01:51 03/06/2010

Cho vay tiêu dùng “vấp” rào cản lãi suất

Minh Đức

Tín dụng tiêu dùng hiện khó đẩy mạnh. Không phải vì thiếu nhu cầu. Không hẳn vì ngân hàng thiếu vốn

Theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, việc gọi vốn trung và dài hạn thời gian qua gặp nhiều khó khăn, trong khi chiếm một tỷ trọng lớn trong tín dụng tiêu dùng là cho vay trung và dài hạn.
Theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, việc gọi vốn trung và dài hạn thời gian qua gặp nhiều khó khăn, trong khi chiếm một tỷ trọng lớn trong tín dụng tiêu dùng là cho vay trung và dài hạn.
Với những người khó khăn về tài chính, sự hỗ trợ của các ngân hàng thương mại không khác gì “một miếng khi đói”, giúp họ nắm bắt các cơ hội, thực hiện các kế hoạch dự tính.

Nhưng những năm gần đây, hoạt động cho vay tiêu dùng của các ngân hàng không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Đơn cử như thời điểm cuối năm 2008, Tiểu ban Tín dụng tiêu dùng thuộc Nhóm công tác ngân hàng của hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ đã từng lo ngại công sức đào tạo nhân sự, xây dựng các sản phẩm phục vụ cho tín dụng tiêu dùng có nguy cơ “đóng băng” vì cơ chế trần lãi suất; hay tại những thời điểm căng thẳng thanh khoản, hoạt động cho vay này gần như nhỏ giọt…

Không tăng...

Đầu tuần này, trong cuộc trả lời phỏng vấn được đăng tải trên VnEconomy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: cho vay tiêu dùng đến nay có dư nợ là 122 nghìn tỷ đồng, so với đầu năm thì không tăng.

Có thể xét đến một số nguyên nhân chính của kết quả trên.

Thứ nhất, những tháng đầu năm 2010, khó khăn thanh khoản là vấn đề nổi bật. Tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống liên tục ở mức thấp, hoạt động cho vay tiêu dùng theo đó cũng cầm chừng. Khó khăn này chỉ bắt đầu giảm bớt từ sau Tết Nguyên đán.

Thứ hai, những tháng đầu năm, cơ chế trần lãi suất cho vay là một rào cản đối với tín dụng tiêu dùng, tương tự như những vấn đề mà các chuyên gia đặt ra tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm 2008 nói trên. Ở thời điểm này, lãi suất cho vay VND tối đa là 12%, nhưng nhiều ngân hàng “lách” bằng hình thức thu phí, gián tiếp đẩy lãi suất lên tới 18% - 19%. Lãi suất cao là nguyên nhân nổi bật nhất hạn chế khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của người tiêu dùng.

Thứ ba, theo giải thích của Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tại cuộc phỏng vấn nói trên, một lý do tín dụng tiêu dùng không tăng là tiền gửi dân cư đã tăng 17%, nhiều người hạn chế tiêu dùng.

Thứ tư, theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, việc gọi vốn trung và dài hạn thời gian qua gặp nhiều khó khăn, trong khi chiếm một tỷ trọng lớn trong tín dụng tiêu dùng là cho vay trung và dài hạn. Khảo sát tại một số ngân hàng cho thấy, chiếm tỷ trọng từ 40% - 50% là vay vốn mua nhà, đất, xây nhà - những khoản thường có kỳ hạn trên 2 năm.

Trong khi đó, từ 1/1/2010, các ngân hàng thương mại bắt đầu thực hiện chính sách mới, giảm mức tối đa nguồn vốn ngắn hạn dùng cho vay trung hạn và dài hạn từ 40% xuống còn 30%.

... và sẽ khó tăng

“Không phải ngân hàng không muốn cho vay. Thậm chí chúng tôi phải tiếp thị, tìm những khách hàng tốt để giải ngân”, một cán bộ tín dụng của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) nói.

Thực tế, thời gian gần đây thị trường bắt đầu đón nhận sự trở lại của các chương trình khuyến mại dành cho các khách hàng cá nhân vay vốn.

Như tại Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank), chính sách được triển khai trong tháng 5 vừa qua là giảm tới 10% lãi suất đối với các khách hàng cá nhân vay vốn mua xe, mua – sửa nhà, phục vụ học tập trong 3 tháng đầu… Hay tại Ngân hàng An Bình (ABBank), từ ngày 1/6 này là chương trình khuyến mại cho khách hàng cá nhân vay có thời hạn từ 12 tháng trở lên với giải thưởng là thẻ Visa Gold Debit trị giá 500.000 đồng…

Theo ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân ABBank, cho vay tiêu dùng hiện được nhiều ngân hàng đánh giá là sản phẩm chủ đạo. Các ngân hàng đều kỳ vọng khách hàng sẽ duy trì mối quan hệ với mình trong dài hạn. Chính sách lãi suất thỏa thuận đối với mảng tín dụng thực sự là chất xúc tác đẩy mạnh các hoạt động cho vay của các ngân hàng, đặc biệt là sản phẩm vay mua sắm, tiêu dùng. Và để ngân hàng và người đi vay thực sự “gặp nhau” thì việc mở rộng các chương trình ưu đãi, khuyến mại là cần thiết.

“Tại ABBank, chúng tôi hy vọng khách hàng sẽ xóa dần cảm giác e ngại khi vay với lãi suất hợp lý, thủ tục nhanh chóng, đồng thời còn được ưu đãi”, ông Thái nói. Cụ thể, tại chương trình khuyến mại nói trên, ABBank cũng công bố cụ thể chính sách lãi suất cạnh tranh, có từ 14,5% - 16%/năm.

Nhưng, theo phân tích của một số cán bộ tín dụng, lãi suất cũng chính là rào cản lớn nhất khiến tín dụng tiêu dùng khó đẩy mạnh trong thời gian tới. Qua khảo sát, những mức 14,5% - 16%/năm nói trên hiện không nhiều ngân hàng đáp ứng được, đặc biệt là với các khoản vay tín chấp. Không phải ngẫu nhiên khi những cán bộ tín dụng được hỏi đều cho rằng đó là những mức lãi suất “thấp”; có trường hợp cho biết ngay chính cán bộ vay của ngân hàng mình được 17%/năm đã là “may”.

Lãi suất cao như hiện nay, khách hàng ngại vay. Ngược lại, phía ngân hàng cũng khó đẩy mạnh với các khoản vay có lãi suất cao, bởi lãi cao thường tỷ lệ thuận với rủi ro, trong khi nguyên tắc đặt ra là không được nới các điều kiện an toàn tín dụng.

Để hạ lãi suất, rút ngắn khoảng cách với nhu cầu vay vốn, bên cạnh năng lực vốn, ngân hàng phải cân đối đầu vào. Đây vẫn là khó khăn nổi bật hiện nay, khi lần thứ hai liên tiếp định hướng hạ lãi suất được đặt ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, nhưng vẫn chưa có những chuyển động rõ ràng trên thực tế...