12:53 06/11/2010

Điều hành lãi suất: Vừa “đồng thuận” vừa “thả phanh”?

Nguyễn Hoài

Ép lãi suất “vào 10 ra 12” bây giờ lại “thả nổi” theo thị trường, phải chăng “hành chính” đang can thiệp quá mạnh vào thị trường tiền tệ?

Sự can thiệp hành chính trong thời gian qua đến lãi suất dường như đã bộc lộ sự thiếu nhất quán và rõ ràng.
Sự can thiệp hành chính trong thời gian qua đến lãi suất dường như đã bộc lộ sự thiếu nhất quán và rõ ràng.
Ép lãi suất “vào 10 ra 12” bây giờ lại “thả nổi” theo thị trường, phải chăng “hành chính” đang can thiệp quá mạnh vào thị trường tiền tệ?

Tại Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 6/4/2010 và Nghị  quyết số 23/NQ-CP ngày 7/5/2010 bàn về những biện pháp cấp bách ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 6,5%, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất theo hướng giảm dần và tiến tới mục tiêu huy động 10%/năm và cho vay khoảng 12%/năm.

Thiếu nhất quán

Từ đó đến nay, chỉ trong vòng nửa năm, Ngân hàng Nhà nước kết hợp khá chặt chẽ với Hiệp hội Ngân hàng kéo mặt bằng lãi suất cho vay trong quý 1/2010 từ 17% - 18% xuống mức phổ biến 13% - 14%/năm tại thời điểm hiện nay.

Chưa kể, nhiều ngân hàng còn hạ lãi suất cho vay đối với 3 đối tượng ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ (xuất khẩu, doanh nghiệp khu vực nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ) còn 11,5% - 12%/năm. Nhờ đó, các đối tượng này đã tiếp cận được nguồn vốn để phục hồi sản xuất.

Tuy nhiên, ngày 4/11, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia phát đi thông điệp của Chính phủ “thả nổi” lãi suất theo thị trường” và người đứng đầu ủy ban này cho rằng, lãi suất cho vay thời gian tới có thể lên tới 15 - 17%/năm.

Trả lời về vấn đề này, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho biết: chỉ đạo “vào 10 ra 12”, bây giờ lại chỉ đạo thả nổi là biện pháp can thiệp hành chính không phù hợp với cơ chế thỏa thuận, đồng thời gây khó khăn cho hoạt động điều hành.

Ở một diễn biến khác, ngày 5/11, đã có một phản hồi từ một tổ chức đại diện cho hội nghề nghiệp gửi lên Chính phủ với nội dung: nếu chủ trương thả nổi lãi suất thì Chính phủ phải có văn bản chỉ đạo nhằm giải quyết bất cập giữa định hướng “vào 10, ra 12” tại Nghị quyết 18 và 23 và quan điểm thả nổi theo thị trường hiện nay.

Thực tế, để có được mức lãi suất tương đối phù hợp với người vay, kể từ khi ban hành 2 nghị quyết nói trên, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức 4 cuộc họp “đồng thuận lãi suất” mà lần gần nhất là 29/9/2010. Và mặc dù hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức này nhưng không ít ngân hàng vẫn ấm ức và tự xoay xở bằng cách cộng thưởng qua khuyến mại.

Cho đến thời điểm này, lãi suất thị trường tương đối ổn định, vẫn có lợi cho người gửi (trên 11%/năm nếu cộng cả thưởng), so sánh với lạm phát thì vẫn thực dương, kể cả khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lên 9%. Ngoài ra, lãi suất cho vay cũng giảm, nhiều doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng với mức chấp nhận được.  

Vừa “đồng thuận” vừa “thả phanh”?

Sáng 5/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã triệu tập lãnh đạo 16 ngân hàng phía Bắc bàn về nhiều vấn đề, trong đó có lãi suất nhưng cũng không dứt khoát có thôi “đồng thuận” theo định hướng như trước đây, hay hoàn toàn thả nổi lãi suất.

Có lẽ để cho "chắc ăn", cuối buổi họp, 16 thành viên này cũng nhất trí “đồng thuận” lãi suất huy động không quá 12%/năm, chưa bao hàm khuyến mãi.

Bởi thế, phản ứng từ phía các ngân hàng khá phức tạp. Ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng lãi suất huy động từ 11% lên 13%/năm. Còn đồng thuận lãi suất thì chưa thấy ai nói dừng, nhưng Thống đốc có vẻ như đã mở đường thì chúng tôi cứ ấn định theo lãi suất thị trường".

Một số ngân hàng khác đoán rằng, lãi suất hai chiều sẽ tăng mạnh, huy động có thể lên tới 14%/năm và cho vay khoảng 16 - 17%/năm. Tuy nhiên, với mức này thì các ngân hàng sẽ rất khó bơm vốn ra và không hiểu doanh nghiệp nào sẽ chịu được giá vốn này, khi mà thời điểm cuối năm dồn dập nhu cầu vốn lưu động để thanh toán, chi trả chi phí.

Ở một diễn biến khác, ngày 5/11, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 2620/QĐ-NHNN công bố: “Lãi suất tái cấp vốn là 9%/năm; lãi suất tái chiết khấu là 7%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ đối với các ngân hàng là 9%/năm”.

Như vậy, các mức lãi suất này tăng thêm 1% so với Quyết định 2664, ngày 25/11/2009. Động thái này cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã phát đi thông điệp kiểm soát chặt chẽ tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn, nhằm kiềm chế lạm phát.

Từ  thực tế này, giới phân tích tài chính bình luận rằng, rất có thể quan điểm thả nổi lãi suất được xuất phát từ một trong nhiều lý do, trong đó có con số trong vòng nửa đầu tháng 10/2010, người dân và tổ chức đã rút ra khoảng 45 nghìn tỷ đồng mua USD hoặc vàng do lo ngại sự mất giá của VND khi CPI tăng cao. Vì thế, thả nổi lãi suất từng bước là hợp lý.

Cùng đó, động thái kiểm soát chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng góp phần tạo nên tác động kép để vừa kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo lợi ích cho người nắm giữ VND, góp phần giảm áp lực lên tỷ giá.

Có lẽ, trong điều kiện thị trường phức tạp như hiện nay, lại chịu nhiều tác động từ bên ngoài, rất khó có thể loại bỏ hoàn toàn các biện pháp can thiệp hành chính. Nhưng điều đáng nói là sự can thiệp hành chính trong thời gian qua dường như đã bộc lộ sự thiếu nhất quán và rõ ràng. Nếu tình hình thay đổi, buộc chính sách phải thay đổi, thì cơ quan quản lý chính thống phải có văn bản chỉ đạo chính thức và dứt khoát, sao cứ phải bắt các tổ chức tín dụng vừa kinh doanh, vừa nghe ngóng để theo kịp chính sách?