00:16 05/08/2011

Ba ưu tiên của tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Minh Đức

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn trao đổi về nhiệm vụ mới cũng như về thông tin cá nhân của mình

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, đầu tuần này, ông Vũ Viết Ngoạn đã chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, đầu tuần này, ông Vũ Viết Ngoạn đã chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia.
“Kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được về lĩnh vực ngân hàng là tài sản quý báu với tôi để thực hiện nhiệm vụ hiện tại”, tân Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn nói, trong cuộc trò chuyện với VnEconomy và một số cơ quan báo chí.

Ông nhớ lại:

- Tôi đăng ký và được cơ quan cử đi học và bảo vệ luận án tiến sỹ vào cuối năm 1995, theo phương thức học từ xa. Năm 1996, trường xảy ra vụ bê bối tài chính do hiệu trưởng vi phạm pháp luật. Đầu năm 1997, trường được chuyển nhượng cho nhà đầu tư khác và được cơ cấu lại. Trường có hội đồng quản trị và ban giám hiệu mới. Giai đoạn sau này trường hoạt động khá quy củ, nề nếp, đúng theo quy định của pháp luật. Thời gian tôi đăng ký thi là vào năm 1997, 1998 và bảo vệ luận án vào cuối năm 1998.

Học từ xa đòi hỏi tính tự chủ cao

Ông đã tiếp cận quá trình đào tạo này như thế nào, và tại sao lại chọn theo hình thức đào tạo từ xa?

Dĩ nhiên học từ xa thì hạn chế hơn là tập trung. Nhưng ở thời điểm đó, điều kiện ngân sách và thời gian eo hẹp. Mặt khác, tôi cũng đã tham khảo tư vấn của một số giáo sư của Mỹ trong chuyến công tác tại Việt Nam lúc đó, họ nói rằng chương trình đào tạo từ xa rất phù hợp với những người vừa học vừa làm nên thu hút khá đông doanh nhân ở Mỹ. Và tôi cũng xác định học là để lấy kiến thức cho mình.

Quá trình theo học của ông có khó khăn không?

Tất nhiên, phương thức học từ xa khi đó có rất nhiều khó khăn và đòi hỏi tính tự chủ cao. Khó khăn đầu tiên là phải tìm và mua được sách. Vào những năm đó chưa có điều kiện để mua sách qua Internet như bây giờ. Tôi phải nhờ bạn bè và bản thân khi nào đi công tác nước ngoài là tranh thủ mua sách.
 
Do tôi đã có quá trình công tác thực tế tại ngân hàng, đã tham gia thỉnh giảng và hướng dẫn luận án tại dự án cao học ở Hà Lan, cũng như đã có một số bài nghiên cứu đăng trên tạp chí… nên việc tiếp cận chương trình, thi và bảo vệ luận án tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, vì đây là trường dòng nên có môn học bắt buộc là thần học. Đó thực sự là một khó khăn. Tôi chưa biết gì về thần học cho nên phải nhờ anh bạn tôi là Nguyễn Thành Nam, có thời gian là Tổng giám đốc FPT, giới thiệu cho tôi anh Trần Quốc Bình, trước học toán ở Trường Tổng hợp Lomonoxop nhưng rất thạo về thần học đến giúp tôi một tuần hai buổi. Tôi đã theo học gần hai tháng, nhờ đó đã qua được bộ môn hết sức thách thức này.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, đầu tuần này, ông đã chính thức tiếp nhận vị trí Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Đâu là yếu tố có thể giúp ông thành công ở nhiệm vụ mới?

Tôi đã có 30 năm làm ở ngân hàng thương mại, trong đó có gần 8 năm ở cương vị Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được về lĩnh vực ngân hàng là tài sản quý báu với tôi để thực hiện nhiệm vụ hiện tại.

Quá trình làm việc tại Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng giúp tôi tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm. Và tôi cho rằng giữa lý luận và thực tiễn là một khoảng cách lớn, cần phải có kiến thức về lý luận và kiến thức về thực tiễn. Công việc hôm nay của chúng tôi đòi hỏi sự kết hợp của hai yếu tố đó.

