10:03 06/08/2007

Bảo hiểm phi nhân thọ: Tăng trưởng cao, cạnh tranh mạnh

Hoàng Xuân

Sức cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam nửa đầu năm 2007 gia tăng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng 20%

Lễ ra mắt Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu.
Lễ ra mắt Công ty Bảo hiểm Toàn Cầu.
Cùng với việc đạt tốc độ tăng trưởng 20%, mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, sức cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong nửa đầu năm 2007 tiếp tục gia tăng mạnh mẽ.

Một chuyên gia bảo hiểm than rằng, chưa bao giờ thị trường lại rơi vào tình cảnh cạnh tranh khốc liệt như lúc này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2007 tiếp tục tạo ra nhiều yếu tố tích cực cho sự phát triển của thị trường bảo hiểm.

Nghị định 45-46 sửa đổi Nghị định số 42-43 và các thông tư hướng dẫn về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ban hành cùng với các cam kết của Việt Nam về gia nhập WTO có hiệu lực từ 1/1/2007, đã tạo nhiều cơ hội cho hoạt động khai thác dịch vụ của các doanh nghiệpbảo hiểm có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Một số văn bản pháp luật liên quan tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ban hành đã tác động tích cực tới khả năng tăng trưởng doanh thu bảo hiểm cho toàn thị trường như Nghị định bắt buộc về bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm xe cơ giới, hay Nghị định mới qui định về bảo hiểm y tế thay đổi cách thức chi trả (bệnh nhân tự đóng 20%), Nghị định qui định chi tiết luật du lịch yêu cầu các công ty lữ hành mua bảo hiểm bắt buộc cho khách.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều thuận lợi như vậy thì tình hình cạnh tranh không lành mạnh chủ yếu bằng cách hạ phí phi kỹ thuật, tăng chi phí khai thác vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt từ các doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ và mới đi vào hoạt động.

“Thị trường bảo hiểm hàng hóa gặp phải sức cạnh tranh gay gắt. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra mức hạ phí bảo hiểm từ 40-60%, kể cả các mặt hàng nhạy cảm có tỉ lệ bồi thường cao. Bên cạnh đó các doanh nghiệpmôi giới bảo hiểm luôn đưa ra các điều khoản mở rộng trái tập quán bảo hiểm như thiếu hàng trong container nguyên chì, điều khoản bảo hiểm cho các rủi ro bị loại trừ trong qui tắc bảo hiểm..., đã dẫn đến tình trạng phí thu ngày càng thấp nhưng trách nhiệm của người bảo hiểm ngày càng cao”, một lãnh đạo của Bảo Việt nhận xét.

Trong khi đó, hoạt động của các công ty bảo hiểm nước ngoài tiếp tục hướng vào chuyên môn hóa, với chiến lược “chọn lọc rủi ro, tập trung vào khúc thị trường mục tiêu” nên mặc dù mức độ cạnh tranh chưa cao, nhưng họ đang chiếm lĩnh dần các khúc thị trường có hiệu quả tốt.

Môi giới bảo hiểm nước ngoài tiếp tục hoạt động tốt, tuy nhiên có sự chuyển dịch hướng khai thác bảo hiểm tài sản sang các sản phẩm bảo hiểm y tế, con người, trách nhiệm nghề nghiệp có nhiều tiềm năng hơn.

Tính đến thời điểm này, toàn thị trường có 19 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, trong đó có 7 doanh nghiệpcó vốn đầu tư nước ngoài.

Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm mới thành lập đã đi vào ổn định và bắt đầu mở rộng hoạt động như: BIC phát triển mạnh nhờ sự hỗ trợ tích cực của BIDV trong các dự án đầu tư lớn, Bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) tận dụng khai thác triệt để ở các dịch vụ bảo hiểm kỹ thuật và tài sản từ các cổ đông lớn là SFC (Công ty bay dịch vụ) và EVN.

Bên cạnh đó, Vietnam Airlines cũng đang có kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm.

Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Bảo hiểm, 12 doanh nghiệp bảo hiểm trong nước vẫn nắm giữ thị trường bảo hiểm phi nhân thọ với thị phần doanh thu phí bảo hiểm đạt hơn 80%, trong đó tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp lớn như Bảo Việt, Bảo Minh, PVI và Pjico.

Doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt ước 3.600 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, đây là con số tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Nhiều doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao như: Bảo Việt 1.100 tỷ (tăng 15%), PVI ước đạt 980 tỷ (tăng 40,4%), Bảo Minh đạt ước 825 tỷ đồng (tăng 15%), Pjico ước đạt 335 tỷ (tăng 21,4%), GIC thu ước 150 tỷ (đạt 50% kế họach 2007). Tình hình tổn thất diễn biến phức tạp, đặc biệt là thị trường bảo hiểm hàng hải thân tàu và bảo hiểm cháy.

Trong 6 tháng đầu năm 2007, Bảo Việt tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường bảo hiểm phi nhân thvới doanh thu phí bảo hiểm đạt 46% kế hoạch năm, tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ năm 2006.

Trong đó bảo hiểm hàng không tăng trưởng gần 51%, bảo hiểm hàng hóa và bảo hiểm trách nhiệm tăng trên 20%. Các nghiệp vụ có doanh thu cao, đạt trên 90% kế hoạch như bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ sân bay, bảo hiểm mọi rủi ro lắp đặt - EAR, bảo hiểm trách nhiệm chủ xe đối với hành khách trên xe, bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm.