14:04 14/07/2011

9 ngân hàng bị phạt tăng gấp đôi dự trữ bắt buộc

Minh Đức

Có 9 ngân hàng không kịp rút tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về mốc 22%, dự trữ bắt buộc kỳ tháng 7 này bị phạt tăng gấp đôi

9 tổ chức tín dụng này phải chịu tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND từ không kỳ hạn đến dưới 12 tháng là 6%, kỳ hạn dài hơn là 2%; tương ứng với ngoại tệ lên tới 14% và 10% - Ảnh: SGTT.
9 tổ chức tín dụng này phải chịu tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND từ không kỳ hạn đến dưới 12 tháng là 6%, kỳ hạn dài hơn là 2%; tương ứng với ngoại tệ lên tới 14% và 10% - Ảnh: SGTT.
Đến 30/6, có 9 tổ chức tín dụng không kịp rút tỷ trọng tín dụng phi sản xuất về mốc 22%, đồng nghĩa với dự trữ bắt buộc kỳ tháng 7 này bị phạt tăng gấp đôi.

Theo TTXVN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết đến hạn 30/6/2011 vẫn còn 9 tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất trên 22%.

Ứng với quy định tại Chỉ thị số 01 trước đó của Ngân hàng Nhà nước, 9 thành viên này sẽ bị phạt bằng hình thức hạn chế mở rộng kinh doanh, tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Như vậy, với mức hiện hành, 9 tổ chức tín dụng này phải chịu tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ít nhất là trong kỳ tháng 7 này, đối với tiền gửi VND từ không kỳ hạn đến dưới 12 tháng là 6%, kỳ hạn dài hơn là 2%; tương ứng với ngoại tệ lên tới 14% và 10%.

Hiện Ngân hàng Nhà nước không công bố danh tính cụ thể nhóm bị phạt nói trên để có thể tính toán quy mô huy động vốn hiện tại và ảnh hưởng của việc bị tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với hệ thống nói chung.

Tuy nhiên, việc thực hiện theo tỷ lệ 22% nói trên vẫn được tiếp tục, và nếu trong tháng 7 này thành viên nào đã rút về kịp thì tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho kỳ tháng 8 tới sẽ được trả lại như cũ.

Về tác động của sự kiện này đối với thanh khoản hệ thống, như đề cập ở trên, mức độ tùy thuộc vào quy mô của các thành viên. Còn theo báo cáo cập nhật của một số tổ chức đầu tư, trong tuần đầu tháng 7, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tiếp tục ổn định, lãi suất qua đêm dao động từ 11,5% - 12,5%/năm.

Trên thị trường mở (OMO), sau tuần bơm ròng 1.000 tỷ đồng từ 4 - 8/7, đầu tuần này Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục hút ròng đáng kể. Tính chung 3 ngày đầu tuần này, lượng vốn hút ròng qua OMO là 4.000 tỷ đồng.