15:26 25/04/2012

Công bố dự thảo đề án sáp nhập Habubank vào SHB

Minh Đức

Dự thảo nêu khá chi tiết về kế hoạch sáp nhập, phân tích từ lý do, thử thách, cơ hội và cả triển vọng nếu sáp nhập thành công

Các chỉ tiêu an toàn và chỉ số về hoạt động dự kiến của "ngân hàng sáp nhập" trong 3 năm tới (đơn vị: triệu đồng), được nêu trong bản dự thảo.
Các chỉ tiêu an toàn và chỉ số về hoạt động dự kiến của "ngân hàng sáp nhập" trong 3 năm tới (đơn vị: triệu đồng), được nêu trong bản dự thảo.
Bản dự thảo đề án sáp nhập Ngân hàng Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã chính thức được công bố.

Trong thông tin mà VnEconomy nhận được chiều nay, bản dự thảo đề án có từ Habubank nêu khá chi tiết về kế hoạch sáp nhập, phân tích từ lý do, thử thách, cơ hội và cả triển vọng nếu sáp nhập thành công.

4 lý do sáp nhập

Dự thảo đề án cũng thẳng thắn khi nêu lý do đầu tiên là các khoản vay từ nhóm khách hàng Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh Habubank, nhất là với chi phí vốn ngày càng cao, thì hệ quả là kết quả tài chính và chất lượng tài sản có từ năm 2011 và đến nay bị suy giảm rất nhiều.

Với tình hình như vậy thì Habubank cần có ngay các giải pháp tích cực để giải quyết tình trạng này một cách có hiệu quả. Và một trong những giải pháp tích cực nhất là thực hiện kế hoạch tái cơ cấu hoạt động một cách toàn diện thông qua hoạt động sáp nhập với tổ chức tín dụng khác, điều này cũng phù hợp với chủ trương, định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Lý do thứ hai, một trong những vấn đề trọng yếu trong thời gian vừa qua là Habubank thiếu kế hoạch mở rộng hoạt động và phát triển kinh doanh đủ tham vọng nên đã phải gánh những hậu quả đáng tiếc cho ngân hàng gồm: không có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ khi thị trường khủng hoảng; không có khả năng thích nghi tốt khi tình hình có những dấu hiệu bất lợi đối với thị trường/sản phẩm truyền thống của ngân hàng.

Thứ ba, với quy mô và khả năng hiện tại thì Habubank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển thị trường và có thể yếu thế trong quá trình cạnh tranh khi các đối thủ cạnh tranh cũng đang đẩy mạnh hoạt động hợp nhất/sáp nhập để vươn tới tầm khu vực. Việc xây dựng phương án sáp nhập phù hợp với xu hướng phát triển sẽ giúp Habubank tham gia tiến trình này một cách chủ động, có khả năng vượt qua khó khăn và nâng cao khả năng cạnh tranh khi nền kinh tế mở cửa ngày càng sâu rộng hơn.

Thứ tư, ngân hàng cũng phải chịu áp lực tái cơ cấu để nâng cao năng lực tài chính, cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng trưởng về quy mô và thị phần theo chủ trương chung của ngành ngân hàng.

“Nhất trí cao chiến lược tái cấu trúc”

Bản dự thảo đề án VnEconomy có trong tay đưa ra nhận định rằng, xu thế sáp nhập với các tổ chức tín dụng khác nhằm mở rộng quy mô và danh tiếng của ngân hàng trên thị trường đang được đẩy mạnh nhanh chóng và được sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước; việc sáp nhập cũng tạo cơ hội tốt cho ngân hàng thực hiện quá trình tái cơ cấu một cách toàn diện nhằm tạo ra một diện mạo mới cho ngân hàng sẵn sàng để phát triển sau giai đoạn kinh tế khủng hoảng.

Habubank hiện đã có hệ thống quy trình quy chế hoạt động tương đối hoàn thiện và có đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn; có hệ thống gọn nhẹ - linh hoạt nên dễ dàng trong việc tái cấu trúc hoạt động để vượt qua khó khăn, đặc biệt có sự đoàn kết và nhất trí cao về chiến lược tái cấu trúc từ Hội đồng Quản trị, Ban điều hành đến toàn thể cán bộ công nhân viên.

