14:02 11/01/2007

Cho vay cầm cố cổ phiếu: “Quyền của ngân hàng”

Minh Đức thực hiện

Trả lời VnEconomy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng cho vay cầm cố chứng khoán là quyền của các ngân hàng, nhưng cần thận trọng

"Cổ phiếu cũng là một tài sản, nó có giá trị thật chứ không phải là một thứ bong bóng."
"Cổ phiếu cũng là một tài sản, nó có giá trị thật chứ không phải là một thứ bong bóng."
Trả lời VnEconomy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Đức Thúy cho rằng cho vay cầm cố chứng khoán là quyền của các ngân hàng, nhưng cần thận trọng.

Thống đốc có thể cho biết tình hình cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng thương mại hiện nay?

Cho vay đầu tư chứng khoán, cho vay thông qua cầm cố cổ phiếu là một hoạt động được phép làm theo thông lệ quốc tế. Cũng như mọi hoạt động cho vay khác, cho vay gì thì cũng có rủi ro. Cho vay để đầu tư chứng khoán có mức độ rủi ro cao hơn vì thị trường chứng khoán biến động khó lường, nhiều khi chỉ một tin đồn thôi cũng có thể làm nó đảo chiều.

Đó là chưa kể là nếu có một quyết định chính sách không thận trọng cũng có thể ảnh hưởng. Ví dụ như một quyết định gần đây của Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã buộc phải hủy bỏ nhanh, khi yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài đầu tư gián tiếp mang vốn vào Thái Lan phải găm lại 30% vốn. Chính sách này lập tức làm cho thị trường chứng khoán nước này sụt giảm 15% chỉ trong một ngày.

Vì vậy, trong ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, chúng tôi cũng đã phân tích kỹ thực trạng cho vay này đã đến đâu. Mức độ cho vay của các tổ chức tín dụng Việt Nam hiện còn ở rất thấp. Con số mà chúng tôi nắm được là khoảng 2% tổng dự nợ tín dụng trong nền kinh tế. Đó là mức mà nếu có ảnh hưởng gì cũng không phải là đã gây hệ quả lớn.

Còn việc kiểm soát, chúng tôi đã có văn bản nhắc nhở các tổ chức tín dụng. Trong các buổi làm việc với các ngân hàng thương mại, chúng tôi đều có yêu cầu là phải rất thận trọng trong hoạt động cho vay này.

Ngân hàng không được phép dùng tiền huy động để cho chính công ty chứng khoán của ngân hàng mình đem đi đầu tư chứng khoán. Kênh này là kênh rủi ro và không được phép làm.

Ví dụ ngân hàng A lập ra một công ty chứng khoán rồi lại lấy tiền huy động của chính mình về đưa cho công ty chứng khoán đi đầu tư thì đó là rủi ro lớn, vì nó không tách bạch giữa mức độ an toàn vốn của công ty chứng khoán với lượng vốn đưa sang đầu tư.

Còn việc cầm cố cổ phiếu thì đó là quyền của các tổ chức tín dụng. Cổ phiếu cũng là một tài sản, nó có giá trị thật chứ không phải là một thứ bong bóng. Tổ chức tín dụng có quyền đánh giá tài sản ấy khi quyết định nhận cầm cố cho vay.

Có thể người ta vay để đầu tư chứng khoán, cũng có thể vay để làm việc khác. Nhưng khi cho vay cầm cố cổ phiếu thì phải có sự đánh giá thận trọng giá trị cổ phiếu đó.

Thưa Thống đốc, vì sao ngân hàng không được cho công ty chứng khoán trực thuộc vay, nhưng lại được cho vay đối với những công ty chứng khoán khác?

Ngân hàng có thể làm một tập đoàn kinh doanh đa năng. Nhưng tính chất nhạy cảm của hoạt động đòi hỏi kinh doanh cái gì thì phải bị giới hạn bởi các hệ số an toàn của bản thân nó.

Ngân hàng có thể lập ra một công ty dịch vụ, chưa nói đến là công ty chứng khoán, nhưng không thể giải quyết nhu cầu vốn của doanh nghiệp đó bằng cách lấy vốn của ngân hàng đi huy động. Vì sao như vậy?

