10:02 12/05/2008

Có dấu hiệu vốn đổ vào đầu cơ hàng hóa

"Tình trạng đầu cơ nguyên liệu giấy và các loại giấy, các loại vật tư nông nghiệp, nguyên liệu công nghiệp để chờ giá lên rất phổ biến"

"Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhưng với mức trần lãi suất thấp như hiện nay, một khối lượng vốn lớn của dân cư và doanh nghiệp không vào ngân hàng".
"Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhưng với mức trần lãi suất thấp như hiện nay, một khối lượng vốn lớn của dân cư và doanh nghiệp không vào ngân hàng".
Thắt chặt tiền tệ góp phần kiềm chế lạm phát nhưng đang tạo tình trạng "thiếu máu" trong nền kinh tế và một phần dòng vốn này đang được đổ vào để đầu cơ hàng hóa chờ giá lên.

Về vấn đề này, TS Lê Xuân Nghĩa - Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Thưa ông, trong các mũi chủ công về kiềm chế lạm phát thì mũi nào phát huy hiệu quả cao nhất?

Chính sách thắt chặt tiền tệ và các giải pháp đồng bộ khác để chống lạm phát của Chính phủ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Chỉ số giá tháng ba giảm mạnh so với chỉ số giá tháng hai và chỉ số giá tháng tư thấp hơn nhiều so với chỉ số giá tháng ba. Nói cách khác, tốc độ tăng giá đang được kiềm chế và có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể chỉ mới thấy các giải pháp thiên về chính sách tiền tệ, kể cả chính sách tín dụng thúc đẩy tăng cung về lương thực thực phẩm. Các giải pháp tài khóa, kiểm soát giá cả, cắt giảm đầu tư công… chưa thật rõ nét và chưa có hiệu ứng thực tế.

Nếu chống lạm phát chỉ bằng chính sách tiền tệ thì tác động làm suy thoái kinh tế là khá lớn. Bởi vì thắt chặt tiền tệ sẽ làm giảm mạnh thanh khoản của toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tạo sức ép rất lớn về vốn và chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Sắp tới các chính sách khác phải được thúc đẩy mạnh mẽ hơn để hỗ trợ chính sách thắt chặt tiền tệ.

Lạm phát giảm dần nhưng cũng đã nảy sinh những khó khăn mới do thắt chặt tiền tệ, đó là tình trạng thiếu vốn, khó khăn trong đầu tư, sản xuất kinh doanh?

Lạm phát tính theo tháng đang có xu hướng giảm dần nhưng tính theo năm có thể sẽ còn cao hơn năm ngoái kể cả cách tính của Việt Nam cũng như cách tính chỉ số giá tiêu dùng bình quân như thông lệ của thế giới. Tuy nhiên, nhìn về trung hạn, lạm phát sẽ được kiềm chế mạnh mẽ vào giữa năm 2008.

Lý do là lạm phát ở Việt Nam có quan hệ đồng biến với tăng trưởng tín dụng. Bốn tháng đầu năm 2008 tăng trưởng tín dụng còn khá cao, trên 14% (do dư chấn của những hợp đồng tín dụng đã ký năm ngoái).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng của tháng tư giảm mạnh, chỉ còn 1,6%/tháng. Giả định rằng tám tháng còn lại của năm 2008 tốc độ tăng tín dụng bình quân 2%/tháng thì cả năm 2008 tốc độ tăng tín dụng sẽ chỉ trên dưới 30%. Như vậy, đã có một sự giảm đáng kể của tăng trưởng tín dụng từ mức 54% năm 2007 xuống còn trên dưới 30% năm 2008.

Đó là thành công lớn mà hiệu ứng giảm lạm phát của nó chắc chắn sẽ được thể hiện rõ nét trong chỉ số giá của các tháng cuối năm nay và các tháng đầu năm sau.

Nhưng nền kinh tế đang có dấu hiệu "thiếu máu", theo ông, vướng ở đâu trong chính sách tiền tệ?

Điều lo ngại hơn là thanh khoản của các ngân hàng và của toàn nền kinh tế. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cam kết hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhưng vấn đề không phải ở chỗ đấy mà cái chính là với mức trần lãi suất thấp như hiện nay, một khối lượng vốn lớn của dân cư và doanh nghiệp không vào ngân hàng.

Các dòng vốn này được các doanh nghiệp cho vay lẫn nhau hoặc dự trữ, kể cả đầu cơ vào các loại vật tư nguyên liệu, hàng hóa nhập khẩu. Ví dụ, bốn tháng đầu năm sản lượng thép nhập khẩu đã xấp xỉ năm 2007. Lượng vàng nhập khẩu bốn tháng đã vượt năm 2007. Tình trạng đầu cơ nguyên liệu giấy và các loại giấy, các loại vật tư nông nghiệp, nguyên liệu công nghiệp để chờ giá lên rất phổ biến.

Nhiều doanh nghiệp dự đoán sau tháng 6/2008, một loạt mặt hàng như xăng dầu, sắt thép, điện, ximăng, phân bón sẽ tăng giá. Nhiều công ty và doanh nghiệp thành lập quĩ riêng huy động vốn của cán bộ - công nhân viên, người nhà và bạn bè ngoài hệ thống ngân hàng để kinh doanh, đầu cơ khiến thâm hụt thương mại ngày càng lớn.

Điều này khiến việc chống lạm phát trở nên khó khăn hơn do một khối lượng lớn tiền lưu thông ngoài ngân hàng, đồng thời thanh khoản của các ngân hàng lâm vào tình trạng căng thẳng...

Nhưng làm sao kéo tiền về khi các ngân hàng vẫn cứ khư khư giữ trần lãi suất huy động?

Cần phải khai thông luồng vốn trên thị trường, đó là tiền gửi dân cư và doanh nghiệp, xem đó là nguồn bù đắp thanh khoản chủ yếu của hệ thống ngân hàng và của nền kinh tế.

Muốn tiền vào ngân hàng, cách duy nhất là bỏ trần lãi suất huy động, đồng thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thị trường mở và điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Bỏ trần lãi suất, có thể xảy ra tình trạng chạy đua lãi suất nhưng chỉ trong thời gian ngắn và không đáng lo ngại.

Ví dụ, ở Mỹ lãi suất huy động tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn vào thời điểm hiện nay là 3,25-3,75%/năm, trong khi các ngân hàng nhỏ huy động lên tới 5,05-5,25%/năm. Lý do rất đơn giản là các ngân hàng chưa có uy tín cao nhưng họ lại có khả năng cho vay khách hàng nhỏ là những doanh nghiệp có thể chịu đựng lãi suất cao, đó là phân khúc thị trường mà các ngân hàng lớn không hướng tới.

Tôi cho rằng vào thời điểm hiện nay nếu không gỡ bỏ trần lãi suất và tăng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước thì sẽ còn khó khăn. Bởi vì tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước trong mọi trường hợp không thể thay thế được nguồn tiền gửi chủ chốt và to lớn của doanh nghiệp và dân cư.