09:10 16/04/2012

Chủ tịch VIB: “Tăng trưởng trong thận trọng”

Quỳnh Mai

Tại đại hội cổ đông 20/4 tới, một số nội dung có thể sẽ được cổ đông đặt vấn đề với Hội đồng Quản trị Ngân hàng Quốc Tế (VIB)

VIB đặt kế hoạch bứt phá trở lại sau năm củng cố vừa qua.
VIB đặt kế hoạch bứt phá trở lại sau năm củng cố vừa qua.
Tiếp tục thận trọng trong môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng những điều chỉnh của chính sách tiền tệ mới đây sẽ tạo điều kiện để ngân hàng linh hoạt hơn.

Tại đại hội cổ đông thường niên ngày 20/4 tới của Ngân hàng Quốc Tế (VIB), một số nội dung có thể sẽ được cổ đông đặt vấn đề với Ban điều hành và Hội đồng Quản trị, từ thực tế kết quả kinh doanh năm 2011 và triển vọng năm 2012.

Khi thời tiết xấu đi…

Với cổ đông VIB, kết quả kinh doanh năm 2011 được đón nhận khác nhau. Sẽ có sự so sánh: sau khi liên tục có tốc độ tăng trưởng cao những năm vừa qua, một số chỉ tiêu chính đã giảm tốc, thậm chí có những quyết định được cho là rất thận trọng.

Như trong năm 2010, VIB tạo ấn tượng với tốc độ tăng trưởng tổng tài sản, huy động vốn, dư nợ, lợi nhuận… có từ 52% cho đến trên 70%. Nhưng năm 2011, một số chỉ tiêu chính như tổng tài sản chỉ tăng 3,3%, dư nợ chỉ tăng 4,2%, trong khi lợi nhuận ghi nhận sự chia sẻ từ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xấp xỉ 974 tỷ đồng.

Tại đại hội sắp tới, kết quả trên dự kiến sẽ được báo cáo cụ thể hơn. Còn theo giải thích của ông Hàn Ngọc Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB: “Trong môi trường kinh doanh đầy bất ổn và thách thức, chúng tôi chọn cho mình phương án phát triển một cách thận trọng và chặt chẽ”.

Theo ông Vũ, khi con thuyền đi vào vùng thời tiết xấu, người thuyền trưởng phải quyết định một hải trình linh hoạt để cập bến thành công. Đó cũng là tình thế của nhiều ngân hàng thương mại. Thậm chí năm 2011 vừa qua được nhìn nhận còn khó khăn hơn cả kỳ ảnh hưởng khủng hoảng 2008 - 2009. Năm 2011, lạm phát leo thang gây căng thẳng lãi suất và huy động vốn; môi trường kinh doanh xấu đi khiến nợ xấu hệ thống gia tăng mạnh; nhiều rủi ro nghiệp vụ và cả đạo đức xẩy ra yêu cầu tăng cường năng lực quản trị, điều hành; đặc biệt là sức ép tái cơ cấu hệ thống đến một cách nhanh chóng…

Trong môi trường đó, phản ứng của các nhà băng là thận trọng hơn trong kinh doanh, gia cố hơn nữa các yếu tố nền tảng. Điều này cũng thể hiện rõ ở VIB khi tăng trưởng tín dụng ở mức rất thấp với 4,2%, trong khi hệ số an toàn vốn (CAR) được giữ ở mức cao hơn nhiều so với quy định của Ngân hàng Nhà nước (14,48% so với 9%), quy mô vốn chủ sở hữu được tăng tới 23,8%.

“Với một hệ số  an toàn vốn tương đối cao như VIB, việc đạt được tỷ lệ cao hơn về tăng tổng tài sản, tín dụng, lợi nhuận là hoàn toàn có thể đạt được. Nhưng những hệ quả đi liền với việc tăng trưởng quá nhanh, đặc biệt là về tín dụng trong môi trường kinh doanh không được thuận lợi chỉ có thể nhìn thấy được sau từ 1-2 năm nữa”, Chủ tịch VIB nói.

