00:21 21/01/2010

ATM ngày Tết: Đến hẹn, lại nghẽn?

Ái Vân

Cứ mỗi dịp Tết, giao dịch qua ATM lại tăng đột biến. Năm nay, dù chuẩn bị trước, nhưng tình trạng quá tải xem ra vẫn khó tránh

Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết đã có kế hoạch chuẩn bị chi tiết để hệ thống ATM đón một cái tết suôn sẻ - Ảnh: Việt Tuấn.
Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết đã có kế hoạch chuẩn bị chi tiết để hệ thống ATM đón một cái tết suôn sẻ - Ảnh: Việt Tuấn.
Cứ mỗi dịp Tết, giao dịch qua ATM lại tăng đột biến. Năm nay, dù chuẩn bị trước, nhưng tình trạng quá tải xem ra vẫn khó tránh.

Ngày 7/1, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đốc thúc các ngân hàng thương mại tăng cường chuẩn bị cho dịch vụ ATM, chủ động đáp ứng tốt nhu cầu giao dịch được dự báo tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần sắp tới.

Cao điểm: 29 Tết

Có chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, tự chủ động chuẩn bị trước, nhưng đại diện một số nhà cung cấp dịch vụ thẻ vẫn không dám chắc hệ thống ATM của ngân hàng mình sẽ thông suốt 100% những ngày Tết.

Kinh nghiệm những năm gần đây cho thấy, cao điểm nhất của dịp này là ngày 29 Tết, ngày cận cuối của năm âm lịch và nhu cầu tiêu dùng được đẩy cao. “Giờ vàng” giao dịch trong ngày cao điểm này được xác định từ 15h - 17h. Đây cũng là thời điểm thường diễn ra tình trạng quá tải những năm trước mà một số nhà cung cấp dịch khuyến cáo khách hàng lưu ý.

Một tính toán cho thấy, số lượng thẻ ATM đã phát hành tại Việt Nam hiện đã đạt gần 20 triệu thẻ, trong khi mới chỉ có khoảng 15.000 máy ATM. Chỉ cần khoảng 20% số thẻ đó thực hiện giao dịch cùng lúc, hệ thống cũng có thể kẹt cứng. Bên cạnh đó, với lượng tiền rút phục vụ tiêu dùng những ngày Tết thường cao hơn bình thường, việc tiếp quỹ có thể bị gián đoạn, ảnh hưởng đến các giao dịch rút tiền mặt.

Theo phân tích của đại diện Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là khối có lượng công nhân lớn, thường tập trung trả lương, thưởng qua tài khoản vào những ngày cuối năm dẫn đến tình trạng dồn nhu cầu vào cùng một thời điểm. Theo đó, khuyến cáo mà ngân hàng này đưa ra là các doanh nghiệp xem xét việc đổ lương vào tài khoản vào các thời điểm khác nhau và thông báo cụ thể để tránh nhân viên “tập kết” rút tiền cùng lúc.

Năm nay, có thể thấy nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh các dịch vụ tiện ích như Internet Banking, SMS Banking để “chia lửa” cho hệ thống ATM. Người tiêu dùng có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển khoản, kiểm tra số dư… trực tuyến hoặc qua điện thoại di động mà không phải đến giao dịch trực tiếp tại máy. Tuy nhiên, những dịch vụ này vẫn chưa thực sự đại chúng và hiện chưa có sự thông suốt giữa các tài khoản ở các hệ thống khác nhau.

Cơ hội để… ghi điểm

Ngay những ngày đầu tháng 1/2010, Ngân hàng HSBC Việt Nam thông báo đã hoàn tất việc lắp đặt loạt máy ATM thế hệ mới. Đây là kế hoạch nhằm mở rộng dịch vụ, sự hiện diện sau khi HSBC đã chính thức lập ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam trong năm 2009. Và kế hoạch này được triển khai nhanh cũng nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Hiện HSBC đã sẵn có 146 máy, cùng với 564 máy của đối tác Techcombank mà khách hàng được giao dịch miễn phí.

Nhà cung cấp dịch vụ ATM lớn là Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) cho biết cũng đã có kế hoạch chuẩn bị chi tiết để hệ thống ATM đón một cái tết suôn sẻ. Vietcombank đã và đang tiến hành nâng cấp và trang bị thêm cho hệ thống, tăng cường các ca trực và lực lượng tiếp quỹ cho những ngày cao điểm sắp tới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm Thẻ Vietcombank, nói: “Hiện tại thẻ của Vietcombank, Techcombank đã có thể rút được tại hệ thống của VNBC, Banknetvn, cộng cả hệ thống của Smartlink là gần 15.000 máy ATM, nên khách hàng cũng sẽ thuận tiện hơn, tránh quá tải trong hệ thống của riêng Vietcombank”.

Còn theo bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc Smartlink (công ty dịch vụ chuyển mạch thẻ), cho rằng, dù các ngân hàng tăng cường và chủ động nhưng trong dịp Tết, với số lượng giao dịch tăng cao, hiện tượng ATM gặp sự cố là khó tránh khỏi.

“Vấn đề là các ngân hàng phải chuẩn bị kỹ để tiếp quỹ kịp thời, trả thẻ lại cho khách hàng và giải quyết các khiếu nại nhanh trong trường hợp có sự cố. Trong dịp cận Tết, ngân hàng nào làm công tác này tốt hơn sẽ ghi điểm với khách hàng về chất lượng dịch vụ thẻ”, bà Tú Anh nêu ý kiến.

Trong khi đó, tại Techcombank, một số yêu cầu cũng đã được vạch ra để đảm bảo thực hiện thống nhất trên toàn hệ thống.

Ông Đặng Công Hoàn, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Vận hành thẻ Techcombank, cho biết yêu cầu đầu tiên đặt ra là trong những ngày cao điểm, lực lượng tiếp quỹ tiền mặt cho ATM tại các chi nhánh phải được tăng cường với tần suất 150% - 200%.

Thứ hai, Techcombank đặt hạn tối đa xử lý các sự cố về thẻ thuộc hệ thống của mình trong 5 ngày làm việc. Thứ ba, trường hợp khách hàng giao dịch ATM không thành công, tài khoản bị trừ tiền và hệ thống ghi nhận được trong điều kiện các kết nối giao dịch ATM với các mạng liên kết bin thường thì Techcombank sẽ tự động hoàn tiền cho khách hàng trong vòng 1 - 2 phút ngay sau đó.

“Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường đường dây nóng giải đáp thắc mắc hướng dẫn hỗ trợ cho khách hàng để thực hiện các yêu cầu trợ giúp; phối hợp với các nhà cung cấp máy ATM và thiết bị chuyên dụng tăng cường công tác bảo trì, bảo hành thiết bị để hạn chế trục trặc trong quá trình khách hàng giao dịch”, ông Hoàn cho biết.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc đốc thúc các thành viên, Thống đốc cũng yêu cầu các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của mạng lưới ATM trên địa bàn, nắm bắt thông tin và chỉ đạo các tổ chức phát hành thanh toán thẻ xử lý kịp thời các sự cố phát sinh.

Cơ quan này cũng yêu cầu các đầu mối trên có tổng hợp tình hình hoạt động thanh toán trong dịp Tết và có báo cáo nhanh trước ngày 25/2/2010.