13:28 10/08/2008

“Cấp phép lập ngân hàng nên có sự phân biệt”

Thúy Nhung

Dù hiện có nhiều ngân hàng không đúng “chuẩn”, nhưng cũng không nên quá “siết” việc cấp phép lập ngân hàng mới

"Số lượng ngân hàng không phụ thuộc vào số lượng dân cư, mà chủ yếu phụ thuộc vào vấn đề các ngân hàng này có đáp ứng được các quy định của pháp luật hay không mà thôi".
"Số lượng ngân hàng không phụ thuộc vào số lượng dân cư, mà chủ yếu phụ thuộc vào vấn đề các ngân hàng này có đáp ứng được các quy định của pháp luật hay không mà thôi".
Dù hiện có nhiều ngân hàng không đúng “chuẩn”, nhưng cũng không nên quá “siết” việc cấp phép lập ngân hàng mới.

Đó là quan điểm của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành trước chỉ đạo mới đây của Chính phủ về việc tạm ngừng cấp giấy phép thành lập mới cũng như tiếp nhận hồ sơ xin thành lập các ngân hàng cổ phần thương mại.

Xung quanh vấn đề này, ông đã cuộc trao đổi thẳng thắn với VnEconomy.

Nên có sự phân biệt

Hiện nay không ít ý kiến cho rằng Việt Nam có quá nhiều ngân hàng, ông đánh giá sao về điều này?

Tính đến tháng 5/2008, hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam gồm có 5 ngân hàng thương mại nhà nước, 6 ngân hàng liên doanh, 36 ngân hàng thương mại cổ phần, 44 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 công ty tài chính, 13 công ty cho thuê tài chính và 998 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở.

Việt Nam đang có nhiều ngân hàng, nhưng có những ngân hàng không hoạt đúng theo tiêu chuẩn của ngân hàng, mà phần lớn chỉ là những đơn vị cho vay thế chấp, không khác các tiệm cầm đồ.

Trong khi đó, chức năng của hệ thống ngân hàng phải là cung cấp tài chính cho nền kinh tế phát triển ổn định và thực hiện chính sách tiền tệ của Nhà nước để kiềm chế lạm phát.

Như vậy, nhiều ngân hàng tại Việt Nam chưa thực hiện tốt được “chức năng” của mình?

Năm 2007, tín dụng ngân hàng tăng trưởng rất mạnh nhưng không phải cho vay để sản xuất kinh doanh mà chủ yếu là cho vay để đầu cơ. Chính lượng tiền quá lớn được đầu cơ vào chứng khoán, bất động sản đã đẩy giá lên một cách phi lý.

Khi mất tính thanh khoản, các ngân hàng buộc phải huy động vốn bằng mọi giá. Điều này đã khiến mức lãi suất cơ bản bị đẩy lên. Thực tế điều này cũng không giúp các ngân hàng thu hút thêm được nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, mà chỉ làm cho dòng tiền di chuyển từ các ngân hàng nhỏ sang các ngân hàng lớn hơn.

Thiệt hại đầu tiên là các doanh nghiệp cần vốn để sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay quá cao khiến các doanh nghiệp này khó tiếp cận nguồn vốn, có vay được các chi phí đầu vào bị đẩy lên. Điều này cũng làm cho lạm phát gia tăng.

Bên cạnh đó, hiện nay ở ta lại tồn tại nhiều ngân hàng hoạt động không có bài bản. Nhiều ngân hàng yếu, vốn điều lệ chưa tới 1.000 tỷ đồng, thì rất khó có thể cung ứng những dịch vụ cần thiết cho kinh tế phát triển.

Vốn nhỏ, nhiều ngân hàng trong nước không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đã phải trở thành đại lý của ngân hàng nước ngoài, dẫn tới đường hướng phát triển không tốt cho nên kinh tế Việt Nam.

Trong tình hình như hiện nay, việc cho phép thành lập thêm các ngân hàng mới có thể sẽ làm cho tình hình thêm “rối”.

Vậy thì theo ông, việc chỉ đạo ngừng cấp phép thành lập các ngân hàng cổ phần thương mại mới là kịp thời?

Chỉ đạo này có thể ngăn chặn được tình trạng nhiều đơn vị đăng ký giữ chỗ, thậm chí “bán cái” để kiếm lợi, song vô hình chung, lại có thể dẫn tới tình trạng những ngân hàng nhỏ không đạt chuẩn thì được phép, trong khi những ngân hàng lớn có khả năng lại không cho.

Như thế là không có sự phân biệt giữa các đối tượng.

Theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh các tiêu chí đối với việc thành lập ngân hàng để tiếp tục tiếp nhận đơn xin phép thành lập của các ngân hàng mới. Đối với các đơn vị thoả mãn các tiêu chí thì vẫn nên cấp phép.

Phải xét trên cơ sở luật pháp

Trên thế giới, hiện có những quốc gia dân số chỉ khoảng vài triệu người nhưng số lượng ngân hàng lại lên tới hàng nghìn. Vậy đâu là cơ sở để xác định số lượng ngân hàng cần có đối với một nền kinh tế?

Trên thế giới mỗi nước đều có những quy định đối với việc thành lập ngân hàng. Vì vậy, số lượng ngân hàng không phụ thuộc vào số lượng dân cư, mà chủ yếu phụ thuộc vào vấn đề các ngân hàng này có đáp ứng được các quy định của pháp luật hay không mà thôi.

Ở nhiều nước, nếu có nhu cầu thành lập ngân hàng và thoả mãn các được các tiêu chuẩn sẽ được cấp phép. Có những quốc gia, một ngân hàng nào đó chỉ được hoạt động trong một thành phố và không được có chi nhánh ở các địa phương khác...
 
Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc thành lập cho một số ngân hàng thương mại cổ phần. Hiện các ngân hàng này đã đầu tư rất lớn để chuẩn bị về mặt nhân sự, cơ sở vật chất kỹ thuật… Nếu không được cấp phép hoạt động, những thiệt hại này sẽ là không nhỏ. Vậy đâu là hướng giải quyết?

Thực tế, đây được xem là rủi ro trong hoạt động của các đơn vị này.

Trừ phi dựa trên cơ sở nào đó mà chứng minh được quyền lợi của mình bị vi phạm, các đơn vị này mới có thể kiện để được bồi thường theo quy định.