Về yếu tố thành công, trước đây khi làm Tổng giám đốc Vietcombank, tôi đã có lần trả lời phóng viên rằng yếu tố quyết định giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ chính là sự sáng tạo. Còn ở cương vị mới này, mặc dù mới có chỉ mấy ngày nhưng tôi tiên lượng hai yếu tố quan trọng đối với tôi, đó là kiến thức và sự hợp tác.

Sẽ có hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro tài chính

Khi tiếp nhận nhiệm vụ mới, ông định hình thế nào về công việc và định hướng hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới?

Tôi mới nhận công tác ít ngày nên cần thêm thời gian để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn mới có thể trả lời đầy đủ được. Tuy nhiên, có một số nội dung ưu tiên mà tôi muốn triển khai trong thời gian tới.

Thứ nhất, tôi dự định đề xuất thiết lập một cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có chức năng giám sát thị trường tài chính.

Thứ hai là thiết lập mạng lưới cộng tác viên cũng như xây dựng cơ chế phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học để tham mưu chính sách kinh tế và tài chính cho Thủ tướng.

Thứ ba là tăng cường công tác nghiên cứu khoa học hướng vào việc xây dựng một số mô hình dự báo kinh tế.

Ông có thể nói rõ hơn những mô hình dự báo kinh tế đó không?

Dự báo kinh tế là công việc hết sức khó khăn nhưng rất cần thiết. Hiện một số cơ quan chức năng, tổ chức cũng đã xây dựng và vận hành một số mô hình trên thực tế. Còn với chức năng nhiệm vụ dược giao, chúng tôi quan tâm đến một số mô hình dự báo cấp thiết đối với Việt Nam.

Trước hết, chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng mô hình dự báo “độ chênh sản lượng” (output gap), tức chênh lệch giữa sản lượng thực tế và sản lượng tiềm năng. Đây là một công cụ quan trọng để dự báo lạm phát. Hầu hết chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đều đã và đang sử dụng công cụ này.

Thứ hai là xây dựng một mô hình lượng hóa mối tương quan giữa tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tốc độ tăng tín dụng và lạm phát trong điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Thứ ba là xây dựng một hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro hệ thống tài chính đối với ổn định kinh tế vĩ mô và đo lường khả năng chịu đựng của hệ thống tài chính đối với biến động từ bên ngoài.

Ông có thể nói chi tiết hơn cơ sở của những mô hình đó và lộ trình triển khai của Ủy ban?

Chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng và cố gắng đưa vào ứng dụng các mô hình đó vào cuối năm 2012. Trong quá trình ứng dụng sẽ tiếp tục hoàn thiện để phù hợp với thực tế và phát huy hiệu quả.

Tôi đã làm chủ nhiệm 6 đề tài khoa học cấp bộ, trong đó có một số đề tài về quản trị ngân hàng. Luận án tiến sỹ của tôi với đề tài “Đo lường và quản lý rủi ro lãi suất: mô hình áp dụng cho các ngân hàng Việt Nam” cũng hàm chứa nội dung khoa học về quản trị ngân hàng.

Trong luận án, tôi đã xây dựng một mô hình quản trị lãi suất đặt tên là mô hình hỗn hợp (hybrid model) trên cơ sở kết hợp hai phương pháp quản trị rủi ro lãi suất: phương pháp thứ nhất là quản trị độ chênh lệch vốn theo cảm biến lãi suất; phương pháp thứ hai là quản trị chênh lệch kì hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Mô hình này mặc dù được thiết kế cách đây hơn chục năm, nhưng theo tôi vẫn còn nguyên giá trị và có tính ứng dụng cao vào điều kiện của Việt Nam. Phương pháp đo lường rủi ro lãi suất nêu trong luận án của tôi cũng có thể được sử dụng như một thông số đánh giá an toàn tài chính của tổ chức tín dụng.