09:23 21/03/2008

Chống lạm phát: Khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc

Nguyễn Hà

Trung Quốc đưa ra 8 nhóm giải pháp để chống lạm phát, trong khi Việt Nam lại quá nghiêng về thắt chặt tiền tệ

Giá cả tăng cao đang là nỗi ám ảnh của nhiều người dân - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Giá cả tăng cao đang là nỗi ám ảnh của nhiều người dân - Ảnh: Tuổi Trẻ.
Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát.

>>Chống lạm phát: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Đó là: phát hành 20.300 tỷ đồng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước bắt buộc; tăng các loại lãi suất chủ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc; thay thế Chỉ thị 03 bằng Quyết định 03 về cho vay đầu tư chứng khoán; mua ngoại tệ “có chừng mực”...

Xáo trộn thị trường vốn

Các biện pháp mạnh nói trên đã tác động đến hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại.

Một là, tác động rất lớn đến nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Đầu năm 2008, ngân sách Nhà nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho chuyển đổi một khối lượng đáng kể ngoại tệ sang nội tệ để chi tiêu, song yêu cầu đó không được đáp ứng đầy đủ vì mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Do đó tiền ngân sách Nhà nước do hệ thống kho bạc nhà nước quản lý đang gửi tại các ngân hàng thương mại Nhà nước đã được đột ngột rút một khối lượng đáng kể ở các ngân hàng thương mại về, gây thiếu hụt vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Đây cũng là lý do cơ bản làm cho lãi suất thị trường liên ngân hàng đã lên tới 25% - 27%/năm, khởi đầu cho đợt nóng lên về lãi suất trên thị trường tiền tệ.

Hai là, cũng để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chuyển tiền gửi của Kho bạc Nhà nước từ các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước về chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

Biện pháp này tác động rất lớn đến thị trường tiền tệ. Bởi vì tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại 5 ngân hàng thương mại Nhà nước tính đến 31/12/2007 là 52.778 tỷ đồng, chủ yếu nằm tại chi nhánh ngân hàng thương mại các huyện, thị xã trong toàn quốc, nơi không có chi nhánh Ngân hàng Nhà nước.

Do chuyển tiền về chi nhánh tỉnh, thành phố nên các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ thiếu khoảng 25.000 tỷ đồng, gây khó khăn cho thanh khoản của ngân hàng thương mại Nhà nước.

Ba là, Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai đợt thanh tra việc cho vay bất động sản và đầu tư chứng khoán, tín dụng tiêu dùng của hầu hết các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng trong năm 2007...

Qua thanh tra, hàng loạt hợp đồng tín dụng cho vay cầm cố chứng khoán, cổ phiếu đã bị Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại phải bổ sung thêm tài sản do giá cổ phiếu xuống quá thấp. Song do không có tài sản bổ sung nên ngân hàng thương mại bắt ép khách hàng bán tháo cổ phiếu, bán tháo chứng khoán để thanh lý hợp đồng tín dụng. Một khối lượng lớn tiền từ thị trường chứng khoán bị rút về ngân hàng thương mại.

Bốn là, do hai nguyên nhân đầu, cùng với tác động yếu tố khác, các ngân hàng thương mại, chủ yếu là ngân hàng thương mại Nhà nước tạm dừng hỗ trợ vốn cho các công ty chứng khoán theo hợp đồng đã ký kết.

Cộng với yếu tố thị trường chứng khoán sụt giảm, vốn của các công ty chứng khoán thiếu, nên buộc họ phải bán khối lượng lớn cổ phiếu giải chấp của các nhà đầu tư theo hình thức khớp lệnh trong thời gian qua, không cho vay vốn mới và cũng không thực hiện nghiệp vụ Repo cổ phiếu đối với các nhà đầu tư. Đây là nguyên nhân cơ bản của tình trạng thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh sâu trong các phiên gần đây.

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Như có dịp đã phân tích, để kiềm chế lạm phát, Chính phủ Trung Quốc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cả về tiền tệ, thị trường, sản xuất... Báo cáo tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc ngày 5/3/2008, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đưa ra các nhóm giải pháp cấp bách để kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Một là, hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất, nhất là sản xuất các mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, dầu thực vật, thịt,...

Hai là kiểm soát chặt chẽ ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu là lương thực - thực phẩm.

Ba là đẩy mạnh và kiện toàn hệ thống dự trữ, điều tiết xuất nhập khẩu, bình ổn giá thị trường trong nước.

Bốn là, thực hiện tốt khâu quản lý và điều tiết, điều hành giá cả, ngăn chặn tình trạng đua nhau tăng giá.

Năm là giám sát việc thu phí và lệ phí giáo dục, y tế, giá cả mặt hàng dược phẩm và nguyên nhiên vật liệu phục vụ nông nghiệp... kiên quyết xử lý các trường hợp liên kết đầu cơ trục lợi.

Sáu là hoàn thiện và thực hiện các biện pháp trợ cấp đối với người có thu nhập thấp.

Bảy là ngặn chặn kịp thời tình trạng giá cả nguyên nhiên vật liệu leo thang.

Tám là, kiên trì thực hiện “chế độ trách nhiệm bao gạo” đối với tỉnh trưởng và “chế độ trách nhiệm rổ rau” đối với thị trưởng.

Như vậy, biện pháp thắt chặt tiền tệ phải được tiến hành có liều lượng, có lộ trình và đồng thời với quản lý thị trường, quản lý giá cả, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và hỗ trợ người dân có thu nhập thấp.

Song đối với Việt Nam thì dường như nghiêng quá nhiều về tiền tệ. Thiếu vốn cho sản xuất kinh doanh. Sản xuất kinh doanh rơi vào tình trạng khó khăn, hiệu quả thấp... có thể dẫn đến tăng trưởng chậm và trì trệ, nạn thất nghiệp gia tăng. Nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường chứng khoán... Tất cả những điều đó đều cần được quan tâm và tìm biện pháp để phục hồi!

Kinh nghiệm của Trung Quốc, một số nước khác trong khu vực nên được tham khảo tích cực trong xử lý các bài toán về điều hành kinh tế vĩ mô hiện nay.

Trong bất kỳ một nền kinh tế nào, cái gốc tăng trưởng vẫn là sản xuất, kinh doanh và lưu thông phân phối, việc làm và đời sống người lao động. Đó là tính quy luật không thể coi nhẹ!