08:55 07/09/2007

“Các quỹ đầu tư Mỹ quan tâm nhiều đến địa ốc Việt Nam”

Minh Quang

"Các quỹ đầu tư Mỹ muốn sử dụng tiền của mình để đầu tư vào những dự án tiềm năng với mục đích sinh lợi bất kể dự án đó ở đâu"

"Các quỹ tài chính Mỹ quan tâm nhiều đến những dự án địa ốc ở Việt Nam và những dự án thuộc những lĩnh vực tiềm năng khác."
"Các quỹ tài chính Mỹ quan tâm nhiều đến những dự án địa ốc ở Việt Nam và những dự án thuộc những lĩnh vực tiềm năng khác."
Trò chuyện với ông Trần Phi Hùng, Phó tổng giám đốc điều hành Unlimited Financial Network (Texas, Mỹ).

Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam rất cần vốn để mở rộng đầu tư nhưng không có nhiều doanh nghiệp thành công khi tiếp cận các nguồn vốn trong nước. Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm nguồn vốn ở Mỹ?

Ở Hoa Kỳ có rất nhiều nguồn vốn và quỹ đầu tư. Không phải chỉ có nguồn vốn của các tổ chức chính phủ mà còn cả những nguồn vốn tư nhân sẵn sàng tham gia hỗ trợ các dự án đầu tư ở Mỹ cũng như ở bên ngoài nước Mỹ. Ví dụ như OPIC (Overseas Private Investment Corporation) là tổ chức cung cấp tài chính của Chính phủ Hoa Kỳ.

Đối tượng tài trợ vốn của OPIC chính là những công dân Hoa Kỳ đầu tư bên ngoài nước Mỹ trong liên doanh với đối tác địa phương. doanh nghiệp Việt Nam liên doanh với cá nhân hoặc doanh nghiệp Hoa Kỳ có thể tiếp cận nguồn vốn OPIC.

Những tổ chức như OPIC ở Hoa Kỳ cũng khá nhiều. Trong khi đó ở Hoa Kỳ có nhiều nhà tư sản lớn, họ rất giàu có và lập ra các quỹ đầu tư. Họ muốn sử dụng tiền của mình để đầu tư vào những dự án tiềm năng với mục đích sinh lợi bất kể dự án đó ở đâu.

Công ty chúng tôi có trụ sở tại Texas, Hoa Kỳ. Hoạt động của Unlimited Financial Network chính là tư vấn đầu tư, tìm kiếm các dự án cũng như cơ hội đầu tư cho cả doanh nghiệp Việt Nam và các quỹ tài chính ở Hoa Kỳ.

Các quỹ tài chính ở Mỹ quan tâm những dự án gì ở Việt Nam, thưa ông?

Họ quan tâm nhiều đến những dự án địa ốc ở Việt Nam và những dự án thuộc những lĩnh vực tiềm năng khác. Mỗi quỹ và tổ chức tài chính có những yêu cầu khác nhau đối với các dự án họ tham gia vốn.

Đối với OPIC, yêu cầu là phải có vốn tự có, khoảng 25% còn lại doanh nghiệp sẽ được cho vay nhưng với điều kiện dự án có tính khả thi cao. Ngoài ra, dự án phải đáp ứng yêu cầu về cải thiện đời sống cho người dân địa phương, tạo công ăn việc làm cho họ.

OPIC hiện nay có nguồn vốn khoảng 4 tỷ USD, cho vay các dự án ở các nước ngoài trừ những quốc gia không thân thiện với Mỹ, còn lại đều là đối tượng cho vay của OPIC. Lãi suất cho vay của OPIC khá hấp dẫn, khoảng 5-6%/năm trong thời gian trung và dài hạn tùy theo đề xuất hợp lý của dự án.

Cho đến nay, ông đã giúp đỡ doanh nghiệp hay dự án nào ở Việt Nam tiếp nhận vốn từ các quỹ và tổ chức tài chính ở Hoa Kỳ chưa?

Cho đến nay đã có hai dự án tiếp cận thành công nguồn vốn vay từ Hoa Kỳ. Dự án đầu tiên là trồng 10 ha cây ca cao dọc theo khu vực miền Nam từ Buôn Ma Thuột trở vào. Dự án có tổng vốn đầu tư là 27 triệu USD, được quỹ tư nhân cho vay đến 20 triệu USD. Dự án này đang được triển khai.

Hiện tại chúng tôi đang tiếp cận với một dự án thứ ba của một bệnh viện đa khoa ở Tp.HCM. Bệnh viện này muốn vay vốn để thanh toán khoản nợ đáo hạn. Cho đến nay chưa có doanh nghiệp Việt Nam nào biết tiếp cận được OPIC mặc dù có nhiều dự án xin vay.

Tôi cho rằng một trong những lý do dự án Việt Nam bị từ chối là việc viết luận chứng kỹ thuật vay vốn không đúng với yêu cầu của OPIC. Chúng tôi sẽ phối hợp với trường kinh tế Tp.HCM tổ chức khóa huấn luyện kỹ năng viết luận chứng kinh tế kỹ thuật theo yêu cầu của OPIC.