tín hiệu quan trọng nhất để điều hành chính sách tiền tệ.

Cả 4 lý do trên đại biểu Luật cho là chưa thuyết phục và đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn, thuyết phục hơn để Quốc hội xem xét trước khi quyết định vấn đề quan trọng liên quan đến chính sách lãi suất, cũng như việc điều hành thị trường tiền tệ trong tương lai.