17:32 16/03/2011

Căng như… mở chi nhánh ngân hàng!

Minh Đức

Có mặt tại buổi “lai rai” của một nhóm cán bộ ngân hàng, nghe câu chuyện họ kể mới thấy thực là căng như… mở chi nhánh ngân hàng

Lễ khai trương chi nhánh tại Bình Dương của một ngân hàng cổ phần.
Lễ khai trương chi nhánh tại Bình Dương của một ngân hàng cổ phần.
Có mặt tại buổi “lai rai” cuối tuần của một nhóm cán bộ ngân hàng, nghe câu chuyện họ kể mới thấy thực là căng như… mở chi nhánh ngân hàng.

Bẵng vài năm gặp lại, anh bạn cán bộ cấp thành phố bỗng trở thành cán bộ chuyên trách của một ngân hàng thương mại. Nghe qua chẳng mấy ăn nhập, bởi anh vốn là dân luật, đã gần 15 năm thâm niên làm công tác đoàn thể.

“Đồng lương công chức giờ nuôi hai đứa con ăn học chật vật lắm. Đành bỏ thâm niên, ra ngoài làm vậy. Nhưng mà có cái may, công việc trước đây tạo cho mình hiểu biết và quan hệ rộng với các cơ sở phường, xã nên rất thuận lợi cho công việc hiện tại”, anh bạn giải thích.

Quả thực, từ khi nhân vật này đầu quân và phụ trách, kế hoạch mở rộng mạng lưới tại Hà Nội của một ngân hàng mới chuyển đổi lên đô thị vận hành ngon trơn hơn. “Nhưng căng lắm, không hôm nào về nhà trước 8 giờ tối”.

Nhất cự ly, nhì tốc độ

Họ ở những ngân hàng khác nhau, thâm niên có, mới thành lập có, và có cùng một mối quan tâm thường trực: chạy điểm!

Câu chuyện của nhóm bạn trên mới đầu nghe khó hiểu: “Năm rồi được mấy điểm? Đợt này kế hoạch mấy điểm?”, “Em chỉ phấn đấu cỡ 8 điểm là tối đa”… Hóa ra, đó là mức tổng kết cụ thể nhất kết quả họ đã làm, triển khai kế hoạch mở rộng mạng lưới chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng.

Từ “điểm” trở nên quen thuộc trong câu chuyện mỗi lần gặp mặt. Và cũng như bệnh nghề nghiệp vậy, cứ phóng xe trên đường, “dân chạy điểm” lại đá mắt hai bên phố xem có biển hiệu nào của đối thủ mới trưng.

Tổng kết lại năm 2010, nhận xét bất thành văn của nhóm bạn trên là: dè chừng Techcombank. “Ông này nhạy lắm. Đụng mặt suốt. Mới tháng trước thôi, mình ngắm được một điểm, đang lăn tăn diện tích quá rộng so với nhu cầu. Đùng một cái vài hôm sau thấy ổng trưng biển rồi, trong khi sếp mình thì đang chỉ đạo đến quan sát và tính mật độ người qua lại rồi mới lập tờ trình”, một thành viên trong nhóm kể.

Có nhiều tiêu chí để căn ke. Mở chi nhánh, điểm giao dịch trước hết phải liệu cơm gắp mắm, tính toán chi phí mặt bằng; rồi phải chọn tuyến phố, bỏ công ngồi “đo” mật độ dân cư, người qua lại; chi tiết hơn phải xem thế đất, lý lịch gia chủ…

Còn với giới quản lý, không nêu tên nhưng hẳn nhiều người biết, một lãnh đạo ngân hàng lớn từng “nổ”: các chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng ông luôn luôn là hạng nhất, qua mặt tất cả các đối thủ, tuyến phố nào quan trọng cũng đều có mặt, vị trí luôn trung tâm nhất và hạ tầng luôn hoành tráng nhất.

Còn ở tầm chiến lược, tiêu chí chung lúc này là “nhất cự ly, nhì tốc độ”.

Trong 41 ngân hàng thương mại hiện nay, khoảng phân nửa là các thành viên mới chuyển đổi từ nông thôn lên đô thị hoặc mới thành lập. Sự chuyển đổi này buộc họ phải tăng tốc thiết lập sự hiện diện, ít nhất là để cạnh tranh về khả năng tiếp cận khách hàng một cách trực tiếp.

