11:08 09/08/2017

Căng thẳng Mỹ-Triều đẩy giá vàng thế giới tăng, USD giảm

Diệp Vũ

Những lời cảnh báo gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên đã đẩy giá vàng thế giới tăng trong phiên đêm qua và sáng nay

Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Diễn biến giá vàng SJC tại DOJI - Nguồn: DOJI.<br>
Những lời cảnh báo gay gắt giữa Mỹ và Triều Tiên đã đẩy giá vàng thế giới tăng trong phiên đêm qua và sáng nay, nhưng giá vàng miếng trong nước vẫn gần như đi ngang quanh ngưỡng 36,3 triệu đồng/lượng. Giá USD trong nước đồng loạt giảm trên cả thị trường tự do và ngân hàng.

Lúc hơn 10h trưa nay, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 36,2 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,27 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cuối giờ giao dịch hôm qua, giá vàng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 10.000 đồng/lượng ở chiều mua vào nhưng giá bán không thay đổi.

Vàng nhẫn tròn trơn các thương hiệu Phú Quý, Bảo Tín Minh Châu… dao động trên 34,5 triệu đồng/lượng (mua vào) và từ 34,9-35 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tại thị trường Tp.HCM cùng thời điểm trên, Công ty PNJ báo giá vàng miếng SJC ở mức 36,15 triệu đồng/lượng và 36,33 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán.

Suốt từ đầu tháng đến nay, giá vàng miếng SJC bán ra chỉ lình xình quanh ngưỡng 36,3 triệu đồng/lượng, thể hiện rõ xu hướng biến động yếu hơn giá vàng quốc tế. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước với thế giới quy đổi hiện ở mức 1,6 triệu đồng/lượng, với giá vàng miếng trong nước đứng cao hơn.

Giới kinh doanh vàng cho biết giao dịch vàng diễn ra khá chậm, trong đó khách mua chủ yếu là những người mua với khối lượng nhỏ để nắm giữ lâu dài.

Tình trạng thiếu “sóng” suốt từ đầu năm đến nay của giá vàng trong nước khiến kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn. Người giữ vàng từ đầu năm tính đến thời điểm hiện tại là không có lợi nhuận, thậm chí là lỗ nếu mang bán.

Trên thị trường thế giới, giá vàng đang tạm chững sau khi đạt đỉnh của một tháng rưỡi trên 1.270 USD/oz vào tuần trước. Tuy nhiên, giá vàng đang được hỗ trợ bởi sự giảm giá của đồng USD và căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

Ngày 8/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ đáp trả Triều Tiên bằng “hỏa lực và thịnh nộ” nếu Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa Mỹ. Chỉ vài giờ sau, Bình Nhưỡng sáng 9/8 tuyên bố đang cân nhắc kế hoạch tấn công bằng tên lửa vào đảo Guam của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.

Thị trường chứng khoán Phố Wall và châu Á, cũng như đồng USD đã đồng loạt giảm điểm sau những lời đe dọa và cảnh báo trên giữa Mỹ và Triều Tiên, trong khi những tài sản an toàn như vàng và Yên Nhật tăng giá.

Chốt phiên ngày thứ Ba tại New York, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD/oz, chốt ở 1.261,7 USD/oz. Lúc hơn 10h trưa nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại châu Á tăng thêm 4,3 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, đứng ở 1.266 USD/oz.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt giảm nhẹ về mức 93,683 điểm trong phiên châu Á. Tuần trước, chỉ số này chạm đáy 15 tháng ở mức 92,548 điểm.

Trong nước, giá USD cũng giảm sáng nay.

Tại thị trường Hà Nội, một số điểm giao dịch ngoại tệ tự do báo giá USD ở mức 22.720 đồng (mua vào) và 22.740 đồng (bán ra), giảm 15 đồng so với hôm qua và hạ 25 đồng so với đầu tuần.

Ngân hàng Vietcombank niêm yết giá USD ở mức 22.690 đồng và 22.760 đồng, tương ứng giá mua và bán, thấp hơn 35 đồng so với hôm qua. Eximbank báo giá USD ở mức 22.670 đồng và 22.760 đồng, không thay đổi so với sáng qua.