Khi thành lập doanh nghiệp thì phải có vốn điều lệ, vốn đó được khấu trừ vào vốn điều lệ của ngân hàng. Ví dụ ngân hàng có 1.000 tỷ vốn, thành lập một lĩnh vực kinh doanh mới phải bỏ sang đó 100 tỷ thì vốn để tính hệ số an toàn hoạt động tín dụng của ngân hàng chỉ còn 900 tỷ. Còn hoạt động kinh doanh kia mức độ an toàn của nó được gắn với 100 tỷ vốn đã được chuyển sang.

Còn nếu anh biến nó thành một kênh không có giới hạn, huy động vốn từ ngân hàng rồi chuyển sang cho công ty chứng khoán để đầu tư, thì anh đã phá vỡ nguyên tắc hạn chế rủi ro trong hoạt động của ngân hàng thương mại.

Trước đây, những ngân hàng như Việt Hoa, Châu Á – Thái Bình Dương, Nam Đô… sở dĩ đổ vỡ là vì sao? Là vì nhiều nhà kinh doanh đi vay ngân hàng khó, lãi suất lại cao, tài sản thế chấp không có trong khi lại có nhu cầu đầu tư vào bất động sản nên đã nghĩ ra cách thành lập một ngân hàng, huy động được vốn bao nhiêu thì đưa về đầu tư cho chính các dự án của họ là bất động sản, đầu tư vào doanh nghiệp… Đến lúc thị trường bất động sản biến động xấu, bán không được thì ngân hàng mất khả năng thanh toán.

Đó là một ví dụ. Và dù có bị phản đối đi chăng nữa, nhưng chừng nào tôi còn quản trị Ngân hàng Nhà nước, chừng đó tôi vẫn theo đuổi một nguyên tắc là hoạt động ấy phải được an toàn, minh bạch, rạch ròi.

Quan điểm của Thống đốc như thế nào về giá trị của cổ phiếu với tư cách là một phương tiện để cầm cố?


Đây là một câu hỏi khó. Nếu nói không khéo có thể có tác động theo chiều hướng bất lợi cho thị trường.

Tôi đánh giá giá cổ phiếu của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam tăng lên về mặt chiều hướng là đúng. Tại vì không ít doanh nghiệp khi cổ phần hóa, mệnh giá cổ phiếu được định trên một giá trị tài sản rất thấp theo cơ chế tập trung quan liêu cũ, trên giá trị sổ sách. Cho nên giá thị trường của nó lên là một xu hướng đúng.

Bên cạnh đó là một số doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, hứa hẹn những triển vọng tương lai nên thị trường chấp nhận với mức giá cao.

Nếu cá nhân tôi khi định đầu tư vào thị trường này thì cũng nhận thấy có những yếu tố không phản ánh đúng thực với giá trị của nó, những yếu tố ảo. Một mặt là do những thông tin minh bạch về các doanh nghiệp niêm yết không phải đã được đảm bảo một sự kiểm chứng khách quan thực sự. Đến những thị trường chứng khoán lâu năm như New York (Mỹ) mà vẫn có những tập đoàn gian lận về sổ sách tài chính để báo cáo sai sự thật.

Ở đây tôi không nói là tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng để nói rằng hoàn toàn tin cậy vào tính minh bạch, chính xác là khó, mà hệ thống giám sát, kiểm tra của chúng ta thì chưa đủ mạnh.

Thứ hai, là từ tâm lý đầu tư theo phong trào. Tôi thấy có nhiều người nội trợ cũng đi mua chứng khoán, giống như mua đất trước đây; nghĩ rằng nó sẽ lên giá nữa nên sẵn sàng thế chấp nhà cửa vay tiền ngân hàng để đầu tư. Và chính những người ấy một mặt góp phần đẩy giá chứng khoán lên nhưng cũng có thể họ là những người góp phần làm cho giá chứng khoán sụt giảm ngoài mức đáng có của nó, khi mà người ta có những phản ứng tâm lý bất lợi.

Đó là những suy nghĩ của tôi, không phải là chuẩn mực cho ai cả.

Về những quy định mới về cho vay đầu tư chứng khoán mà Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng, Thống đốc có thể cho biết một số thông tin cụ thể?

Hiện chúng tôi đang trong quá trình xây dựng và thảo luận, nên chưa thể thông tin cụ thể được.