Mặt khác, quan điểm quản trị rủi ro với chính sách và quy trình quản trị rủi ro, đặc biệt là thanh khoản và tín dụng đã ngày càng nhuần nhuyễn cũng được nhìn nhận là điểm mạnh hỗ trợ Habubank vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo dự thảo đề án, với các yếu tố khách quan và sự cần thiết, “việc sáp nhập sẽ mang lại những lợi ích to lớn với bản thân Haubank nói riêng và hai ngân hàng sáp nhập nói chung”.

Cụ thể, việc sáp nhập với SHB sẽ giúp hai ngân hàng sáp nhập tiến tới trở thành một định chế tài chính vững mạnh và thương hiệu cũng mạnh hơn; hai ngân hàng sáp nhập có cơ hội để cùng điều hành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn và có sức cạnh tranh tốt hơn sau giai đoạn sáp nhập; mở rộng khả năng phát triển dịch vụ, đặc biệt là hoạt động bán lẻ do mạng lưới phân phối dịch vụ, thị phần lớn hơn; bổ sung lợi thế về quy mô trong phát triển kinh doanh, trong quản lý chi phí; những điểm mạnh của ngân hàng nhận sáp nhập sẽ hỗ trợ cho Habubank và ngược lại Habubank có nhiều điểm mạnh để hỗ trợ ngân hàng nhận sáp nhập.

Ngoài ra, còn nhận được sự hỗ trợ và quan tâm của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình sáp nhập do việc sáp nhập nằm trong chương trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Nếu tiến hành sáp nhập thành công, theo Habubank, kế hoạch này sẽ tạo ra một định chế tài chính có khả năng tồn tại và phát triển. Định chế này có vốn điều lệ khoảng gần 9.000 tỷ đồng và quy mô tổng tài sản trên 100.000 tỷ đồng, hoạt động khắp các tỉnh thành lớn trong cả nước; có số lượng khoảng 500.000 khách hàng; khoảng 5.000 nhân viên; có các công ty con, có khả năng cung cấp các hoạt động hỗ trợ, gia tăng lợi ích cho khách hàng và tăng thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng; có địa bàn hoạt động trong khu vực Đông Dương với các chi nhánh tại Lào và Campuchia; có sự hậu thuẫn mạnh mẽ và có các khách hàng hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi cho sự phát triển của nền kinh tế như: than, khoáng sản, cây công nghiệp (cao su), phát triển hạ tầng và một lực lượng đông đảo các khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các ngành kinh tế khác nhau; có khả năng cung cấp các dịch vụ hiệu quả và an toàn cho một khối lượng lớn các khách hàng cá nhân…

1 cổ phần HBB = 0,75 cổ phần SHB

Dự thảo đề án cũng đưa ra một tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu của cổ đông Habubank (mã chứng khoán: HBB) sau khi sáp nhập vào SHB.

Cụ thể, các chủ sở hữu cổ phiếu HBB sau khi sáp nhập vào SHB sẽ được hoán đổi cổ phiếu theo tỷ lệ 1 cổ phần HBB bằng 0,75 cổ phần SHB. Tổng số cổ phần mà cổ đông Habubank nhận khi hoán đổi sẽ được làm tròn theo nguyên tắc làm tròn xuống số nguyên gần nhất.

Về lộ trình triển khai, việc sáp nhập hai ngân hàng sẽ thực hiện theo từng bước, từ chuẩn bị nghiên cứu dự thảo phương án sáp nhập, hợp đồng sáp nhập, điều lệ ngân hàng sau sáp nhập, nhân sự ngân hàng sau sáp nhập; thông qua đại hội đồng cổ đông các bên các hồ sơ tài liệu liên quan; thực hiện các công tác kiểm kê, kiểm toán và các công tác phục vụ quá trình sáp nhập; xây dựng bộ hồ sơ sáp nhập trình Ngân hàng Nhà nước để có chấp thuận nguyên tắc về việc sáp nhập.

Sau bước trên, hai bên sẽ triển khai các thủ tục sáp nhập; hoàn thiện các nội dung theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; nộp hồ sơ xin phép phát hành lên Ủy ban Chứng khoán; nhận giấy chứng nhận chào bán chứng khoán ra công chứng; hoàn thiện hồ sơ sáp nhập; nộp hồ sơ sáp nhập trình Ngân hàng Nhà nước để có chấp thuận cuối cùng về việc sáp nhập.

Qua các bước trên, việc sáp nhập được chính thức thực hiện, đăng ký kinh doanh, chuyển giao, thực hiện chương trình sau sáp nhập…