“Nói vui thôi nhé, chúng tôi bị “đô thị hóa” chứ chưa hẳn đã muốn lên đô thị. Đó là áp lực. Thông thường, mở một chi nhánh hoặc một điểm giao dịch mới thì phải tính toán có lãi chậm nhất sau 6 tháng. Nhưng nay cứ mở được đã là mừng. Mở càng nhanh càng tốt, càng trung tâm càng tốt, để dựng khung hệ thống, chuẩn bị cho sự nhập cuộc và cạnh tranh thực sự sắp tới”, giám đốc chi nhánh một ngân hàng mới chuyển đổi nói.

Anh bạn chuyển ngành trên cũng cho biết, trong năm nay, riêng tại Hà Nội, nhiệm vụ đã nhận là phải phấn đấu được ít nhất mở 20 điểm mới. Con số này nằm trong kế hoạch tăng cường tiếp cận khách hàng theo chiến lược ngân hàng bán lẻ; mặt khác, việc cạnh tranh lãi suất, cho vay ngày một khó bởi nhà điều hành quản chặt, cạnh tranh sản phẩm chưa dễ ngang ngửa với những thành viên đi trước…

20 điểm có vẻ không khó, khi năm 2010 có ngân hàng một ngày đồng loạt khai trương tới gần cả chục điểm. Nhưng năm nay thì…

“Khó nhằn rồi chú ơi!”

Vừa rồi, giám đốc đối ngoại một ngân hàng mới thành lập tại Tp.HCM gọi điện ra than thở: “Khó nhằn rồi chú ơi. Chưa biết phải gỡ thế nào chứ tình hình này kế hoạch mở rộng mạng lưới phải dồn hết cả lại”.

Chuyện là ông vừa nhận được công văn của thanh tra Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn các tổ chức tín dụng về việc mở chi nhánh mới trước khi có thông tư mới được ban hành.

Trong khi chờ thông tư đó ra lò, Ngân hàng Nhà nước tạm ngừng xét duyệt hồ sơ của những trường hợp chưa đáp ứng được yêu cầu vốn pháp định tối thiểu theo Nghị định 141 (3.000 tỷ đồng). Điều này không có gì mới, đã có thông tin từ cuối năm 2010, được cho là một chính sách công bằng đối với những thành viên nỗ lực tăng vốn đúng hạn.

Thế nhưng, trong công văn trên có thêm một số điều kiện. Ngân hàng mở chi nhánh mới phải có văn bản cam kết không gây xáo trộn thị trường lãi suất; mỗi lần chỉ được tiến hành làm thủ tục khai trương tối đa hai chi nhánh và trước đó là phải xin phép Ngân hàng Nhà nước tại địa bàn; rồi khi khai trương xong, làm tiếp thì lại phải có báo cáo về việc hoàn tất khai trương chi nhánh trước đó; rồi phải đính kèm xác nhận của cơ quan chức năng…

Với những điều kiện “phụ” đó, kế hoạch mở rộng mạng lưới của các ngân hàng "dồn toa" là phải. Đó cũng có thể là một rào cản kỹ thuật mà Ngân hàng Nhà nước dựng lên để hạn chế những bất cập (nếu có) trong tốc độ mở rộng của các nhà băng những năm gần đây. Nhưng, quy trình mở một chi nhánh mới đang đứng trước một núi thủ tục. Việc lập hồ sơ, xin giấy phép các loại, xin xác nhận các loại, chờ thẩm định… là một hành trình không dễ xong trong dăm bữa nửa tháng. Và liệu họ có còn phải lo “công tác bôi trơn” nào nữa không?

Trong khi đó, không thuê ngay mặt bằng thì dễ mất về đối thủ; thuê rồi thì chờ đợi với chi phí đeo đẳng; tuyển và đào tạo nhân sự xong không lẽ để ngồi chơi xơi nước; không đảm bảo mở rộng đúng tiến độ thì ảnh hưởng kế hoạch hoạt động chung.

Có lẽ, phía sau tình thế đó, những cuộc “lai rai” của nhóm bạn trên sẽ dày hơn thường lệ, và anh bạn chuyển ngành sẽ tiếp tục khó được về nhà trước 8 giờ tối…