16:31 23/09/2011

Các đồng tiền châu Á thi nhau mất giá

An Huy

Các đồng tiền của châu Á đang hướng tới tuần mất giá mạnh nhất kể từ năm 1998 do tác động từ sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu

Chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng.
Chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng.
Các đồng tiền của châu Á đang hướng tới tuần mất giá mạnh nhất kể từ năm 1998 do tác động từ sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu. Một số ngân hàng trung ương trong khu vực vì thế đã tiến hành can thiệp để ngăn chặn sự suy giảm tỷ giá này.

Hãng tin Bloomberg cho biết, chỉ số Bloomberg-JPMorgan Asia Dollar Index - thước đo sức mạnh của 10 đồng tiền châu Á được giao dịch nhiều nhất, không bao gồm đồng Yên Nhật - đã giảm xuống mức thấp nhất trong 10 tháng vào ngày hôm qua (22/9).

Những thông tin gây sức ép giảm giá cho các đồng tiền này bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nhận định hôm 21/9 rằng, kinh tế Mỹ đang đối mặt những rủi ro lớn. Thêm vào đó, thống kê từ Trung Quốc cũng cho thấy, số đơn đặt hàng xuất khẩu và sản lượng công nghiệp của nước này giảm xuống.

Tính đến trưa nay, tỷ giá đồng Won của Hàn Quốc so với USD đã giảm 6,8% so với cách đây 1 tuần - mức giảm mạnh nhất từ tháng 2/2009, tỷ giá đồng Rupee của Ấn Độ giảm 47,%, tỷ giá Đôla Đài Loan giảm 3,5% - mạnh nhất từ năm 1998, đồng Ringgit của Malaysia giảm 3,1%...

“Những lo ngại về sự suy giảm tăng trưởng toàn cầu đang gia tăng, khiến các nhà đầu tư ngày càng trở nên lo ngại rủi ro. Điều này ảnh hưởng bất lợi tới triển vọng xuất khẩu của châu Á, đồng thời gây áp lực giảm giá đối với các đồng tiền trong khu vực. Một số ngân hàng trung ương đã can thiệp vào thị trường, nhưng áp lực giảm tỷ giá vẫn còn khá mạnh”, ông Kozo Hasegawa, một nhà giao dịch thuộc Sumimoto Mitsui Banking ở Bangkok, nhận định.

Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn tình trạng mất giá của đồng Won. Trước đó, vào ngày hôm qua, Ngân hàng Trung ương Indonesia tuyên bố sẽ tiếp tục có động thái can thiệp khi cần thiết, giúp đồng Rupiah có thời điểm tăng giá 2% trong ngày hôm nay.

Số liệu của Bloomberg cho thấy, trong tuần tính đến ngày hôm qua, các quỹ đầu tư toàn cầu đã bán ròng số cổ phiếu trị giá tổng cộng 1,4 tỷ USD trên các thị trường Indonesia, Hàn Quốc và Đài Loan. Cùng với đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay xuống 4% từ mức 4,3% trước đó, năm tới còn 4% từ mức 4,5%, đồng thời cảnh báo những hậu quả tồi tệ nếu châu Âu không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng nợ.

Một lý do nữa khiến các đồng tiền châu Á mất giá là đồng USD đang được giới đầu tư quốc tế xem như một “vịnh tránh bão” hàng đầu.

“Đồng Won giảm giá mạnh vì thị trường lo sự suy giảm tăng trưởng ở Mỹ và cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tác động xấu tới thanh khoản USD trên thị trường. Giới đầu tư đang lo sợ và phản ứng có phần thái quá”, ông Sam Hong, Phó chủ tịch phụ trách chiến lược tiền tệ tại ngân hàng Shinhan Bank ở Seoul, nói.