09:40 22/02/2012

5 “ông lớn” hứa tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng

Từ Nguyên

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tính đến nay đã có 5 doanh nghiệp nhà nước hứa cắt giảm chi phí quản lý trong năm 2012

Lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ ký giao ước tiết kiệm tại Tập đoàn HUD chiều 21/2.
Lãnh đạo các bộ, ngành chứng kiến lễ ký giao ước tiết kiệm tại Tập đoàn HUD chiều 21/2.
Ngày 21/2, Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (HUD) đã tổ chức công bố kế hoạch tiết giảm chi phí quản lý và phương án tái cấu trúc tập đoàn.

Theo đó, do xác định tình hình còn khó khăn trong năm nay, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản, HUD đã quyết định ký giao ước thi đua giữa công ty mẹ và 4 tổng công ty thành viên về thi đua tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, quản lý, giảm giá thành sản phẩm.

Với chương trình này, HUD phấn đấu tiết giảm được 125 tỷ đồng từ chi phí quản lý, nâng lợi nhuận dự kiến theo kế hoạch năm 2012 của toàn tập đoàn từ 1.980 tỷ đồng lên 2.105 tỷ đồng.

Cùng với đó, HUD cũng chính thức công bố phương án tái cấu trúc tập đoàn giai đoạn 2011 – 2015, sớm hoàn thành trong quý 1/2012 để trình Bộ Xây dựng, Thủ tướng phê duyệt.

Phát biểu tại hội nghị của HUD, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 5 tập đoàn, tổng công ty cam kết tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất trong năm nay, gồm : Tập đoàn Bảo Việt 145 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may 1.100 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam 1.800 tỷ đồng, HUD 125 tỷ đồng và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam 105 tỷ đồng.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, mục đích của việc tiết giảm, tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty là nhằm đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, có hiệu quả so với nguồn lực và điều kiện sẵn có. Đồng thời cũng nhằm khẳng định vai trò đầu tàu kinh tế của các tập đoàn, tổng công ty.

Trong khi đó, theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, sở dĩ các “ông lớn” nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng, giờ phải đẩy mạnh hơn nữa việc tiết kiệm chi phí, là bởi trước đó đã có tình trạng “vung tay quá trán” của một số đơn vị trong vấn đề chi tiêu, sử dụng ngân sách.