11:33 08/04/2010

Chuyên gia WB “hiến kế”: Việt Nam nên tăng lãi suất

Anh Quân

“Một năm trước, chúng tôi có thể coi là những người đơn độc khi tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam”

Theo hai vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam, cái Việt Nam đang cần là một chính sách tín dụng thắt chặt, với lãi suất tiền đồng được nâng lên tương đương với tốc độ lạm phát.
Theo hai vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam, cái Việt Nam đang cần là một chính sách tín dụng thắt chặt, với lãi suất tiền đồng được nâng lên tương đương với tốc độ lạm phát.
“Một năm trước, chúng tôi có thể coi là những người đơn độc khi tỏ ra lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam”.

Phát biểu như trên, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Martin Rama không quên đúc kết trong 7 năm nhiệm kỳ của mình, chưa bao giờ ông bi quan về tình hình của Việt Nam.

Những phân tích, đánh giá của ông được nghiên cứu và sử dụng trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương, do WB công bố ngày 7/4, cho thấy Việt Nam đã thoát ra khỏi suy thoái với vị thế tốt hơn nhiều so với các nước trong khu vực, tuy vẫn còn tồn tại những rủi ro vĩ mô như tái lạm phát, căng thẳng ngoại tệ, lãi suất lên cao…

Lực hút vốn ngoại vẫn lớn

Nói về trường hợp Việt Nam, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, ông Vikram Nehru, nhận xét: “Tăng trưởng của Việt Nam trong năm ngoái, mặc dù chịu những tác động từ cú sốc bên ngoài, vẫn ở tình trạng tốt hơn các quốc gia khác”.

GDP năm 2009 của Việt Nam đã tăng 5,3%, có nguyên nhân ngành xây dựng tăng trưởng cao nhờ chương trình kích cầu tương đối lớn của Chính phủ.

Chi tiêu ngân sách lớn, tăng trưởng tín dụng nhanh chóng, cộng với việc ổn định tâm lý cho các doanh nghiệp nhà nước đã khiến tổng đầu tư tăng mạnh trong năm 2009, đẩy tỷ lệ đầu tư trên GDP lên tới 42,8%.

Sự phục hồi kinh tế cũng được củng cố trong những tháng gần đây, với GDP tăng 6,9% trong quý cuối năm 2009 so với cùng kỳ năm trước. “Tốc độ tăng trưởng khoảng 6% vào quý đầu năm 2010 cũng là đáng khích lệ”, báo cáo của WB nhận định.

Trong khi đó về căn bản, cân bằng đối ngoại của Việt Nam khá bền vững tại thời điểm kết thúc năm 2009. Xuất khẩu đã giảm 9,7% kim ngạch trong năm 2009, nhưng nhập khẩu giảm nhiều hơn, tới 14,7%, giúp cho thâm hụt tài khoản vãng lai giảm xuống còn 7,8% GDP (năm 2008 tương đương 11,9% GDP).

Các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước tính giảm khoảng 13%. Đây là mức giảm không đáng kể trong một năm đầy sóng gió, theo đánh giá của WB. Cũng trong năm 2009, thặng dư tài khoản vốn hầu như đã bù đắp được cho thâm hụt trong tài khoản vãng lai.

“Việt Nam vẫn là địa điểm tốt để thu hút đồng vốn từ các quốc gia khác”, Martin Rama nói.

Theo chuyên gia này, hiện có khoảng 5.000 tỷ USD có thể được đổ vào các nền kinh tế, nhưng có rất nhiều khoản tiền không thanh khoản, đang nằm trong các tài khoản ngân hàng để chờ đón cơ hội đầu tư. “Sự ổn định chính là cách để thuyết phục các quốc gia khác rằng Việt Nam là điểm thu hút đầu tư tốt. Nửa đầu năm nay có thể chưa tốt lắm, nhưng nửa cuối có thể khả quan hơn”.

Ông cũng dự báo, tỷ lệ tăng trưởng 6,5% trong năm nay là hoàn toàn khả thi.

Chưa thoát nguy cơ lạm phát, thâm hụt

Tuy nhiên, chính việc dựa vào cầu nội địa để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế trong năm 2009 đã gây nên những áp lực lên thâm hụt cán cân thanh toán.

Báo cáo của WB lưu ý, hạng mục sai số lớn một cách không bình thường trong cán cân thanh toán (chiếm 10% GDP), và hiện tượng mua bán USD vượt ra ngoài biên độ chính thức trên thị trường tự do đã cho thấy một số dấu hiệu có sự mất lòng tin vào đồng nội tệ.

Hàng tỷ USD đã được các hộ gia đình, doanh nghiệp găm giữ với mong muốn bảo toàn giá trị tài sản của họ. Theo Martin Rama, đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến sai số lớn trong cán cân thanh toán.

Trong khi đó, lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại kể từ quý cuối cùng của năm 2009. “Đổ thêm dầu vào lửa”, giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế cũng tăng cao, việc điều chỉnh tỷ giá VND/USD và giá năng lượng đều là những nhân tố làm cho tỉ lệ lạm phát cao hơn.

Áp lực lạm phát có thể thấy rõ hơn trên thị trường tài sản, với chỉ số chứng khoán có xu thế đi lên trong nhiều tháng liên tục, giá vàng trong nước tăng lên và giá đất cũng tăng cao.

Trong khi đó, việc hạ lãi suất xuống quá thấp cũng làm cho các đợt phát hành trái phiếu chính phủ trở nên kém hấp dẫn. Mặc dù tốc độ giải ngân ODA được đẩy nhanh đáng kể và Chính phủ đã rút bớt các khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, song việc bù đắp thâm hụt ngân sách vẫn ngày càng trở nên khó khăn hơn.

“Những biến động này cho thấy, chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của chính phủ kể từ năm 2008 đã sắp đi tới giới hạn. Với nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi tốt hơn nhiều so với năm 2009, sắp đến lúc Việt Nam cần rút dần các biện pháp kích thích kinh tế của mình”, báo cáo của WB khuyến nghị.

Giải pháp là tăng lãi suất?

Theo hai vị chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam, cái Việt Nam đang cần là một chính sách tín dụng thắt chặt, với lãi suất tiền đồng được nâng lên tương đương với tốc độ lạm phát.

Nêu quan điểm về giải pháp mà Việt Nam có thể sử dụng như “một mũi tên trúng hai đích”, ông Vikram Nehru cho rằng, có một cách có thể giải quyết vấn đề lạm phát đang gia tăng và thâm hụt tài khoản đối ngoại, đó là tăng lãi suất.

“Điều này sẽ đem lại hai kết quả. Thứ nhất, nó sẽ làm nguội lại một chút lạm phát. Thứ hai, nó sẽ tạo ra dòng vốn quay trở lại nền kinh tế, tạo xu hướng rời bỏ đồng USD để chuyển sang tiền VND, qua đó, dự trữ ngoại hối cũng có cơ hội tích lũy lại”, ông cho biết.

Nói rõ hơn quan điểm này, ông Martin Rama giải thích, việc tăng lãi suất đến mức độ hợp lý có thể kéo dòng tiền quay trở lại các ngân hàng, làm giảm áp lực lạm phát. Hơn nữa, khi người dân và doanh nghiệp chuyển từ dự trữ USD sang tiền gửi VND cũng làm giảm căng thẳng tỷ giá.

"Tôi nghĩ rằng lãi suất cho vay có thể ở giữa mức 12% và 18%/năm, còn lãi suất huy động sẽ thấp hơn tương ứng một khoảng đủ để các ngân hàng kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, rất khó nói chính xác là bao nhiêu", ông tính toán.