15:54 29/11/2010

Bảo hiểm phi nhân thọ: Cạnh tranh đã đến mức báo động

Hoàng Xuân

Doanh thu cao, tăng trưởng mạnh song hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam không hề tương xứng

Hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm như tai nạn con người, hàng hóa, tàu biển, xe cơ giới, cháy nổ, kỹ thuật... đều có tỷ lệ đã giải quyết bồi thường đến 45% phí bảo hiểm thu được.
Hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm như tai nạn con người, hàng hóa, tàu biển, xe cơ giới, cháy nổ, kỹ thuật... đều có tỷ lệ đã giải quyết bồi thường đến 45% phí bảo hiểm thu được.
Doanh thu cao, tăng trưởng mạnh song hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam không hề tương xứng. Nhiều doanh nghiệp công bố mức lãi hàng chục, hàng trăm tỷ đồng nhưng thực tế hiệu quả của nghiệp vụ kinh doanh chính là bảo hiểm lại là con số âm.

Bà Trịnh Tuyết Nga, Trưởng ban Phi nhân thọ - Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đã lý giải phần nào thực trạng đáng buồn này.

9 tháng năm 2010, tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2009 nhưng vẫn  ở mức khá cao. Trong bối cảnh khó khăn chung hiện nay, tốc độ tăng trưởng này liệu có cho thấy các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn “ổn”, thưa bà?

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam phát triển với tốc độ cao, tăng trưởng bình quân những năm gần đây xấp xỉ  30%/năm là thành công. Song mặt trái của bức tranh này là hiệu quả kém, tiềm ẩn rủi ro mất  ổn định.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2008 có đến 16 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong tổng số 25 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ được cấp phép hoạt động bị thua lỗ về nghiệp vụ bảo hiểm, tổng số lỗ nghiệp vụ bảo hiểm toàn thị trường là 163 tỷ đồng.

Năm 2009 chỉ có 10 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có lãi, với số lãi của từng doanh nghiệp bảo hiểm từ 1 tỷ đến 52 tỷ đồng, nhưng tổng thị trường bảo hiểm lỗ nghiệp vụ bảo hiểm tới trên 200 tỷ đồng.

Hậu quả là các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải lấy lãi từ đầu tư tài chính bằng vốn chủ sở hữu, trong đó có thặng dư vốn phát hành cổ phiếu, và dự phòng để bù đắp. Từ đó cổ tức chia cho cổ đông thấp, kém hấp dẫn trên thị trường chứng khoán.

Không ít doanh nghiệp bảo hiểm có biên khả năng thanh toán thấp, thậm chí có một doanh nghiệp bảo hiểm lỗ tích lũy sau hơn 2 năm hoạt động lên tới 299 tỷ đồng, buộc phải tăng vốn chủ sở hữu từ công ty mẹ mới được tiếp tục hoạt động.

Nhiều năm qua, cạnh tranh không lành mạnh thông qua hạ phí, mở rộng điều khoản hợp đồng được nhắc đến như một nguyên nhân khiến hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đều lỗ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Năm nay, tình trạng này liệu còn tái diễn không?

Nguyên nhân của tình trạng thua lỗ nghiệp vụ bảo hiểm kéo dài triền miên và  mang tính phổ biến như đã nói ở trên là chi phí khai thác lớn và bồi thường tăng so với số phí bảo hiểm thu được.

Chi phí khai thác lớn do hệ  thống kênh phân phối sản phẩm của doanh nghiệp được mở rộng nhưng kém hiệu quả, phần khác do hậu quả  của việc chiều chuộng khách hàng. Đặc biệt, với các doanh nghiệp mới bước vào hoạt động luôn chú  trọng đến tiêu chí tăng trưởng doanh thu thông qua việc phát triển chi nhánh, đại lý với chính sách khoán lương và chi phí trên doanh thu phí bảo hiểm.

Cơ chế khoán đồng nghĩa với việc muốn có lương, chi phí trang trải cho hoạt động văn phòng, chi nhánh thì tất yếu phải có doanh thu, tìm mọi cách để có doanh thu, không quan tâm tới hiệu quả (chi phí bồi thường cao - PV). Bình quân trên thị trường có đến 80%-85% số lượng chi nhánh của mỗi doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ có kết quả kinh doanh là con số âm.

Bên cạnh đó, cạnh tranh bằng hạ phí bảo hiểm, mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm không tương xứng với phạm vi chấp nhận bảo hiểm làm tỷ lệ bồi thường tăng. Sản phẩm bảo hiểm là bán lời cam kết bồi thường. Khách hàng mua bảo hiểm chưa thể đánh giá chất lượng thực hiện lời cam kết bồi thường, nên chỉ chọn mua khi phí bảo hiểm thấp, thậm chí không quan tâm chi tiết đến nội dung điều khoản, điều kiện bảo hiểm.

Vì vậy, muốn giành giật khách hàng, doanh nghiệp phải hạ phí bảo hiểm. Để chứng tỏ tính hơn hẳn sản phẩm của mình so với đối thủ cạnh tranh, các cán bộ khai thác bảo hiểm tìm cách mở rộng điều khoản, điều kiện bảo hiểm, thậm chí mở rộng sang cả những điều khoản bảo hiểm thuộc phạm vi bảo hiểm của sản phẩm bảo hiểm...

Những việc làm trên được coi là cạnh tranh phi kỹ thuật song lại giữ nguyên phí bảo hiểm, thậm chí hạ thấp phí bảo hiểm tất yếu làm tăng khả năng phải bồi thường cao hơn, tỷ lệ bồi thường cao. Hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm như tai nạn con người, hàng hóa, tàu biển, xe cơ giới, cháy nổ, kỹ thuật... đều có tỷ lệ đã giải quyết bồi thường đến 45% phí bảo hiểm thu được. Nếu tính cả tổn thất đã xảy ra chưa giải quyết bồi thường (dự phòng bồi thường - PV) thì lên tới 70%, chưa kể dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng dao động lớn.

Vậy theo bà, giải pháp quan trọng vào lúc này là gì?

Cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đã đến mức báo động. Đã đến lúc cần có sự can thiệp hành chính để thị trường bảo hiểm phi nhân thọ phát triển vững chắc, ngăn chặn cạnh tranh không lành mạnh.

Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm nên có mẫu biểu hướng dẫn các chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bảo hiểm làm cơ sở thu hẹp hoặc đình chỉ phạm vi hoạt động của chi nhánh kém hiệu quả, đình chỉ người điều hành chi nhánh không đủ năng lực quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm của chi nhánh.

Đồng thời, nghiên cứu khả năng xiết chặt quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ bằng biện pháp hành chính: thay cho chế độ báo cáo sản phẩm bảo hiểm mới triển khai hiện nay bằng chế độ chấp thuận của Bộ Tài chính về quy tắc điều khoản biểu phí mới được triển khai bán sản phẩm trên thị trường. Ngoài ra, cần có hướng dẫn thực hiện luật cạnh tranh, luật đấu thầu trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.