09:04 18/01/2008

“Credit Suisse đã rất thành công tại Việt Nam”

Lan Hương

Hỏi chuyện ông Lito Camacho, Phó chủ tịch Tập đoàn Credit Suisse khu vực châu Á –Thái Bình Dương

“Trong lĩnh vực đầu tư, Credit Suisse được đánh giá là ngân hàng đầu tư nước ngoài huy động vốn nhiều nhất từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam.”
“Trong lĩnh vực đầu tư, Credit Suisse được đánh giá là ngân hàng đầu tư nước ngoài huy động vốn nhiều nhất từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam.”
Hỏi chuyện ông Lito Camacho, Phó chủ tịch Tập đoàn Credit Suisse khu vực châu Á –Thái Bình Dương.

Là một nhà tư vấn, ông nhận thấy mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam hiện nay như thế nào?

Tại thời điểm này, mối quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam là rất lớn. Chúng tôi đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và điều này được chứng minh qua sự quan tâm ngày càng nhiều của các nhà đầu tư nước ngoài.

Là nhà tư vấn cho quá trình chọn đối tác chiến lược cho Bảo Việt, kinh nghiệm mà ông rút ra được là gì?

Năm 2007, giao dịch cổ phần hóa của Bảo Việt và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược HSBC do Credit Suisse tư vấn đã được Tạp chí CFO Asia (một tạp chí quốc tế rất có uy tín với số lượng độc giả rất lớn trong cộng đồng tài chính và các nhà đầu tư quốc tế), bình chọn và nhận giải thưởng “Giao dịch xuất sắc nhất năm 2007”.

Giải thưởng này là một sự công nhận rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư quốc tế đối với cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong cải cách kinh tế và chương trình cổ phần hóa, sự lãnh đạo quyết liệt của Bộ Tài chính các cơ quan quản lý của Chính phủ cũng như khả năng triển khai thực hiện mang tầm quốc tế của lãnh đạo Bảo Việt trong quá trình cổ phần hóa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của Bảo Việt.

Theo tôi, trong quá trình thực hiện cổ phần hóa Bảo Việt, Chính phủ đã trao đổi cởi mở, cung cấp thông tin minh bạch, đầy đủ. Đối với doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là sự linh hoạt.

Cụ thể, sự linh hoạt đó là gì, thưa ông?

Việc bán 10% cổ phần của Tập đoàn Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt) cho HSBC Insurance có những vấn đề rất căn bản quan trọng. Được đánh giá như trường hợp tiên phong của quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước của Việt Nam trong tương lai, giao dịch này là đợt cổ phần hóa đầu tiên được thực hiện theo Nghị định 109 mà trong đó cho phép các công ty nước ngoài được trở thành nhà đầu tư chiến lược trong các doanh nghiệp Nhà nước đang cổ phần hóa.

Theo đánh giá của chúng tôi, giao dịch loại này tương đối mới với cả Việt Nam và các doanh nghiệp. Một trong những thách thức là vấn đề thời gian vì quá trình bán cho nhà đầu tư chiến lược được bắt đầu từ tháng 1/2007, rất lâu trước khi Nghị định 109 có hiệu lực.

Tới thời điểm Bảo Việt nhận được bản chào có ràng buộc cuối cùng từ các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là vào cuối tháng 5/2007 nhưng tới lúc đó vẫn chưa có sự rõ ràng về các văn bản pháp lý sắp tới đưa ra sẽ được áp dụng như thế nào.

Một vấn đề đáng quan tâm là có một đề xuất đưa ra trong một nghị định mới yêu cầu nhà đầu tư chiến lược sẽ không được trả giá thấp hơn giá đấu IPO của các nhà đầu tư trong nước. Tại thời điểm đó cũng chưa rõ là các bản chào của các nhà đầu tư chiến lược mà Bảo Việt nhận được sẽ có phải thực hiện theo Nghị định 109 mới hay không.

Một sự lựa chọn logic là để các nhà đầu tư chiến lược nộp bản chào sau khi giá IPO trong nước được xác định và Nghị định 109 bắt đầu có hiệu lực. Tuy nhiên, Bảo Việt cũng chịu áp lực phải triển khai cổ phần hóa nhanh.

Theo các văn bản pháp luật khác, một doanh nghiệp Nhà nước có thể không được tiếp tục cổ phần hóa nếu như doanh nghiệp đó không thực hiện đúng theo tiến độ thời gian đặt ra như phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt. Bảo Việt đã đi đến quyết định tiến hành thực hiện IPO trong nước trước vào tháng 5/2007 mặc dù Nghị định 109 vẫn chưa được đưa ra.

Hình thức đấu giá theo phương thức Hà Lan đã được tiến hành và xác định giá của Bảo Việt là 71.673 đồng (khoảng 4,65 USD) một cổ phiếu. Bảo Việt sau đó đã yêu cầu các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nộp lại bản chào và có ít nhất 2 nhà đầu tư chiến lược nước ngoài chấp nhận với mức giá 4,65 USD/cổ phiếu.

Vào tháng 9/2007, Bảo Việt đã ký thỏa thuận cuối cùng bán 10% cổ phần cho HSBC Insurance với giá 254 triệu USD cùng với quyền HSBC được mua thêm 8% nữa sau 18 tháng với điều kiện HSBC đáp ứng đủ các yêu cầu đặt ra theo thỏa thuận hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật đã ký với Bảo Việt.

Từ trước đến nay, Credit Suisse được biết tới nhiều ở thị trường Việt Nam với những thành công trong vai trò nhà tư vấn chiến lược. Vậy với vai trò là nhà đầu tư, những kết quả mà Credit Suisse đã đạt được trong thời gian qua như thế nào?

Đúng là mảng tư vấn tài chính của chúng tôi ở Việt Nam khá thành công. Credit Suisse là ngân hàng tư vấn duy nhất hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ năm 2002 và là ngân hàng tư vấn, bảo lãnh chính và quản lý sổ các nhà đầu tư duy nhất của đợt phát hành trái phiếu quốc tế lần đầu tiên 750 triệu USD của Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế vào tháng 12/2005.

Trong năm 2007, Credit Suisse là ngân hàng tham gia tư vấn tài chính cho dự án cổ phần hóa quan trọng và tìm nhà đầu tư chiến lược tại Việt Nam như tư vấn đối với Vietcombank, tư vấn SwissRe mua Vinare và tư vấn Bảo Việt.

Riêng trong lĩnh vực đầu tư, Credit Suisse được đánh giá là ngân hàng đầu tư nước ngoài huy động vốn nhiều nhất từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam. Từ năm 2005-2007, Credit Suisse đã huy động hơn 2,2 tỷ USD và riêng năm 2007 là hơn 1,4 tỷ USD nguồn vốn quốc tế vào thị trường Việt Nam.

Vậy những lĩnh vực nào sẽ là đích nhắm của Credit Suisse khi đầu tư tại Việt Nam?

Khó có thể nói được chính xác vì điều kiện thị trường có những thay đổi trong từng giai đọan nhất định. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định rằng, nguồn vốn đầu tư của Credit Suisse vào thị trường Việt Nam sẽ ngày càng gia tăng. Đối với Credit Suisse, Việt Nam là mô hình thành công nhất tại châu Á.