16:31 23/07/2009

Công bố kết quả kiểm toán: “Ông lớn” sai nhiều

Từ Nguyên

Ngày 23/7, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán năm 2008 của các địa phương, bộ ngành và các tổ chức kinh tế

Gộp tất cả các sai phạm, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước 4.166 tỷ đồng.
Gộp tất cả các sai phạm, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước 4.166 tỷ đồng.
Ngày 23/7, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán năm 2008 của các địa phương, bộ ngành và các tổ chức kinh tế.

Báo cáo cho thấy, cũng giống như nhiều năm trước, ngoài một số kết quả đạt được nhất định trong thu, chi ngân sách của các bộ, ngành, địa phương và công tác quản lý tài chính của các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế, còn lại hầu hết đều “có vấn đề” về lập kế hoạch, thu chi, và quản lý tài chính, trong đó nổi lên là việc phản ánh sai sự thật trong hầu hết các báo cáo tài chính của các tổ chức tài chính, doanh nghiệp nhà nước.

Thất thu vẫn phổ biến

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2008, cơ quan này đã tiến hành kiểm toán báo cáo quyết toán của 20 bộ, cơ quan trung ương, 35 tỉnh thành, phố trực thuộc Trung ương, 19 dự án đầu tư xây dựng, chương trình mục tiêu quốc gia, 23 tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tài chính ngân hàng…

Kết quả kiểm toán cho thấy, công tác quyết toán thu chi cân đối ngân sách nhìn chung đã có nhiều chuyển biến, song tình trạng thất thu tại các đơn vị sự nghiệp vẫn còn khá nhiều.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do các đơn vị chưa kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền sử dụng đất và các khoản thu tư kinh doanh dịch vụ của các đơn vị.

Đặc biệt, riêng với các sai phạm trong các chương trình như “đổi đất lấy hạ tầng”, “giao đất có thu tiền sử dụng đất”… của các địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu về cho ngân sách nhà nước trên 2.000 tỷ đồng.

Gộp tất cả các sai phạm, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và kiến nghị tăng thu cho ngân sách Nhà nước 4.166 tỷ đồng.

Đến lúc báo động

Đối với các tổ chức tài chính, ngân hàng, trong năm 2008, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính của 162 đơn vị thành viên, chi nhánh trực thuộc của 7 tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Nhìn chung, hoạt động của các đơn vị này tương đối ổn định, đạt kết quả tốt.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, hoạt động cho vay tại các ngân hàng thương mại nhà nước vẫn còn nhiều tồn tại, trong đó nổi lên là việc cho vay vượt nhu cầu vốn của khách hàng, cho vay không đúng đối tượng, trích lập dự phòng rủi ro không chính xác… Ngoài ra, việc quản lý và theo dõi công nợ giữa hội sở chính và các chi nhánh còn chưa kịp thời và nhầm lẫn…

Theo ông Lê Minh Khái, Phó tổng kiểm toán Nhà nước, nguyên nhân của tình trạng này là do các ngân hàng phân loại nợ vẫn mang tính chủ quan, các chi nhánh chỉ căn cứ kế hoạch tài chính, quỹ tiền lương được duyệt để điều chỉnh nhóm nợ và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Theo một quan chức của Kiểm toán Nhà nước, những sai phạm của hệ thống tài chính ngân hàng trong thời gian qua mặc dù chưa phải là quá nghiêm trọng, song với việc vi phạm liên tục và đang có xu hướng tăng lên thì những sai phạm trong lĩnh vực này cũng đã đến lúc báo động, nếu không tình hình sẽ ngày càng xấu hơn.

Càng lớn… càng sai

Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo kiểm toán năm 2008 là hầu hết các báo cáo tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng... bị sai lệch, không phản ánh đúng thực tế tài sản, chi phí, doanh thu và kết quả kinh doanh của các đơn vị này.

Đáng chú ý, sai phạm này thường tập trung vào những “ông lớn” như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Hàng hải (Vinalines), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco)…

Ngoài ra, qua kiểm toán cũng cho thấy, nhiều doanh nghiệp có tỷ trọng vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn rất thấp, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay, vốn chiếm dụng, nên dẫn đến cơ cấu tài chính bấp bênh, chi phí lãi vay cao, kinh doanh thua lỗ, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có những tổng công ty Nhà nước có vốn chủ sở hữu chỉ có từ 2 - 8%...

Trong năm 2008, Chính phủ đã có chỉ thị hạn chế đầu tư ra ngoài ngành đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy, phần lớn các đơn vị được kiểm toán đều có hoạt động đầu tư ra ngoài nhiệm vụ chính của mình, với các mức độ khác nhau, và có nhiều đơn vị đã không thành công.

Tiêu biểu cho tình trạng này vẫn lại là các “đầu tàu” kinh tế như: EVN với 3.590 tỷ đồng (chiếm 4,82% vốn chủ sở hữu), Vinalines 873,78 tỷ đồng (chiếm 11,8% vốn chủ sở hữu), TKV 1.786 tỷ đồng (chiếm 16,15% vốn chủ sở hữu)…