Chủ động tăng trưởng tín dụng với tỷ lệ thấp được cho là phù hợp với tình hình thị trường, với triết lý kinh doanh của VIB và là cách thức để bảo đảm sự tăng trưởng bền vững và an toàn cho VIB.

“Và mặc dù được Ngân hàng Nhà nước đánh giá “sức khỏe” thuộc nhóm tốt nhất qua cơ chế phân nhóm giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng Hội đồng Quản trị và Ban điều hành vẫn hết sức thận trọng trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khủng hoảng hiện nay, nên đã dành chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xấp xỉ 974 tỷ đồng. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì chính sách thận trọng về trích lập dự phòng rủi ro, duy trì sự an toàn và phát triển bền vững của ngân hàng”, ông Vũ giải thích thêm.

Linh hoạt và lạc quan

Tiên liệu 2012 tiếp tục là một năm đầy thử thách, khó khăn của nền kinh tế và hoạt động ngân hàng chưa qua, song VIB khá lạc quan khi xây dựng các chỉ tiêu định hướng.

Bản thân Chủ tịch Hàn Ngọc Vũ cũng khẳng định: “Bất chấp những khó khăn có thể tiên liệu trước trong năm 2012, tôi hoàn toàn lạc quan về tương lai của VIB và khả năng của ngân hàng trong việc duy trì phát triển bền vững, cung cấp dịch vụ chất lượng ngày càng cao cho khách hàng, và không ngừng tích lũy giá trị cho cổ đông”.

Tại đại hội sắp tới, ngân hàng này sẽ trình thông qua một số chỉ tiêu tài chính chủ yếu, mà nếu hoàn thành sẽ đánh dấu sự bứt phá trở lại sau năm củng cố vừa qua. Cụ thể, chỉ tiêu tổng tài sản là đạt 114.831 tỷ đồng, tăng trưởng 18,4%; huy động vốn 76.878 tỷ đồng, tăng 33,7%; dư nợ 50.891 tỷ đồng, tăng 17%; lợi nhuận trước dự phòng là 2.750 tỷ đồng, tăng 51% và lợi nhuận trước thuế là 1.728 tỷ đồng, tăng 103,5%; vốn điều lệ dự kiến tăng từ 4.250 tỷ đồng lên 5.500 tỷ đồng.

Phân tích từ VIB cho thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đã có những tín hiệu thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh. Lạm phát liên tục cho tín hiệu tốt và lãi suất đã có những bước giảm đáng kể. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có những điều chỉnh về chính sách, đặc biệt là về tín dụng để gỡ khó cho các doanh nghiệp mà sau đó là sự hoạt động trở lại của hệ thống liên ngân hàng.

Những tín hiệu từ thị trường và từ chính sách đang tạo cơ sở để có thể cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn. Theo đó, chiến lược của VIB là sẽ tăng cường sự linh hoạt để nắm bắt các cơ hội, nhưng thận trọng vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ông Vũ cho biết, năm 2012, chỉ tiêu tăng tín dụng được giao ở nhóm cao nhất là một lợi thế cho phép VIB chủ động và linh hoạt về các biện pháp kinh doanh. Đặc biệt, với gần như toàn bộ số lượng đơn vị kinh doanh đã chuyển hoàn toàn sang mô hình kinh doanh dịch vụ mới cả về nội dung lẫn hình thức, hiệu quả hoạt động dự kiến sẽ bắt đầu phát huy đúng kỳ vọng.

“Tuy nhiên, với bối cảnh kinh tế như hiện nay, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về nguồn vốn. Do vậy, chúng tôi cho rằng huy động tiền gửi từ dân cư ngày càng trở thành một vấn đề có tầm quan trọng chiến lược đối với các ngân hàng cho việc duy trì nguồn vốn ổn định và bền vững”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIB nhấn mạnh và xem đây là một vấn đề then chốt trong năm 2012 này.